Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Cơm rượu.

Năm 1984 tôi làm đại đội phó đại đội 211 ( nguyên là đại đội Cao xạ pháo thành lập năm 1967 tại Hòn Gay Quảng Ninh, vì chiến công chống trả máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại nên trước đó đại đội do tôi làm đại đội phó đã hai lần được phong tặng danh hiệu ” Đơn vị anh hùng”)
Đại đội tôi hồi ấy có một nhân viên thống kê, một nhân viên liên lạc, đến giờ tôi vẫn nhớ nhân viên thống kê tên là Tường sinh năm 1962 đã tốt nghiệp trường công nhân kỹ thuật Việt Hung ở Sơn Tây, còn nhân viên liên lạc tên là Dũng sinh năm 1964 đi bộ đội năm 1982 nhà ở Ngõ Trại Găng Tân Mai Hai Bà Trưng Hà Nội.
Thời bấy giờ chúng ta chưa bình thường hóa quan hệ với nước Trung Quốc nên kinh tế còn khó khăn và đói kém lắm, chúng tôi là sĩ quan chưa vợ nhưng cứ nghĩ trong bụng rằng:
- Lương thế này không đủ, mà có vợ có con thì nuôi ra làm sao?
Lại nói về cậu liên lạc đơn vị tôi tên là Dũng, ngày ấy cứ sau công việc tôi thấy Dũng cứ mang những quyển sách Toán Lý Hóa lớp 10 ra đọc, em bảo với tôi:
- Sau khi ra quân em cố thi đại học anh ạ.
Tôi gật đầu và nói với em cố lên, cũng nhiều người hết nghĩa vụ đỗ đại học đấy, mà bộ đội xuất ngũ thi đại học nghe nói được ưu tiên những một điểm rưỡi cơ đấy, vẫn nhớ em nhìn tôi cười, cặp mắt sáng lên những hy vọng.
Những năm ấy, đại đội tôi có bếp riêng, đến bữa thay vì vác bát xuống nhà ăn Dũng xuống bếp lấy cơm về mấy anh em ăn ở nhà đại đội, cơm thì có thức ăn thì thiếu, nên cơm thừa cũng nhiều, trong đại đội có anh quê ở nông thôn mang chỗ cơm ấy ra phơi, khô cho vào túi để chờ đến khi nghỉ phép mang về quê cho vợ con nuôi lợn. Có hôm tôi thấy Dũng mang mấy cái ống tre mang ra suối vào buổi tối,rồi hôm sau nhấc về, mấy anh em tôi được bữa lươn ngon nhớ đến bây giờ.
Một lần tôi thấy em ủ tấm ni lông vào một cái chậu cơm, tò mò tôi mới hỏi:
- Em làm gì đấy?
Em trả lời:
- Em ủ rượu anh ạ
Lúc sau tôi mới biết là em ra chợ mua men rượu, về bẻ ra trộn với cơm nguội chúng tôi ăn thừa, rồi bọc miệng bằng tấm ni lông trắng.
Làm cán bộ đại đội như tôi hồi ấy cũng chả khác gì con mọn, mang tiếng cán bộ có bốn người mà đi học, đi phép, đi viện có những tháng chỉ có mình tôi trực đơn vị, giao ban giao bệ việc này việc kia tôi cũng chả nhớ cái vụ ủ cơm rượu của cậu thống kê đại đội tôi nữa.
Mấy hôm sau, vào buổi chiều khi tôi đi giao ban tiểu đoàn về, Dũng bưng cho tôi một bát cơm rượu:
- Anh ăn đi này
Tôi ngạc nhiên:
- Sao không để nấu mà lại ăn?
Dũng bảo:
- Trộn đường ngon phết anh ạ.
Nghe lời Dũng tôi cũng mang bát cơm rượu ấy trộn đường:
- Quả thật ngon như rượu nếp ngày xưa thi thoảng tôi vẫn được ăn ( mà chả nhớ là hồi ấy ai đã mua cho tôi ăn nữa)
——————-
Sau này tôi chuyển lên trung đoàn,rồi Dũng ra quân, anh em tôi không gặp nhau nữa. Năm 1989 Quân đội thay đổi biên chế, tôi ra khỏi quân đội, vẫn nhớ năm ấy, sau khi về địa phương, có một hôm tôi đến ngõ Trại Găng Tân Mai tìm nhà Dũng nhưng khi hỏi chẳng ai biết nhà Dũng ở đâu ( có người bảo hình như nhà em chuyển đi rồi) lúc quay về tôi cứ băn khoăn:
- Không biết em có thi được vào trường đại học Bách Khoa như em mơ ước hay không?
—————–
Nay một ngày thứ bảy ( là ngày được nghỉ hiếm hoi trong cuộc đời làm thuê cuốc mướn sau khi ra quân của tôi ) buổi sáng tôi xuống chợ mua thức ăn, và một chùm vải để về thắp hương trên bàn thờ bố tôi ( Mùa này là mùa vải) thắp hương xong tôi mới hạ chùm vải xuống, lấy cái bát xúc một ít rượu nếp vợ tôi mua hôm nọ hôm tết,thấy nhạt tôi mới lấy mấy thừa đường xúc vào bát, thế là chuyện cơm rượu và những ký ức về chú em thống kê thời tôi làm cán bộ đại đội một thời xưa ùa về.
- Quãng thời gian cách đây đã 30 năm rồi, vừa đủ thời gian cho một người được đi làm và đến lúc nhận được sổ hưu.
Và có một điều tôi chắc chắn là
- Cho dù thế nào cuộc đời vẫn rất nhiều men say và ngọt ngào,giống như bát rượu nếp cho thêm đường và chùm vải chín mà tôi mới mua lúc ban sáng ở trên bàn đó kia.

1 nhận xét:

  1. Bác ơi, cơm rượu ủ khéo thì sẽ rất ngọt và nhiều nước. Cho đường chỉ là giải pháp tình thế thôi ạ :-)

    Trả lờiXóa