“Từ Cầu Giấy bắc qua sông Tô Lịch theo con đường quốc lộ đi đến
Nhổn,cứ đi thẳng sẽ đến Đan phượng, Hoặc từ Hà Đông qua cầu Am đi đến
Nhổn rẽ trái cũng đến Đan Phượng”
Bác mình ngày xưa bảo thế.
Bác
là con dì con già với mẹ mình hồi trước lấy chồng trên ấy.Mình thật ra
không biết nhà bác hồi ấy ở xã nào trên đất Đan Phượng:
- Liên Hà
hay Liên Trung? Trung Châu hay Đồng Tháp? Mẹ mình bảo bác ấy lấy chồng
xa ở Kẻ Giầy,sau này mình biết Kẻ Giầy là ở xã Liên Trung xưa chuyên làm
guốc mộc
( Mẹ mình với bác ấy đều quê gốc xã Vân Canh- người ta hay bảo cam Canh, bưởi Diễn- quê mẹ mình là đất cam đấy…)
Những
năm 196x bác đi ô tô Sơn Tây- Hà Đông và về nhà mình .Bác nhờ bố mình
dẫn đi viện để chữa bệnh dạ dày,đận ấy anh em mình ăn đến no bị bưởi và
thị bác ấy mang xuống ( Thị thơm cũng chén)
Mấy năm sau, chị cả nhà bác ấy cũng về nhà mình để nhờ bố mình đưa đi chữa bệnh.
Có
lần chị kể cách nhà chị mấy cây có làng Đăm thuộc xã Tây Tựu Từ Liêm.
Vào tháng 3 âm lịch hàng năm ở đấy có tổ chức hội đua bơi thuyền nhiều
người đến xem lắm. Sau này cả bác gái mình và chị họ mình đều mất ( Bác
gái thì bị bệnh dạ dày, chị đâu như là gan,ung thư cả) mình ở bộ đội nên
cũng chả biết mà về phúng viếng.
Quãng năm 1986-1987 Sư đoàn điều
tăng cường cho đơn vị mình mấy tay đại úy ở trung đoàn bên cạnh,trong ấy
có một tay đại úy người thị trấn Phùng ( Giờ làm ở Bộ Xây Dựng chỗ Vân
Hồ)
Có lần mình nói với hắn:
- Con gái thị trấn Phùng nhà các Ông xinh lắm
Hắn bẩu:
- Sao biết
Mình kể :
-
Đận vừa rồi về phép tớ lên nhà thằng bạn chơi ,con em nó học đại học
rủ về một đứa con gái cùng học với nó tên là Thủy.Lúc tớ đến,chúng nó
đang nấu cơm.Cái Thủy ngước mắt lên chào , tẹo nữa thì rụng cuống
tim.Không biết Thúy Kiều trong truyện Nguyễn Du xinh thế nào? Chứ tớ
nhìn con bé này chóng hết cả mặt.
Tay đại úy kia trả nhời:
- Hình như biết con bé đấy,nó xinh nhất thị trấn Phùng
Mãi
sau này có dịp mình đi về nhà một đứa cùng làm với mình ở Xã Cổ
Đô-Huyện Ba Vì,lúc quay về Hà Nội mình theo đường 32 đi qua Đan
Phượng,con đường quốc lộ lúc bấy giờ trở nên chật hẹp,thị trấn Phùng
cũng nhiều nhà ống như những thị trấn mà mình đã đi qua.Con đường đầy
bụi ai cũng lấy khăn che mặt, đi hết thị trấn mà chả gặp nụ cười có thể
làm chết người như hồi nảo hồi nào.
Sau xuân
Mình đi Yên Tử, lúc
vào Chùa Giải Oan đi ra gần đến chỗ bán vé cáp treo có hai người đàn ông
mồ hôi nhễ nhại đang ngồi thở,lại gần mình mới hỏi:
- Đi có từ dưới sân lên chùa Giải Oan mà đã thở ư?
Một người lắc đầu, bảo:
-
Chúng em mua vé cáp treo lên đến chùa Hoa Yên, bảo chỉ mua một lượt lên
rồi đi bộ xuống, chẳng ngờ trời mưa đi bộ xuống nhọc quá.
Nói chuyện
một lúc nữa, mình biết hai người đàn ông ấy người Đan Phượng, họ đi từ
nhà là lúc bốn giờ sáng đến đây là bẩy giờ mua vé đi cáp treo lên chùa
Hoa Yên để lễ rồi xuống, chứ không lên chùa Đồng.
