Trang

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

CÁNH ĐỒNG SAU VỤ GẶT CUỐI THU.

Sau vụ gặt cuối thu.Ngoài đồng chỉ còn gốc rạ khô úa có  màu nâu nâu, cánh đồng vắng và vì thế mới nhìn thấy những đàn cò trắng vốn nhút nhát đang đậu trên bờ xanh xanh của mương dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng sau khi kiếm ăn.
Gần đấy, trong lòng một mương đã cạn gần hết  nước, có vài người đi nhặt ốc bắt cua, tôi đi lại gần một em đang đánh dậm, nàng đội nón, khăn che gần kín mặt đeo hai cái giỏ thật to ở thắt lưng,  nàng khom khom nhặt ốc, rồi lại quăng cái dậm ra đằng trước rồi lấy cái thanh tre buộc cái dây lấy chân dậm dậm.
Cuối thu,nước cạn, người nông dân cố gắng kiếm được cái ăn ngoài đồng đem về kể cũng nhọc nhằn, hàng ngày, mỗi khi đi chợ, ai đó dừng lại hở hàng bán cua hay hàng bán ốc, khi chọn chọn nhặt nhặt những thứ mình sẽ mua về để nấu ăn cho chồng cho con chắc chả bao giờ nghĩ cái cách mà người ta bắt chúng thế nào? Tôi đứng nhìn  cô em đánh dậm lại nhớ chuyện xưa phì cười:
–  Là thế này, hồi ấy lâu lắm rồi, khi tay Trần Đăng Khoa còn bé, trong một bài thơ đọc được của tay ấy về chuyện đi đánh dậm, nhưng  trên cái cánh đồng bọn trẻ mới đánh dậm  ấy người ta dẫn tù binh lái máy bay Mỹ đi qua nên bọn trẻ bảo nhau, đổ hết cá, ốc bắt được trong một ngày  đi  ( Không mang về để nấu ăn ) vì rằng:

- Phi công Mỹ đã  lội qua nơi chúng nó mới đánh dậm (Bịa thế là cùng, nhưng vì để hun đúc lòng căm thù cho thiếu nhi, bài thơ ấy sau  được đăng báo,in thành sách cho trẻ con đọc và học )
Tôi đứng xem  cô em đánh dậm một lúc thật lâu,mà nàng mải mê nhặt nhặt chẳng ngửng lên để người khác ( là tôi ) biết mặt. Hồi trước  lúc còn ở bộ đội , trong một lần uống nước chè với một tay sĩ quan mới trả phép nó hồ hởi kể:
– Chiều đó, khi biết tin em về, vợ em đang bắt cua ở ngoài đồng chạy về,quăng cái giỏ ra sân và đi tắm luôn.
Nói xong nó cười,nhe hai hàm răng trắng trông thật là vui.
Bây giờ, cuối thu đi trên cánh đồng đã gặt, con mương đã cạn, ngó cô em đánh dậm, tôi  nhớ đến nụ cười hôm nao của tay sĩ quan trẻ cùng đơn vị sau khi lên trả phép.
Và  cũng nhỏen miệng vì những ý nghĩ ấy :
– Để tìm những khuôn hình đẹp trong cuộc sống, đâu  phải lặn lội đi tìm ở những đâu thật xa mới có ? Nó ở ngay đằng kia, chỗ đàn cò và cô em gái đang đánh dậm đấy.



CUỐI THU TRỜI TRỞ MÁT.

