Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

SA PA – MỘT THOÁNG QUAY TRỞ LẠI.


Ngồi trên xe từ Lao Cai vào Sa Pa trên con đường quốc lộ 4 D vừa ngó qua cửa kính tôi vừa nhớ đến những câu chuyện tôi viết đã lâu về Sa Pa về một bài hát nhạc sĩ Vĩnh Cát về vùng này ,nhớ lại ngày mới tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân Sự, một người quen với bạn bố tôi làm việc ở Bộ Quốc Phòng sau khi nhờ xem danh sách ở dưới gửi lên nói với chú ấy:
– Con của bạn anh được nhà trường đề nghị cử đi nhận công tác tại quân khu 2 theo chỉ tiêu của Bộ đưa xuống.
Quốc lộ 4D này so với ngày ấy về bề rộng vẫn thế, khác chăng là nhẵn hơn
Tôi quay sang hỏi người bên cạnh, một kỹ sư trẻ sinh năm 1977.
– Cậu biết gì về Sa Pa?
Tôi được nghe trả lời:
– Dạ không biết được nhiều vì chưa đi lần nào, hồi đi học người ta dậy trong môn địa lý là Sa Pa có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất nước
Người lái xe nghe câu chuyện của hai người rồi góp vào:
– Em đi Sa Pa mấy lần, Công ty em đã trúng thầu làm cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng, đã đi xem địa hình rồi, nhưng vì họ yêu cầu thời gian gấp quá nên bỏ
Nghe cậu lái xe kể chuyện tôi thêm vào:
– Hôm trước tôi cũng đọc ở đâu đó, trên đó họ phá đá nổ mìn để làm mặt bằng, nghe đâu lấp cả đường mòn của dân thường lên đỉnh núi
Sau đó cả hai người đều im lặng,còn tôi cứ suy tư với những ký ức không đầu không cuối của riêng mình.
——–
Sa Pa hôm chúng tôi đến là một ngày có mưa phùn và lạnh, trước khi đi ăn cơm trưa chúng tôi đi một vòng quanh thị trấn,ngắm nghía đường phố và con người hiện tại, tôi cảm nhận có một cái gì xô bồ, ồn ào giống một bến xe ô tô, một ga tàu hỏa, một cái chợ đông người hơn là một Sa Pa yên tĩnh mà tôi đã từng biết, tự dưng tôi hỏi với mình:
– Người ta đến Sa Pa bây giờ để làm gì nhỉ?
Rồi tôi cũng tự trả lời:
– Có nhẽ cũng giống người miền nam lần đầu ra bắc, ra hồ Hoàn Kiếm vào nhà hàng Thủy Tạ cái đã ( vào đấy rồi mới chứng tỏ mình đã ra Hà Nội)
Rồi cũng đến lúc đói bụng, chúng tôi tìm một nhà hàng ngồi ăn cơm, vừa ăn tôi vừa có cảm giác hình như mình đang ngồi ăn cỗ cưới ở đâu đó, rồi tôi tự an ủi mình
– Giờ nước mình có gần trăm triệu dân đông gấp ba lần hồi mới giải phóng, chỗ du lịch từ xưa đến giờ cũng chỉ có thế, đông là phải
Chiều trước khi quay trở lại Lao Cai làm việc, tôi lại đi một vòng quanh thị trấn, vừa đi tôi vừa nhớ đến câu chuyện ” Lặng lẽ Sa Pa” của Thành Long viết năm 1970, tôi nhớ đến hai người trong câu chuyện đó, một cô kỹ sư nông nghiệp mới tốt nghiệp đại học, một anh kỹ sư nha khí tượng ( Thời đấy ta có phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang) tôi cứ hỏi mình:
– Không biết nhà văn ấy viết câu chuyện ấy dựa trên những nhân vật có thật như tôi thường viết không hay là hư cấu?
Lướt qua trạm khí tượng Sa Pa mà trong sương mù vẫn còn thấy bóng của nhà thờ đá Sa Pa, nhớ đến ảnh đôi trai gái chụp ảnh cho nhau vừa nhìn thấy ban nãy tôi thở dài:
– Không biết đôi trai gái trong chuyện ấy có lấy nhau không nhỉ?
Rồi tôi cười
– Cơ mà cái ông Thành Long nọ với cái kết câu chuyện để cho họ lấy nhau thì còn gì là hay nữa?
Thế là tôi định bụng, sẽ biên chuyện ” Sa Pa, một thoáng quay trở lại” với một câu hỏi để mong được ai đó biết mà trả lời tôi rằng:
– Vậy thì cuối cùng cái cô kỹ sư nông nghiệp với cậu kỹ sư khí tượng trong câu chuyện nọ, có gặp lại nhau và kết thành đôi lứa hay không?
IMG_0188
IMG_0017
IMG_0022
IMG_0048
IMG_0066
IMG_0080

1 nhận xét:

  1. Đúng là Sapa bây giờ ồn ào quá. Biết làm sao được, đến cái ngõ/khu phố nhà anh giờ cũng đông gấp [nhiều] chục lần so với hồi anh mới mua nhà ở đó, đòi hỏi làm sao Sapa mãi vắng vẻ như xưa. Tiếc là tiếc những khung cảnh hoàn toàn có thể giữ được nhưng người ta cứ mang danh phát triển để phá hủy. Haiza!

    Trả lờiXóa