Trước khi chia tay họ mình nói:
-
Vừa rồi ở xã Hồng Hà Đan Phượng hội vật vui thế còn gì? Tớ thích nhất
màn chào hỏi dưới tiếng trống hai tay đô vật vừa khoắng tay vừa nhẩy
tưng tưng..
Một tay thấy mình nói thế cười với mình:
- Ấy hội vật ấy là trên đất làng này đấy, vậy bác người đâu mà cũng biết đến hội vật xã Hồng Hà?
Chợt nhớ nhà bác mình ở Kẻ Giầy Liên Trung Đan Phượng xưa, mình mới cười cười trả lời :
- Tớ ở Kẻ Giầy.
Một trong hai người ấy vui vẻ
- Ô đến đây mà cũng gặp người nhà
Rồi chúng mình chia tay nhau.
Theo
dòng người đi hành lễ,mình trèo từng bước lên chùa Hoa Yên, đến Bảo
tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ,chùa Đồng rồi xuống,mình vào khu dịch
vụ ăn nghỉ Yên Tử làm bát bún,gói chè lam rồi nhìn ra dòng người đương
đi lại tấp nập ngoài kia
- Có ai là người Đan Phượng,Hồng Hà,Liên
Trung ngoài hai người đàn ông mà mình mới gặp khi sáng nhỉ? Biết đâu xa
xa kia lại có cô Thủy người thị trấn Phùng thật xinh mình đã gặp trên
nhà đứa bạn ngày xưa cũng nên?
Nay đi làm về sớm, xong việc ngồi nhá
miếng chè lam mua hôm nọ, nhớ đến Yên Tử, hai tay người Đan Phượng thở
hổn hển,nhớ đến điệu chào vừa cúi vừa giật lùi rồi nhẩy tưng tưng chào
khán giả ở hội vật xã Hồng Hà Đan Phượng hôm tết, lôi mẩu chuyện đã viết
từ rất lâu về Đan Phượng, em Thủy viết lại cho mới, và để nói với ai đó
rằng:
- Đan Phượng với mình có rất nhiều kỷ niệm đó nha.





Bạn học cùng lớp 10,lại cùng nhập ngũ đi bộ đội năm ấy,nay làm phó
chủ tịch huyện Thường Tín phụ trách mảng văn hóa xã hội được mấy năm,
hồi bạn ấy mới lên chức phó chủ tịch huyện sau tết đúng lễ hội chùa Đậu
mấy đứa cùng học với bạn lớp 10 đánh ô tô xuống thăm bạn ấy và được bạn
ấy dẫn đi chùa Đậu ( Mấy đứa tò mò là vì chùa Đậu có hai bức tượng mà
cốt là xương của hai vị sư trụ trì ở nhà chùa, sau khi các vị ấy viên
tịch,họ đắp đất sét với sơn ta lên và thờ luôn ở trên bệ) đúng lễ hội
năm ấy người đi lễ đông, quan khách lại đi ô tô nên thường xuyên tắc
đường, ngay ở trên đê xuống là bãi gửi xe máy,trên đường vào chùa hàng
quán bày la liệt,trong chùa khói nhang nghi ngút.
Thế cũng mấy năm rồi.
Nay đi làm cũng xuống Nguyễn Trãi Thường Tín nơi có chùa Đậu, xong việc ở thôn Mễ Sơn mới hỏi tay mình quen quen:
- Chùa Đậu đã lễ hội chưa mà đường vào có vẻ vắng thế?
Tay ấy trả lời:
- Lễ hội từ hôm mồng 2 đến mồng 8 rồi bác ơi.
Quay
về, tự dưng muốn đến thăm chùa Đậu vào sau mùa lễ hội xem như thế nào?
Cũng tò mò muốn biết sự thay đổi mảng văn hóa xã hội từ khi bạn mình lên
phụ trách mảng này, thế là đi, các cụ bảo là " Tháng giêng là tháng ăn
chơi" vừa đi làm vừa kết hợp đi chơi, mà nếu có " Nhờn môi" thì có thú
nào bằng?
-------------
Trên đường đi đến chùa Đậu thấy khung cảnh
không khí sau tết ở thôn quê thật là vắng, trong gió lạnh chỉ nhìn thấy
cờ ngũ sắc và cả cờ đỏ sao vàng bay trên đỉnh các đình chùa, dưới đê ở
đình làng nọ người ta đang hội làng, cánh đàn ông mặc dài lụa màu
xanh,quần lụa trắng đi guốc mộc, phụ nữ mặc áo dài lễ hội màu vàng đội
vành khăn vàng mang quạt phe phẩy đi sau đám rước kiệu, đi đến đình làng
khác, có vẻ như nhà thờ họ thấy người ta tế lễ và làm mấy chục mâm ăn ở
trong đền và trong mấy ngôi nhà gần đó
Tự dưng nhớ tiếng pháo nổ một thời
Sau tết ở làng quê bắc bộ là thế?