Cuối thu, đi ngoài đường thích thật, gió thổi vào mặt thấy mát mát lành lạnh, không khí có vẻ khô hơn, Hà Nội, Sơn La,Hải Phòng vẫn còn hương hoa sữa, trưa thấy đói, nhớ xưa:
-Hơi lạnh như thế này ở chỗ sơ tán, buổi trưa đi học về ăn được bát cơm với canh dưa nấu với cá mương, hồi ấy sao mà ước vọng nhiều thế ? Xem phim chiến đấu của Liên Xô cũng mơ trở thành người này người kia, mấy chục năm qua đi, một tý giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực, sĩ quan ( đến đại úy) kỹ sư, đảng viên, đến khi hưu hắt cũng đã được người ta xếp lương chuyên viên chính hết bậc. Giờ, sau khi đã ba chìm bẩy nổi, cũng chả mơ gì nữa, và lòng tin cũng chả dám phung phí như xưa.
Thế.
Đi đường đói bụng, thấy thèm ăn ( Chà, đó là ý nghĩ thiết thực nhất bây giờ ).
Phóng xe máy vượt qua ngã 4 Quán Thánh- Đặng Dung vội nhìn thấy bên phải có hàng quẩy:
– Buổi sáng ăn phở, thấy họ có quẩy bán ở đấy, cứ vừa ăn vừa thắc mắc, họ rán quẩy ở đâu ? (Thời phá hoại Miền Bắc lần 1 của Giôn Xơn, ra bến xe Kim Liên, lũ trẻ giờ chả biết bên xe Kim Liên ở chỗ nào ? Ở đấy có mấy người bán hàng rong rao bán quẩy với cháo buổi sáng, mua mấy cái quẩy vài hào bạc,ăn vào nhớ đến tận bây giờ.)
Dừng xe, dắt lui lại, mua của cháu bé mấy chục cò tiền quẩy, quay về, trong khi phóng xe máy cũng kịp nhận ra:
– Bên tay trái gần ngã 4 ấy, có một quán phở gà ta.
Nay.
Trong một trưa thu ( Có nên gọi là buổi sáng mùa thu cho nó văn vẻ không ? ) mát giời, vừa ngồi vừa chấm quẩy vào bát nước chấm vừa nhai và nhớ thu Hà Nội một thời rất xa, thời ấy ở Hà Nội có tiếng tầu điện leng keng..




BIỂN CẠN.

Lâu rồi ( thật là lâu ) một lần, đang nằm nghỉ trưa, chợt nghe tiếng điện thoại tin tít, mở máy ra đọc, nàng viết:
– Em về nhà nghỉ, cơm xong, nghe Quang Dũng hát biển cạn nhớ một ngày, đã cách đây mấy chục  năm, khi còn là binh nhất anh ạ.
Nhiều ngày sau, tìm nghe bài hát, biết thêm tác giả sáng tác ra bài này là một người chuyên đánh đàn ghi ta, kh
ông nhớ nhiều nhưng lúc ấy gần như thuộc bài hát ấy.
Ngày 2/9 năm nay, họp lớp 10, ăn uống xong xỏ giầy chuẩn bị về, bạn bảo:
– Ở lại tý, hát cho nó vui ( Vừa nói bạn vừa đánh mắt sang một thiếu phụ năm ngoái có mấy cái tang)
Ừ thì hát
Trên màn hình, các bạn đặt bài hát Biển Cạn, đứng một lúc ngớ ra ( Quên hết rồi- Mới có mấy năm từ cái ngày nhận tin nhắn trong máy điện thoại ấy)
Lúc sau về.
Lục trong đống sách báo cũ, một bản nhạc và giai điệu cũ, một tay mổ cò trên bàn phím một tay giở:
– Lá đồ, mì la sí la rề.
Mấy nay xa nhà, trời lạnh, khuya nhớ đến câu chuyện cũ, ngồi dậy,  bật cái bài hát hôm nọ đã tập có trong máy điện thoại , ngồi nghe và lẩm nhẩm hát theo:
– Cùng tôi biển chết, cùng em biển tan,ngàn năm nỗi đau hóa kiếp mây ngàn cô đơn biển cạn.
Trong tiếng réo rắt của giai điệu, thở dài:
– Nàng, cô binh nhất thủa nào, bây giờ, có còn nhớ tới một bài hát về tình yêu dang dở, mà nàng nhắc tới, trong một tin nhắn đã rất lâu rồi không nhỉ?



Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Bộ quân phục Sĩ quan.

