Trang

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

CHUYỆN VỀ ĐÔI VỢ CHỒNG NGƯỜI PHIÊN DỊCH TIẾNG NGA.

Vẫn nhớ
Thời nhà máy thủy điện Hòa Bình chưa phát điện, ngoài cửa hầm tại cao độ 50 chỗ nhà Апк bây giờ là một ngôi nhà hai tầng của Công ty công trình Ngầm của ông Trần Thọ Chữ, chỗ  đấy là nơi phát bánh mỳ ca, nơi nghỉ trong chốc lát của những người cán bộ quản lý kỹ thuật, thường thì hàng ngày sau khi đi kiểm tra toàn công trường thì những người quản lý hoặc cán bộ kỹ thuật  về đấy ngồi nghỉ, tất nhiên trong số đó có cả những người chuyên gia Liên Xô.
Lúc ấy Ban Quản lý nhà máy thủy điện Hòa Bình gọi tắt là Ban A do ông Thái Phụng Nê  làm trưởng ban có một bộ phận giám sát kỹ thuật ở ngoài công trường.Họ thuộc phòng kỹ thuật của ông Trần Quí Hảo,bộ phận đấy có các kỹ sư người Việt và các chuyên gia người Nga trực ở đấy,những năm bấy giờ mặc dù ở các trường đại học kỹ thuật của chúng ta trong năm năm học đều học tiếng Nga, dưng có lẽ những sinh viên trường Mỏ, Thủy lợi, Xây dựng và Bách khoa những năm ấy chả bao giờ nghĩ đến rằng sau này ra trường lại được làm việc với Tây nên trình độ ngoại ngữ cũng chỉ là biết đánh vần theo bảng chữ cái Xờ La Vơ
Có một cảnh mà những người biết tiếng Nga không khỏi cười ra nước mắt là  thi thỏang cứ thấy mấy anh chuyên gia xì xà xì xồ với cánh công nhân việt, lại nghe thấy những tay người Việt trong những chiếc mũ bảo hộ ấy trả lời:
-да да
Cho dù mấy anh Tây có nóng những người Việt kia cũng chỉ biết trả lời bằng mỗi mấy câu:
-да да.
------------------
Trên tầng hai của ngôi nhà ngoài cao độ 50 ấy, có một người phiên dịch, cao cao,nước da màu trắng trong bộ quần áo bộ đội bằng vải Tô Châu Trung Quốc, anh ấy ngồi ở đấy, thi thoảng có người vào nói chuyện với mấy anh chuyên gia thì anh dịch lại cho mấy người công nhân kia nghe, thường vào buổi trưa  anh mua một suất bánh mỳ ca (của mấy tay công nhân không ăn bán lại lấy tiền, khi thì của mấy tay xí nghiệp hầm, khi thì của mấy người phụ nữ xí nghiệp thủy công) để ăn thay vì về nhà nấu cơm để ăn.
Rồi một lần nghe ai đó kể lại rằng, anh đang học đại học Ngoại Ngữ thì đi bộ đội năm 1972, sau năm 1975 anh về học lại và gặp vợ anh ở lớp tiếng Nga đợt sau này, cách đây mấy năm vợ anh xin về được một cơ quan cùng ngành ở Hà Nội thấy bảo ở đó cũng có mấy người chuyên gia Liên Xô công tác .Anh cũng đang xin về đấy, nhưng họ bảo ở đấy không còn chân phiên dịch, chỉ còn chân giao nhận vật tư thôi.
Anh bảo:
- Thôi về, làm gì thì làm, miễn gần vợ con là được.
------------------
Theo năm tháng câu chuyện về vợ chồng người phiên dịch ở Công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình năm xưa  rơi vào quên lãng. Hôm nọ đi đám cưới ở chỗ chợ Hàng Da gặp một người quen cùng cơ quan với anh, người ấy bảo:
- Tôi về hưu vào Đồng Nai làm tháng 10 triệu được  bao ở, nhưng nhọc quá,nhoi ra giới thiệu cho thằng P ( cứ gọi anh ấy là P- Phiên dịch cho dễ nhớ) cũng mới về hưu làm thay,với lại bây giờ  vợ chồng nó ly thân nó vào đấy đâm lại hợp
Mới giật mình:
- Quái quen cả hai vợ chồng, nói chuyện với họ nhiều năm mà không biết điều ấy nhỉ? Mà sau khi anh chuyển từ Hòa Bình về vợ chồng anh còn sinh thêm một đứa con gái nữa, mà nay nó cũng đã tốt nghiệp đại học rồi.
Cũng định chả viết những chuyện này ra để làm gì, nay chui vào mạng chợt đọc được một bài viết đã đăng báo từ năm 2009 mà nhân vật chính trong câu chuyện ấy lại là vợ anh - một người phụ nữ ở phố Hàng Bún, năm xưa  đã  học tiếng Nga ở Trường Đại học Ngoại Ngữ Thanh Xuân Hà Nội.
Theo quán tính, những dòng chữ viết về anh chị lại được đánh ra dưới bàn phím máy vi tính.
Bây giờ.
- Cả anh cả chị đã về hưu rồi, không  biết gì để kể thêm về anh và chị  cả.
Viết xong,vẫn nghe văng vẳng bên tai, lời một người phụ nữ trước cùng làm với anh trầm trồ:
- Dân trí thức họ kín đáo lắm, vợ chồng người ta ly thân cả chục năm mà hàng xóm chả ai biết.
Lâu cũng không gặp chị, giờ mà gặp nếu  chào chị bằng tiếng Nga như thế này:
- Доброе утро, Как жизнь?
Rồi sẽ  còn có gặp nụ cười mãn nguyện khi xưa của chị như đã từng viết nữa hay không?

1 nhận xét:

  1. Đọc bài viết của anh làm em nhớ đến đoạn văn trong truyện ngắn "Người đàn bà có con có nhỏ" của Tchekhov:
    “Trong anh đồng thời có hai cuộc sống: một cuộc sống lộ ra bên ngoài mà ai cũng thấy, cũng biết, một cuộc sống đầy những sự thật ước lệ, giống hệt như cuộc sống của bạn bè và những người quen anh; còn một cuộc sống nữa thì lại càng lặng lẽ, kín đáo trôi qua. Và, vì một sự sắp xếp kỳ quặc nào đó những sự kiện có thể là tình cờ, mà tất cả những gì hệ trọng, cần thiết, thích thú với anh, những gì mà anh chân thành yêu, không lừa dối mình; những gì tạo nên cốt lõi của cuộc đời anh, thì lại bí mật trôi qua dưới mắt người đời; và tất cả những gì dối trá lừa đảo, là cái vỏ bề ngoài mà anh nấp vào để che đậy sự thật chẳng hạn như việc làm trong nhà băng, những cuộc tranh cãi ở câu lạc bộ, cái câu nửa miệng: "Loại người hạ đẳng", những buổi cùng vợ đi dự tiệc... Tất thảy đều phơi bày ra ngoài hết. Anh tự ngẫm mình và suy ra người khác. Anh không tin những gì anh thấy, và bao giờ cũng cho rằng ở mỗi người, đằng sau tấm màn bí mật, như đằng sau màn đêm tối, có một cuộc đời thực, cuộc đời thú vị nhất, đang ẩn náu. Mỗi cuộc đời riêng đều tồn tại trong bí mật và có lẽ một phần vì thế mà những người có văn hóa đều thiết tha mong muốn làm sao cho bí mật riêng tư của mỗi người đều được tôn trọng.”

    Trả lờiXóa