Đi
đến chùa Đậu thấy vắng thật là vắng,ngay lối vào chùa đã có những người
phụ nữ mặc áo rét ngồi bán bí,rau diếp,xà lách,trứng vịt là cảnh quen
quen giống như ai đó vẫn thấy khi ngày xuân đi lễ ở đền Mẫu Đồng Đăng
Lạng Sơn.
Cũng nhìn thấy hơn chục chiếc ô tô của các đoàn khách quanh
Hà Nội, gửi xe vào bãi gửi xe ở chỗ gửi của Hội người cao tuổi của xã
gặp một nhóm người cả đàn ông với đàn bà đi xe máy đến hàng trang của họ
là mấy đĩa xôi nấu sẵn ở nhà, với ít hương hoa vàng mã
Mới hỏi:
- Các đằng ấy đi xe máy từ đâu đến?
Cũng nói với họ khi được nghe họ trả lời chúng em đến từ Chương Mỹ.
- Thế đi từ Chúc Sơn ra Bình Đà rồi rẽ về nhỉ?
Đương
cố tìm xem chỗ họ bán công đức chỗ nào,thì thấy một em đi ra tay cầm
tấm bìa có in chữ công đức, nhìn thấy mình em ấy nhỏen miêng cười:
- Ơ anh cũng vào à?
Mới vỗ trán chả biết em này ở đâu:
-Chả hóa ra mình bỗng nổi tiếng rồi chăng?
Chừng lúc chả thấy mình nhớ, em ấy bẽn lẽn:
- Em bán bún ở chợ mà hay bán cho anh
Úi
giời, nếu ai không tin rằng phụ nữ ngoài năm mươi tuổi hồi " Teen" là
nhầm đấy, cái bẽn lén của em bán bún U50 ở chợ gần nhà mình, làm mình
nhớ đến cái điệu vê vạt áo,ngúng nguẩy của các em thanh nữ những năm
197x khi được ai đó,úp mở rằng " Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?"
Chà
đi lễ chùa đầu năm mà như thế là may mắn lắm và cũng có phần vui vui,
theo tay em bán bún chỉ,mình vào mua tờ công đức, rồi đi tới tam bảo,
đứng khấn theo nhà sư đang gõ mõ và rất nhiều người ngồi đọc kinh, sau
đó mình đi tiếp các ban , cung kính lẩm nhẩm lời chú Nam mô a di đà phật
và mình cầu cho mình, gia đình mình, các bạn mình quen từ qua giêng đến
hết năm có sức khỏe tốt,mọi công việc đều hanh thông thuận lợi
Thì đó
Mình đi chùa Đậu sau ngay lễ hội cũng chỉ với những lý do đã viết ở trên như thế thôi.












Cứ vào dịp rằm tháng bảy, dịp trước tết và nhất là ngay sau thời khắc
giao thừa của ngày tết, nếu ai có dịp đi lễ bia Bà ở La Khê Hà Đông
thì thấy mọi người đên lễ rất đông, hầu như ai cũng muốn Bà để ý cho năm
mới mọi sự được như ý, trên mấy bàn lễ người ta bầy lễ rất nhiều, gần
như kín hết chỗ để bầy.
Gần đấy có những người phụ nữ già làm nghề
khấn thuê, ai không biết khấn cứ thuê người ta khấn hộ, khấn xong người
khấn gieo quẻ xin âm dương.
Vài lần vào bia Bà tôi thấy những người
phụ nữ khấn thuê không giống như những hướng dẫn được ban Quản lý khắc
vào bia đá,sau khi họ khấn xong, họ gieo tiền xu trên cái đĩa con tôi
liếc nhìn thấy rằng:
- Ai gieo cũng được một đồng xấp đồng ngửa cả
Và mọi người khi thấy kết quả ấy, phấn khởi lắm.
Vì
rằng ít người chuẩn bị bài khấn trước khi đến Bia Bà nên tôi chép ra
biết đâu ai đó lại cần viết ra giấy để chuẩn bị trước khi đi?
Thì toàn văn bài khấn ấy như sau:
-Nam mô a di đà phật, Nam mô a di đà phật,Nam mô a di đà phật.