Quãng năm 1987-1988 tôi đeo quân hàm đại úy, thời đó quần áo của sĩ quan là bộ đờ luyn k82 với mũ mềm ( Không có mũ kê pi và cầu vai như bây giờ). Tháng 05/1989 tôi ra quân, vì tiếc rẻ mấy bộ đờ luyn còn mới, tôi đến chỗ làm, thường mặc những bộ quần áo thời ở đơn vị bộ đội ( Tất nhiên là không đeo quân hàm). Một người cùng làm với tôi nhìn thấy tôi ăn mặc như thế mới góp ý:
- Ra quân rồi, làm chỗ khác, mặc những bộ quần áo như thế làm gì, thay bộ khác đi.Tôi thấy anh ấy nói thế, nghe theo, từ bấy đến giờ trừ những khi có sự kiện đặc biệt mới mặc com lê, chứ thường thì mặc quần bò với áo sơ mi, hôm nào rét thì mặc ở ngoài cái áo bu dông cho nó dân dã.
-----------------
Nhiều năm sau, khi con cái đã lớn, tôi bắt đầu sinh hoạt ở hội Cựu chiến binh ở phường, nơi gia đình tôi có hộ khẩu thường trú.Có một vài lần vào đúng ngày 22/12, tôi có việc ra phường, tôi gặp ở đấy những người cựu sĩ quan như chúng tôi đến họp mặt, nhiều người mặc quân phục sĩ quan có đeo cả quân hàm cấp bậc trước khi về hưu.
Mặc dù tôi ra quân, nhưng các bạn tôi ( Học cùng HVKTQS ) nhiều người còn tại ngũ, phần lớn đeo quân hàm đại tá ( chỉ có một hai người lên thiếu tướng), mỗi lần về Học viện họp mặt tôi thấy bạn bè tôi mặc những bộ quần áo sĩ quan hiện tại, tôi có nhận xét:
- Quân đội giờ đã chính qui hiện đại hơn thời tôi còn tại ngũ.
Lúc ấy tôi muốn có một bộ quân phục như thế, mặc vào những dịp họp lớp với bạn tôi thời còn học Học viện Kỹ thuật Quân sự, hoặc mặc nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội hàng năm.
---------------
Tôi kết thân với  một chú em là thiếu tá ở quân khu 9 ( người Nhuế Dương Khoái Châu)  có một lần nào đó, khi tôi đi Việt Trì, trong lúc nói chuyện với nhau bằng điện thoại , tôi có kể với chú ấy những điều tôi đã từng nghĩ
Hôm vừa rồi chú ấy ra Hà Nội họp, nhớ điều tôi đã nói với chú ấy hôm xưa, chú ấy  mang tặng tôi một bộ quần áo sĩ quan có cả đôi quân hàm đại úy ( là cấp bậc của tôi trước khi ra quân). Nhận quà xong tôi mặc thử thấy vừa và cũng thấy thích.
Mấy hôm sau khi gặp chú ấy,  tôi đi lên Sơn La, ở đấy tôi gặp và quen một tay sĩ quan  về hưu, chúng tôi nói chuyện với nhau về cuộc sống và cuộc đời quân ngũ đã qua, trong câu chuyện tôi biết tay ấy trước ở quân đoàn 29 quân khu 2 sau này Quân đoàn giải tán tay ấy về tỉnh đội Sơn La, tay ấy nói với tôi:
- Năm nay là 70 năm thành lập quân đội đấy ông ợ.
Trước khi tôi lên Sơn La , tôi thấy ở Hà Nội người ta đã treo băng cờ khẩu hiệu kỷ niệm 60 năm ngày " Giải phóng thủ đô " chứ tôi cũng không nhớ quân đội nhân dân Việt Nam năm nay tròn 70 tuổi.
Tôi bèn trả lời :
- Chà Quân đội ta đã đến tuổi " Thượng Thọ" rồi cơ đấy, mà chả biết năm nay có ăn to không?
Hắn nhìn tôi cười:
- Hưu với ra quân rồi, ăn to hay không là tự mình cho mình chứ.
Tôi gật đầu:
- Thì tôi cũng muốn năm nay nhiều nơi ăn to ông ạ
Chuyện xong,chúng tôi chào nhau rồi về, trước khi tôi quay đi, tay cựu sĩ quan ( tôi quen ấy) chạy vào nhà mở tủ đưa tôi một cái mũ sĩ quan:
- Tôi biếu ông để về xuôi đến hôm ấy ăn Thượng thọ quân đội.
Tôi mừng rỡ cám ơn, bắt tay hắn rồi về.
Trên đường về, vừa đi tôi bảo với tôi:
- Thế là đến ngày 22/12 tới đây, nều thích tôi có đủ một bộ quần áo sĩ quan QĐNDVN đời mới để đi ăn cỗ rồi.
Vui thật.
Tôi định rằng:
- Sau khi xuôi về đến Hà Nội, tôi sẽ mặc cả bộ rồi lấy cái máy ảnh chụp một bức ảnh, rồi gửi cho chú em ở quân khu 9, để chú ấy xem, sau mấy chục năm đã ra quân, rồi có một lần, tôi mặc bộ quần áo ấy, thì trông tôi như thế nào?

