Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

PHỞ QUEN

Trên con đường cũ từ thành phố Cao Bằng dẫn vào chợ Bảo Lạc, đi ngang qua bưu diện huyện Bảo Lạc và chi nhánh điện Bảo Lạc,giữa hàng phố hai bên cắm cờ đỏ sao vàng, nhìn sang bên tay trái có một hàng phở sáng, buổi sáng xe chạy từ năm giờ sáng ở thị trấn Bảo Lâm ra Cao Bằng như xe Cao Bình, Cường Huệ đều đổ ở đây để lái xe và hành khách ăn sáng trước khi chạy một chặng đường 150 km để ra đến thành phố.
Quán phở là một cái chái vẩy ra của một ngôi nhà cấp 4 bên trong có một cái bếp đun bằng củi,bàn ăn là một cái bàn gỗ có bốn chân, mặt bàn là một tấm bê tông được lát gạch men trắng
Chủ quán là một thiếu phụ gần 50 tóc cắt ngắn có uốn xoăn xoăn ( Loại đầu mà trước năm 1975 người ta gọi là đầu Phi Dê)
Phở sáng ở Bảo Lạc cũng y chang những bát phở sáng mà người ta thường ăn trên con đường từ Nguyên Bình vào đến Bảo Lạc:
-Phở được thái từ bánh phở tráng và phơi lên cái sào nứa từ tối hôm trước. Trước khi bê cho thực khách người bán hàng cho vào đấy mấy miếng thịt lợn ba chỉ được cắt ra từ tảng thịt to rán, mấy miếng lạp sườn Cao Bằng thái nhỏ, ít rau thơm ít giá, ăn xong có cảm giác như mới được ăn bát mỳ đa ở xuôi nấu với thịt.
Cách đây hai năm, thi thoảng vào buổi sáng, tôi thường ăn phở ở đây, lúc đó thằng cháu cùng làm với tôi nó nói có vẻ hiểu biết:
- Chồng cô ấy làm trong huyện chú ạ
Và tôi cũng chả hỏi thêm nó làm gì nữa, mặc nhiên điều đó là đúng.
Bốn hôm nay, tôi trở lại Cao Bằng để giải quyết tồn đọng từ những năm trước, có một hôm tôi ăn bánh cuốn của cô Tâm giáo viên dậy văn mà tôi đã viết trong một câu chuyện nào đó đã lâu, còn lại tôi đã ăn sáng ở cái quán của người thiếu phụ có mái tóc phi dê này. Mấy lần đến đây khách đến ăn sáng cũng đông, cháu bé giúp việc bưng bê không kịp, tôi thấy mọi người đều tự đến đấy bê một bát cho mình. Chờ lâu sốt ruột tôi cũng ra bê lấy một bát( Chả nhẽ ngồi ngó mồm người ta ăn ?) Vẫn nhớ lúc người thiếu phụ chan nước vào bát phỏ cho tôi, tôi mới bảo với cô ấy rằng:
- Quán nhà em có cần thuê người bưng bê không? Anh đang thất nghiệp đây
Chả nhìn mặt người khách vừa nói câu ấy, cô ấy trả lời bằng tiếng kinh ( Có một chút đặc trưng của người vùng cao)
- Nhà em chả có tiền thuê bác.
Mấy người đang ăn nghe chuyện cũng nhoẻn miệng cười.
Buổi trưa xuống Huy Giáp( Lũng Pán ) làm việc, ngồi ăn cơm với mấy đứa cháu có nhà ở Khu 1 thị trấn Bảo Lạc chuyện này chuyện kia, trong câu chuyện có nói về quán phở sáng mà những chuyến xe khách chạy từ Cao Bằng Bảo Lâm mỗi sáng, một đứa có nói với tôi rằng:
- Cô ấy( người thiếu phụ có mái tóc phi dê ) tên là Bích , chồng cô ấy nghiện phải đi trại và chết cách đây mấy năm.
Tôi mới ngã ngửa người ra:
- Thế mà mấy năm nay cứ nghĩ chồng cô ấy làm ở Văn Phòng UBND huyện.
Chiều về, tôi đi qua dẫy phố cắm cờ đỏ , ngó qua cái quán ăn sáng tôi vẫn hay ăn, tôi tự nói với mình :
- Đằng sau mỗi lá cờ được cắm bên hè phố là một gia đình, và mỗi gia đình đó có những câu chuyện và hoàn cảnh rất riêng mà không phải ai cũng biết để mà chia sẻ được.Và vô hình chung những người khách trên xe chạy Bảo Lâm Cao Bằng vào ăn phở mỗi sáng kia, đã giúp người phụ nữ ( trong một ngôi nhà vắng bóng đàn ông) tự tin để tiếp tục sống với đời.


1 nhận xét:

  1. Những câu chuyện của bác bao giờ cũng rất giản dị, rất gần gũi và luôn có cái kết rất hay. Like!

    Trả lờiXóa