Tấu
lậy Mạc Triều Đông Cung Hoàng Hậu,Nhị vị Vương Cô, Cộng đồng các quan.
Hôm nay là ngày tháng năm tín chủ con tên là..... ngụ tại địa
chỉ...... Thành tâm dâng lễ hương hoa ( Thanh bông,Hoa quả, Đẳng
vật, xin cầu nguyện Ngài chứng minh,chứng giám,phù hộ độ trì cho toàn
thể gia đình chúng con được mạnh khỏe tứ thời vô hạn,làm ăn phát đạt,
con tấu lạy( Đức bà nhị vị Vương Cô, cộng đồng các quan) Xá lầm xá
lỗi,phù hộ độ trì cho gia đình chúng con, được sở cầu như ý, sở nguyện
tòng tâm.
Con Nam mô a di đà phật,Con Nam mô a di đà phật,Con Nam mô a di đà phật
Hôm qua có viết một bài về câu chuyện nhà mình câu chuyện đó có nhan đề " Mong có một ngày chú em bước từ trong màn hình bước ra đời thực" kể về cứ ngày mồng ba tết âm lịch hàng năm,bố mẹ vợ của mình lại chát Voice với chú em ruột vợ từ nước Đức xa xôi. Nàng đọc rồi gửi một đường link môt bài viết ai đó viết đã được đăng tải trên mạng , kèm theo lời dặn anh gửi cho chú em bài viết đã được đăng trên mạng có nhan đề " Chúng ta còn gặp được bố mẹ bao nhiêu lần"
Đọc xong bài viết ấy, vào Google đánh những chữ vừa mới đọc xong " Đời này mình còn gặp được bố mẹ bao nhiêu lần?" Rồi phát hiện ra rằng có rất nhiều trang Web và blog cá nhân đăng tải lại bài viết này:
- Chắc chú em vợ mải buôn mải bán cũng chả có thời gian vào Intơnét đọc bài viết này.
Hôm kia
Sang bên kia sông Hồng dự lễ thượng thọ của mẹ một chú em mà mình quen, ngồi nói chuyện với anh ruột chú ấy mới biết được:
- Anh em nhà chú ấy dự định năm nay về làm thượng thọ cho mẹ chú ấy tròn 90 tuổi từ mấy năm nay rồi.Ngồi uống nước nói chuyện lại thấy anh thứ hai của chú ấy đứng ra tổ chức lễ thượng thọ chứ không phải bác trưởng, mới tò mò,ngồi một lúc mới biết thêm:
- Bác trưởng trong năm có về với cụ và mới đi rồi.
Làm lễ thượng thọ xong, thấy mọi người ra chụp ảnh, nhìn thấy em gái của chú ấy, nhớ lại hôm xưa chú ấy kể với mình:
- Hè vừa rồi cô em gái em đưa các cháu về chơi với bà anh ạ.
Nhìn thấy cô út của chú ấy, nhớ đến bác trưởng nhà chú ấy là đại tá bác sĩ quân đội đã nghỉ hưu, rồi đến chuyện nhà mình, hàng năm cứ đến ngày mồng ba tết, bố mẹ vợ mình lại bảo ông anh vợ mở máy tình chát Voice với chú em út
Mình mới thở dài:
- Có nhẽ ai đó cũng muốn về gặp bố gặp mẹ đấy nhưng ngặt nỗi không bố trí được thời gian với lo đủ tiền để mà về?
Mong có một ngày chú em bước từ trong màn hình ra đời thực.
(written by Nguyen Minh Quang)
Nhà vợ có chú em định cư ở bên Đức,vợ chồng chú ấy mua được một cái nhà 3 tầng,tầng 1 làm cửa hàng bán thực phẩm và đồ ăn nhanh, cậu ấy có đứa con học năm thứ 4 đại học và một đứa nay 10 tuổi.
Từ ngày cậu ấy đi đến giờ đã là 25 năm. Đâu như gia đình cậu ấy có về tết được hai hay ba lần gì đó, còn lại thì cứ hẹn cậu ấy lên máy tính vào ngày mồng 3 lúc cả nhà đông đủ để nói chuyện.
Ông bố vợ của mình năm nay đã 87 tuổi, cũng đã có lúc lẫn và quên nhiều:
- Con rể và cháu ngoại có về ,hỏi cụ ai đây thì nghe cụ nói rằng chỉ thấy quen mặt thôi chứ chả biết là ai?