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

VIẾT Ở MỘT GÓC CHỢ KỆ ( NINH SỞ-THƯỜNG TÍN)

Cách đây tầm bảy tám năm, chỗ chợ Kệ này đường là đường đá chưa rải nhựa ( Chợ họp hai bên đường ở một ngã ba có đường lên đê và đường chạy sang xã Vân Tảo) sau cơn mưa trên con đường chính giữa chợ, đoạn lên đê,rất nhiều những vũng nước ngập,phải mấy ngày nắng sau cơn mưa mới khô trở lại.
Đây là làng công giáo thuộc giáo xứ Bằng Sở ( không biết dân công giáo chỗ khác thế nào chứ đây giáo dân nơi đây , họ hay xơi thịt chó lắm, mà chợ Kệ thì bán đầy thịt chó).
Xưa.
Lúc bố tôi còn sống, có một bệnh nhân được bố tôi cứu sống, là người ở đúng chỗ chợ Kệ này, hồi đó vì ơn cứu mạng, trong những ngày giỗ chạp ở đây người ta thường nấu món thịt chó, bác ấy hay mời bố tôi xuống tận đây để ăn. Những năm ấy đường đi từ BV Việt Đức chỗ phố Tràng Thi xuống đến chợ Kệ là cả một quãng đường thật là dài , mà lại mưa phùn gió bấc như hôm nay.
Những ngày ấy , tôi hay nghe mẹ tôi lầu bầu:
– Bố mày, ai mời chén, xa mấy cũng đi.
Tôi nhìn mẹ tôi và nhìn mâm cơm chỉ có dưa cải muối với bát nước cà chua với ít lạc rang, ngạc nhiên:
– Mẹ tôi tuy làm nghề y nhưng không hiểu rằng,bố tôi thường phải mổ gan, mật , dạ dày, ruột già, ruột mỏng, những lúc gặp ca mổ khó thì phải đứng đến sáu tiếng ban đêm, mà tiền bồi dưỡng cho một ca mổ lúc bấy giờ Bệnh Viện  trả cho bác sĩ và các nhân viên trong kíp mổ, không bằng giá tiền,mấy tay ngồi gốc cây  kiếm được khi vá một lỗ thủng ở cái săm xe đạp.
————–
Nay.
Địa phương có Chợ Kệ đã được sát nhập vào Hà Nội, tuy mang tiếng là Hà Nội 2,nhưng giờ đường xá đã đẹp hẳn lên (đường từ thôn ba Vạn Phúc đến chợ Kệ được rải nhựa phẳng lỳ),hôm nọ Hà Nội kỷ niệm năm năm ngày Hà Tây sát nhập vào Hà Nội , một người quen của tôi có bảo:
– Chú viết bài về nông thôn Hà Nội đổi mới đi.
Tôi trả nhời:
– Chả biết viết về cái gì? Chẳng nhẽ viết về đất ở Vân Canh đương ế, viết về cái thành phố nhỏ nhỏ sơn màu trắng bỏ hoang ở bên tay phải đường đại lộ Thăng Long từ Hà Nội lên Xuân Mai đương nổi lên giống quang cảnh trong phim ngày xưa về Trung Á Những lâu đài ở giữa sa mạc?
Người đó nghe cười:
– Thì viết về nguyên cớ những ông mất ruộng ra bến xe búyt làm xe ôm vậy?
Tôi nhìn chằm chằm vào nói:
– Chà nó biết mà cứ thử mình?
—————
Ban sáng. 
Tôi đi chợ Kệ, cũng như mọi lần có ý ngó ngó nghiêng nghiêng để tìm tý cảm xúc viết về một chợ Kệ sau mấy năm mới có dịp quay trở lại,chen trong dòng người đi chợ mua mua bán bán , tôi dừng xe giơ máy ảnh lên chụp mấy em hàng thịt, mấy chị bán cá
Đương say sưa bỗng giật mình bởi câu nói:
– Không mua thì chụp ảnh làm cái gì?
Mới quay về thực tại:
– Thì ra với nhiều người buôn buôn bán bán, họ chả thích ai nói, chụp ảnh và kể về họ, mà chỉ mong cho chóng bán được một món hàng?
Thì đấy:
– Tiền vẫn là tiên
Và chắc là rất đúng không phải chỉ ở mỗi góc chợ Kệ này.

