Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

SA PA.

Lâu rồi , là năm 1996 khi đó tôi làm Công trình dưới mạn Kim Sơn – Ninh Bình, ở đó tôi gặp Các ( cùng học năm năm ở Đại học Kỹ thuật Quân sự với tôi ở Vĩnh Yên) mới chuyển từ tỉnh đội Lao Cai về huyện đội Kim Sơn được mấy năm, hôm đầu gặp nhau, chúng tôi ngồi uống rượu từ 2 h chiều đến 5 h chiều, kết quả là tôi say ngay sau khi bước chân vào nhà Các ở nông trường Rạng Đông ( Tối ấy tôi ngủ lại ở huyện đội Kim Sơn)
Cũng cần kể thêm là, sau khi tốt nghiệp đại học và nhận quân hàm sĩ quan, tôi và Các nằm trong danh sách ban cán bộ nhà trường đề nghị trên điều về công tác Quân khu 2.Sau lần đầu gặp Các ở Kim Sơn về, đến một thời ở biên giới phía bắc, và một bài hát mà chúng tôi hay hát vào những năm cuối học viên có tên là ” Sa Pa thành phố trong sương” tôi có viết một bài viết ngắn về Sa Pa mà lấy tên đúng y như tên bài hát của nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Một nhà văn tôi quen, sau khi đọc bài viết của tôi rồi góp ý:
– Bài viết hay hơn khi có trích dẫn một đoạn văn trong ” Lặng lẽ Sa Pa” của Thành Long.
Tôi chỉ biết gật đầu ậm ừ ,quả tình tôi chưa được đọc câu chuyện đó, một câu chuyện được viết từ năm 1970.
————
Vợ của anh họ tôi, một gia đình sống lâu đời ở phố Quốc Tử Giám, cuối những năm 1990 nhà vợ anh ấy bán nhà cửa vào nam sinh sống ( Nghe đâu vào Sài Gòn) một lần trong bữa giỗ bà ngoại tôi, tôi mới hỏi vợ của anh họ tôi:
– Vậy em bác vào Sài Gòn có sống được không?
Chị ấy trả lời:
– Chú ấy vào trong đó sống không được, giờ lên Sa Pa mở hiệu Cà fê rồi
Tôi nghe và gật đầu:
– Ở những nơi nhiều khách du lịch, tôi cũng thấy người Hà Nội đến đó để kiếm kế sinh nhai ( Thì cứ nhìn biển hiệu ” Phở Hà Nội” hay ” Cà Fê Hà Nội” là đoán ra thôi mà)
Tôi có một người bạn trên mạng, bạn ấy là phụ nữ học ngoại ngữ ở Liên Xô cũ về công tác ở Bộ Giáo Dục, bạn ấy sinh ra và lớn lên ở Sa Pa rồi đi nước ngoài học, những lúc rỗi tôi vào trang mạng của bạn ấy đọc những bài viết của bạn ấy về Sa Pa, tôi muốn đọc tâm tư của những người sống ở vùng đất ấy, cũng thử xem họ có nghĩ khác với chúng tôi, những người lính nhập ngũ trước cuộc chiến biên giới phía bắc, đã có lần vì nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía bắc mà qua vùng đất ấy, hoặc là khác với những người khách du lịch đã đến Sa Pa và kể về nơi đó ( Nơi vào những mùa đông lạnh giá cũng có tuyết rơi như ở các nước châu Âu xa xôi)
————
Hôm qua một ngày sau tết dương lịch 2015 ( và là ngày thứ bảy ) Tôi đến dự đám giỗ mẹ bạn cùng học lớp 10 với tôi cách đây mấy chục năm, ở đó tôi gặp mấy người bạn của bạn tôi cũng ở miền nam ra và vừa đi Sa Pa về, tôi hỏi họ:
– Các anh lần đầu tiên đi lên đó  có vui không?
Thấy họ gật đầu,rồi được nghe họ trả lời rằng, mấy ngày nghỉ trên đấy đông và lạnh lắm, có những người không thuê được nhà nghỉ , tối phải quay ra Lào Cai nghỉ, họ còn nói rằng trên Sa Pa người ta sắp làm cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng rồi cơ đấy, và bây giờ có đường cao tốc mới nên đi tiện hơn nhiều
Tôi ngồi nghe họ nói và nhớ rằng:
– Những năm 1970 từ Hà Nội lên Lao Cai (như Thành Long viết) đi tàu mất một ngày và một đêm cơ đấy, sau 45 năm bây giờ đi ô tô từ Hà Nội lên mất có 3 tiếng
Ăn cỗ nhà bạn xong, tôi về, trong ý nghĩ vẫn là câu chuyện về Sa Pa mà tôi mới nghe mọi người kể trong lúc uống rượu, lâu rồi tôi không đi Sa Pa, chỉ là ngắm ảnh em trai em dâu tôi lên đó trong những ngày Sa Pa có tuyết.
Tôi dự định sẽ viết một chút về Sa Pa như cách đây mấy năm tôi đã viết về nơi đó, có lẽ trước khi viết tôi đọc lại câu chuyện ” Lặng lẽ Sa Pa” tưởng tượng lại cảnh gặp gỡ lần đầu giữa anh kỹ sư ở trạm Khí tượng với cô kỹ sư nông nghiệp mới ra trường đã, mà có nên mang cái đàn ghi ta cũ để hát bài hát của nhạc sĩ Vĩnh Cát như một lần làm như thế trước khi viết nữa không?
Hay là:
– Để dành, chờ có một hôm nào đó, lên lại một lần thăm thú nơi cũ rồi mới viết về Sa Pa nhỉ?



Tag : Sa Pa, Lặng lẽ Sa Pa, Sa Pa Thành Phố Trong sương, Quân Khu 2, Lào Cai.

1 nhận xét:

  1. Em vừa đi Sapa thăm ông bà về. Mấy ngày vừa rồi khách đông quá chừng, tắc đường liên tục, em không dám ra ngoài đường. Chả giống một Sapa xưa cũ tý nào. Cái nhà thờ thì đá bị đánh thành trắng như thế này, cũng không mảy may giống cái màu đá cũ ngày xưa. Nếu anh đi Sapa thì nhớ tránh các thời điểm lễ lạt hay cuối tuần.

    Trả lờiXóa