Chiều mồng 3, chú em vợ xuất hiện trên màn hình máy tính.
Ông bố vợ ngồi ngó một lúc rồi mới nhớ ra và nói chuyện với chú em vợ. Mình đứng ngoài nghe thấy cụ nói thấy giống như trên đài mà xưa vẫn nghe:
- Chào thân ái và quyết thắng.
Giờ ,các cụ già rồi, chắc chỉ mong chú em vợ bố trí về cội với cụ thêm một cái tết, chứ lâu quá rồi, tết gặp nhau trên mạng giống hệt như các bạn ảo trên FB vậy
Cũng như bố mẹ vợ,mình cũng mong lắm có một ngày:
- Chú em vợ từ màn hình vi tính kia bước ra đời thực, để chém gió..hi hi

Tết quê
Mồng
1 tết lại về quê, trước tết cũng đã về đám ma ông anh họ và thắp hương
gia tiên rồi, mấy năm nay mấy gia đình thuê chung một ô tô để về, cô em
dâu bảo:
- Gia đình chúng em đều có ô tô riêng,nhà anh chị không có nên để xe lại đi chung về quê cho nó tình cảm.
Cũng gật đầu
Thì
cũng lâu chú hai trong một lần nói chuyện với bà mẹ đẻ chú ấy bảo rằng
nếu đi xe của chú ấy thì chỉ mất có hai trăm ngàn tiền xăng,còn thuê xe
đi chung mất 2 triệu 700 ngàn thiếu 300 ngàn nữa bằng tiền chỗ làm cho
ăn tết.
Hôm ấy trời nắng,về đến quê là 12h30.Nói chuyện với bác Dâu
và vợ chồng ông anh họ một lúc, cơm nước xong rồi ra chùa, trưa mồng 1
đường làng cũng vắng, có vẻ năm nay ở quê không ăn tết to như mọi năm.
Ra
chùa xong quay về nhà bác dâu,ở đấy có nhà thờ của chi, đứng lại chụp
câu đối của ông anh họ lần đầu tiên kẻ vẽ treo ở trước cửa.
Lúc mới về, đọc câu đối dán cửa ấy xong,mới vào nhà nói bà chi dâu họ:
- Câu đối đẹp thế, chắc vợ chồng đứa con nhớn mới cưới năm ngoái về biếu bố mẹ nhiều tiền lắm đây?
Bà chị dâu họ quay sang cười:
-
Năm ngoái cháu được ông chủ nâng từ công nhân lên làm quản đốc ( Thằng
Cháu tốt nghiệp ĐHBKHN xin được việc thoạt đầu phải làm công nhân)vợ lại
chuyển về cùng làm với chồng, tết này hai vợ chồng nó về biếu tết những
năm triệu đồng.
Nghe được chị ấy nói mới hồ hởi:
- Ôi thế thì sướng quá rồi, tết về chúng nó góp tết thì có gì vui nào bằng.
Chụp
ảnh xong rồi vào nhà,chào mọi người họ hàng rồi quay về, ngày mồng một
đường vắng,phố vắng trên đường về Hà Nội cố ghé qua khung kính xe ngó
nhìn nhà tay cùng trung đoàn với mình quãng năm 1984-1989 thấy nhà tay
ấy đóng cửa.
Cũng định bụng rằng:
- Nếu nhà tay ấy mở cửa, rẽ vào
bắt cái tay thả một câu chúc mừng năm mới, đại loại là giờ hưu rồi cố
sống vui,sống khỏe,sống có ích như mọi người vưỡn động viên nhau lúc
khóac ba lô lộn ngược trỏ về hậu phương.
Thế
Nay mồng 3 cũng là
hết tết rồi, định chẳng viết gì để chào tết,dưng lại nghe tay trung tá
người Yên Thành cùng đơn vị với tay cùng học với mình khi xưa nhắc khéo
- Mồng 2 rồi bác ạ
Mới
viết mấy chữ để kể bàn dân thiên hạ xem tết nay mình đón tết như thế
nào? Cũng thú nhận rằng năm nay đói kém ăn tết tiết kiệm nên từ 30 đến
giờ ngày 03 tết vẫn chưa được bữa nào"Say hẳn lăn ra phản"
Cuối cùng
chúc các bạn nhân năm mới năm ngựa,câu người ta vẫn chúc nhau theo tích
của nước Tàu " Mã Đáo Thành Công" mà chả biết họ dịch sang ta là cái gì?
Chắc cũng kiểu như ta hay nói:
- Hep Pi Niu Ìa ấy nhỉ?