23/11/2013

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

HOA HÒANG LAN



Từ ngày hòa bình lập lại cho  đến trước những năm 199x. Nhà Bác ruột tôi  ở số nhà 11 B Ngõ Yên Thế .
Ở  Hà nội chắc có nhiều người cũng không biết tường tận về cái ngõ ấy ?
Vậy  thì là thế này:
- Phía to của ngõ là đầu đường Nguyễn Thái Học, cuối ngõ hẹp  như cổ chai  và được thông ra phố Sinh Từ tên gọi ngày xưa của phố Nguyễn Khuyến.( Tôi nhớ hồi chiến tranh phá hoại bố tôi  bảo đầu ngõ phía đường Nguyễn Thái Học là nhà Ông Nhạc sĩ Đỗ Nhuận-Còn cuối ngõ nơi ngày xưa có một nhà chuyên bán nước sôi đổ phích , tôi  thường đi tắt qua lối hẹp ấy để ra Ga Trần Quí Cáp đi tàu hỏa Lào Cai-Yên Bái)
Ngay cổng vào của số nhà ấy, có mọc một cây hoa Hoàng Lan( Lâu lắm rồi tôi  không quay lại đấy nên không biết cái cây hoa đó bây giờ có còn không? Hay người ta đốn đi để xây nhà rồi?)
Hồi ấy
Cứ vào tháng 11, tháng 12 hàng năm là mùi thơm của cây hoa ngào ngạt. Những lần trả phép về đơn vị, tôi  đều tạt qua nhà Bác chơi rồi sau đó ra ga để  lên tàu. Những lần ấy tôi hay  nhặt  mấy cánh hoa rụng xuống dưới đất, mang lên đơn vị như là mang một món quà của thành phố đi theo.
Chắc các bạn chả biết được rằng:
-Trên chuyến tàu thời bao cấp giữa tạp nham các hạng người và giữa những bu gà vịt, thúng mủng của những người đi buôn chuyến, tôi  nhìn thấy mấy cô sinh viên khoa văn của đại học sư phạm 2 Mê Linh Vĩnh Phú, mấy em ở trường Cán bộ Tài chinh Trung ương hay mấy em khoa Hóa Thực phẩm của trường Đại học Công nghiệp Nhẹ cứ ngơ ngác nhìn nhau và nhìn tôi  bởi mùi hoa hoàng lan được phảng phất ra từ hai chiếc túi áo ngực của một chàng trai bộ đội trẻ măng.
Các cô ấy cứ nhìn tôi  như muốn hỏi một điều gì ấy?
Có chăng:
- Anh chắc đã đọc câu chuyện “Dưới bóng Hoàng lan” của Thạch Lam ?
Hay  các cô ấy lại muốn khoe với tôi  rằng:
-  Anh ạ giữa mấy lớp quần áo chúng em để trong va ly, trong hòm ở ký túc xá trường đại học,chúng em có để ở giữa mấy bông hoa hoàng lan gói trong khăn mùi xoa đấy?
Thời gian trôi qua. Bây giờ người ta dùng những loại nước hoa như Chanel hay Gucci  thì câu chuyện mùi hoa hoàng lan kia  dần dần đã vào quên lãng.
-----------
Hôm qua, tôi ốm nằm nghỉ  ở nhà. Trong lúc lướt mạng đọc báo,vô tình tôi  đọc được  một câu truyện ( Ghi trong nhật ký của một cô Thạc sĩ ngôn ngữ ) kể  về tình bạn giữa cô ấy với một cô gái xinh đẹp nào đó lấy tên là hoa Hoàng Lan
Đọc xong một câu chuyện đẹp, tự nhiên tôi  có nhời giải đáp tại sao các nhạc sĩ, nhà văn lại lấy hình tượng  của hoa Hoàng lan trong các tác phẩm của mình.
Tối khuya, trước khi đi ngủ, tôi  làm một vốc thuốc ( Dùng liệu pháp xốc) cho chóng khỏi ốm để hôm nay còn đại điện cho gia đình đi dự đám cưới một người họ hàng quen biết ở mạn Thanh Trì – Hà Nội
Nửa đêm:
- Tôi  thấy người tôi  bồng bềnh trong tiếng nhạc nguyệt cầm.
Rõ ràng là tôi đang ngồi trên một bè vó trên sông ở ngã  ba Bạch Hạc  - Việt Trì.
Dưới ánh sáng leo lét của một ngọn nến giữa bàn, tôi  đang được uống rượu Bá, thưởng thức nem Phùng, và ăn món cá sông ở  ngã ba sông (nơi sông Đà và sông lô gặp nhau)
Trước mặt tôi  là một cô gái trẻ xinh xắn, tóc phi dê ngắn ôm sát khuôn mặt trái xoan, em mặc chiếc áo tứ thân thật vừa người- Đúng là Em gái thị trần Phùng huyện Đan phượng mà tôi  đã nhìn thấy  từ thủa nào. Rồi sau đó,hình như không ai nói gì cả, có nhẽ  chỉ còn có  hơi thở của sông Hồng và tiếng đàn nguyệt  vọng từ trên đỉnh núi Tản Ba Vì xuống mặt sông đầy sương.
Sáng nay  tỉnh  dậy, tôi  thấy đỡ ho hơn và không còn chóng mặt như hôm trước, nghĩ lại chuyện vừa qua  cũng không chắc chuyện đó  là thật hay là giấc mơ nữa?
Tôi bèn chép lại và bắt chước Thạch Lam tôi cũng  đặt tên cho câu chuyện tôi mới viết này  là “ Hoa Hoàng Lan”

CÂU CHUYỆN CỐC PÀNG.




Vào một ngày đầu tháng 3 năm 2011, hôm ấy, trên tờ lịch treo tường  có ghi là ngày truyền thống của bộ đội biên phòng, nhớ thật rõ ràng là lúc này, trời chuyển gió mùa đông bắc, mưa phùn nhè nhẹ, cả một vùng biên giới chìm trong mây mù.
Loáng thoáng trên con đường từ Bảo Lạc vào Cốc Pàng còn  nhìn thấy những cây đào vẫn đỏ hoa, những cây mận vẫn trắng xóa. Trên con đường chỗ thì rải đá, chỗ vần còn là nền đất lầy lội  có một cô gái chừng 24 tuổi đi xe máy qua cửa đồn biên phòng Cốc Pàng, cô ấy đi xuống ngôi trường, nơi  cô đang dạy học ở trung tâm xã Cốc Pàng phía dưới thung lũng. Nhìn qua cánh cửa vọng gác vào trong đồn , ở đấy dường như người ta đang chuẩn bị liên hoan thì phải ?băng cờ khẩu hiệu căng đẹp lắm.
-Chả có người nào mình quen cả
Thì thầm một mình rồi cô tập trung vào tay lái:
- Con đường vào trung tâm xã, xuống dốc ,quanh co,chưa được rải đá, trơn thật là trơn.
--------------------
Cô là người sinh ra ở huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng, học xong trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh  cô được phân công vào Bảo Lạc dạy học,cứ ngỡ được ở ngoài thị trấn, ai dè phải đi hơn 30 cây số đường đất nữa mới đến được trường ở tận trung tâm xã Cốc Pàng. Cũng may khi vào nhận công tác, nhà trường bố trí cho một gian chừng 14 m2, đối với mình cô thế là quá rộng rồi.
Cứ lần nào cũng vậy, đi hơn trăm km từ Bảo Lạc về đến Hòa An về thăm nhà mỗi ngày chủ nhật được nghỉ, bố mẹ cô lại nhắc cô rằng:
-Liều liệu mà lấy chồng đi để cho bố mẹ có cháu bế,con gái hai mấy tuổi rồi?
Mẹ cô đã không bênh còn thêm vào:
-Hay là về nhà mở cái quán bánh bánh kẹo đường sữa rồi lấy tấm chồng?mẹ sinh con năm hai mươi mốt tuổi đấy.
Cô cứ đánh trống lảng:
-Bố mẹ cứ nuôi thêm mấy con gà con lợn đi,rồi chuẩn bị mà bế cháu, chỉ sợ không còn sức.
 Vừa nói cô vừa nghĩ đến một cặp vợ chồng mà cô biết:
- Chị ấy dạy học tận trong Chè Lỳ -Đức Hạnh-Bảo Lâm ,còn chồng là đại úy bộ đội biên phòng ở Cốc Pàng, anh chị ấy lấy nhau hơn chục năm,họ có một đứa con vì điều kiện khó khăn ở nơi thâm sơn cùng cốc, đành nói khó với  bà ngoạ (ở ngoài thành phố Cao Bằng) trông giúp  còn vợ chồng anh chị ấy, ở trong này  gắn bó với cột mốc biên giới và lũ trẻ con người H’Mông.
Vào những ngày ở xã  Cốc Pàng có chợ phiên, cô lại có dịp  nhìn thấy anh chị ấy tay dắt tay nhau đi chợ với đôi khuôn mặt tràn trề hạnh phúc.
-  Cái mô típ chồng là bộ đội vợ là giáo viên vẫn là niềm ao ước của một ngừoi trẻ tuổi như cô bây giờ.
------------------------
Buổi tối nọ, sau khi cơm nước xong,ngồi vào bàn soạn giáo án.Cô giáo trẻ  giở cuốn sách ra cầm cái bút lên rồi lại đặt xuống bàn.
Cách đấy mấy gian nhà,là gia đình một cô giáo có chồng làm nghề  lái xe tải chở vật liệu cho mấy mỏ đá ở trong  xã. Hôm nay trong gia đình của vợ chồng cô giáo ấy có một người ở Hà Nội lên công tác,gia đình cô giáo kia làm cơm và mời đôi vợ chồng là cô giáo và bộ đội biên phòng mà chúng ta mới nghe kể ở trên  kia đến dự.
Ngồi phòng bên này cô giáo trẻ cũng cảm nhận được rằng, ở bên ấy
- Họ ăn uống và nói cười vui vẻ, qua những âm thanh vọng sang cô như nhìn thấy rõ cặp mắt lúng liếng của người vợ trìu mến nhìn người chồng gắp thức ăn rót rượu cho mình
Cuộc vui kết thúc Rồi bên nhà hàng xóm mọi người , đã về cả.
Ở căn phòng đơn bên này, chẳng ai biết, cô giáo trẻ vẫn ngồi một mình bên chiếc đèn bàn đang bật sáng.
Thật lâu,
Cô giáo trẻ đứng dậy ,mở cánh cửa và  đi ra ngoài. Đứng ngay cửa nhà ,cô ngước nhìn lên trên đỉnh dốc:
- Ở dưới thung lũng vẫn nhìn thấy những ánh sáng điện chiếu ra từ đồn biên phòng ấy.
Lặng lẽ quay vào nhà , cô nhìn quanh, và tự dưng ước mơ rằng rồi một  ngày nào đó:
-Đằng sau tấm ri đô ngăn phòng kia, sẽ có một người đàn ông của cô, trông giống mấy chàng sĩ quan biên phòng tre trẻ mà cô nhìn thấy ban sáng ấy.
Tắt đèn đi ngủ, cô cũng vẫn đinh ninh rằng:
-Hạnh phúc sẽ đến tươi tắn và cũng đẹp như nụ cười trẻ thơ của các cháu học sinh người H’mông mà cô vẫn được chứng kiến trong những giờ lên lớp.
Thế rồi cô thiếp đi, còn đó trên môi cô giáo trẻ khi mang vào giấc ngủ:
-Một nụ cười mãn nguyện khi nghĩ về tương lai.




Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

HOÀI NIỆM


Chị sắp về hưu chắc vài tháng nữa, cứ sau công việc linh tinh chị lại ngồi chát, chăm chú lắm. trên bàn chị có để mấy quyển từ điển Nga Việt,Tom1,Tom 2.Giờ cả nước ít có doanh nghiệp dùng tiếng Nga,họa chăng có Xí nghiệp Viet Xo Petro ở Vũng Tàu.
Một lần tôi lướt qua,nhìn máy tính của chị:
- Chị đang chát bằng tiếng Nga,trên tường có một tờ giấy ghi vị trí con chữ trên bàn phím vi tính sang hệ Xlavơ
Cách đây lâu lắm rồi,cỡ năm 1974- 1975
Cô gái 17 tuổi trắng nõn nà người ở phố Hàng Bún thi vào Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân Hà nội, được học tiếng Nga, ngày ấy tiếng Nga thịnh lắm, học sinh các trường cấp 3 cũng phần lớn học tiếng nga,các trung tâm ngoại ngữ buổi tối cũng vậy.
Năm 1979 sau khi tốt nghiệp đại học chị  lên Công trường xây dựng nhà máy Thủy Điện Hòa bình.
Vài năm không chịu được khổ, với lại con cái bìu ríu chị xin về cơ quan ở Hà Nội.Cơ quan bé có mấy chục người, thỉnh thoảng mới có có dăm ông chuyên gia Nga, thế mà phiên dịch tiếng Nga  có đến sáu vị thừa nhiều quá, chị làm văn thư, lúc đó theo thời cuộc cũng chuyển sang học tiếng Anh,nhưng cũng chẳng để làm gì (Còn tốt chán, mấy người phiên dịch kia, sau khi Liên Xô tan vỡ -hàng hóa lại toàn nhập của Pháp, Đức , Ấn độ chẳng cần tiếng Nga, thế là người xuống phòng hành chính,người làm bảo vệ,người làm chân kiểm hàng hóa vật tư khi nhập hàng tại cảng Hải phòng)
Thấm thoắt mấy chục năm đi qua, đổi mới.
Có vi tính,lại nối mạng
Con cái cũng đã  lớn
Làm nghề văn thư cho một phòng be bé cũng nhàn,chị bước chân vào mạng ảo,
vươn xa đến mấy vạn cây số,
Từ đấy, ngày ngày, tôi thường  thấy chị tra từ điển tiếng Nga,viết, chát, vốn tiếng Nga của chị mấy chục năm không dùng đến, mai một nhiều .
Đôi khi tôi đi Công trường về lượn qua phòng chị ngồi,nịnh chị với vài câu tiếng Nga mà ngay bản thân Tôi cũng rất lâu không sử dụng.
Chị nghe
Chị cười, sung sướng mãn nguyện:
- Nụ cười mới xinh làm sao
Tôi thở dài:
- Chị đang sống với một thời đã xa, lâu rồi mà hình như ta gọi là Hoài Niệm thì phải?

CHUYỆN VỀ ĐÔI VỢ CHỒNG NGƯỜI PHIÊN DỊCH TIẾNG NGA.

Vẫn nhớ
Thời nhà máy thủy điện Hòa Bình chưa phát điện, ngoài cửa hầm tại cao độ 50 chỗ nhà Апк bây giờ là một ngôi nhà hai tầng của Công ty công trình Ngầm của ông Trần Thọ Chữ, chỗ  đấy là nơi phát bánh mỳ ca, nơi nghỉ trong chốc lát của những người cán bộ quản lý kỹ thuật, thường thì hàng ngày sau khi đi kiểm tra toàn công trường thì những người quản lý hoặc cán bộ kỹ thuật  về đấy ngồi nghỉ, tất nhiên trong số đó có cả những người chuyên gia Liên Xô.
Lúc ấy Ban Quản lý nhà máy thủy điện Hòa Bình gọi tắt là Ban A do ông Thái Phụng Nê  làm trưởng ban có một bộ phận giám sát kỹ thuật ở ngoài công trường.Họ thuộc phòng kỹ thuật của ông Trần Quí Hảo,bộ phận đấy có các kỹ sư người Việt và các chuyên gia người Nga trực ở đấy,những năm bấy giờ mặc dù ở các trường đại học kỹ thuật của chúng ta trong năm năm học đều học tiếng Nga, dưng có lẽ những sinh viên trường Mỏ, Thủy lợi, Xây dựng và Bách khoa những năm ấy chả bao giờ nghĩ đến rằng sau này ra trường lại được làm việc với Tây nên trình độ ngoại ngữ cũng chỉ là biết đánh vần theo bảng chữ cái Xờ La Vơ
Có một cảnh mà những người biết tiếng Nga không khỏi cười ra nước mắt là  thi thỏang cứ thấy mấy anh chuyên gia xì xà xì xồ với cánh công nhân việt, lại nghe thấy những tay người Việt trong những chiếc mũ bảo hộ ấy trả lời:
-да да
Cho dù mấy anh Tây có nóng những người Việt kia cũng chỉ biết trả lời bằng mỗi mấy câu:
-да да.
------------------
Trên tầng hai của ngôi nhà ngoài cao độ 50 ấy, có một người phiên dịch, cao cao,nước da màu trắng trong bộ quần áo bộ đội bằng vải Tô Châu Trung Quốc, anh ấy ngồi ở đấy, thi thoảng có người vào nói chuyện với mấy anh chuyên gia thì anh dịch lại cho mấy người công nhân kia nghe, thường vào buổi trưa  anh mua một suất bánh mỳ ca (của mấy tay công nhân không ăn bán lại lấy tiền, khi thì của mấy tay xí nghiệp hầm, khi thì của mấy người phụ nữ xí nghiệp thủy công) để ăn thay vì về nhà nấu cơm để ăn.
Rồi một lần nghe ai đó kể lại rằng, anh đang học đại học Ngoại Ngữ thì đi bộ đội năm 1972, sau năm 1975 anh về học lại và gặp vợ anh ở lớp tiếng Nga đợt sau này, cách đây mấy năm vợ anh xin về được một cơ quan cùng ngành ở Hà Nội thấy bảo ở đó cũng có mấy người chuyên gia Liên Xô công tác .Anh cũng đang xin về đấy, nhưng họ bảo ở đấy không còn chân phiên dịch, chỉ còn chân giao nhận vật tư thôi.
Anh bảo:
- Thôi về, làm gì thì làm, miễn gần vợ con là được.
------------------
Theo năm tháng câu chuyện về vợ chồng người phiên dịch ở Công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình năm xưa  rơi vào quên lãng. Hôm nọ đi đám cưới ở chỗ chợ Hàng Da gặp một người quen cùng cơ quan với anh, người ấy bảo:
- Tôi về hưu vào Đồng Nai làm tháng 10 triệu được  bao ở, nhưng nhọc quá,nhoi ra giới thiệu cho thằng P ( cứ gọi anh ấy là P- Phiên dịch cho dễ nhớ) cũng mới về hưu làm thay,với lại bây giờ  vợ chồng nó ly thân nó vào đấy đâm lại hợp
Mới giật mình:
- Quái quen cả hai vợ chồng, nói chuyện với họ nhiều năm mà không biết điều ấy nhỉ? Mà sau khi anh chuyển từ Hòa Bình về vợ chồng anh còn sinh thêm một đứa con gái nữa, mà nay nó cũng đã tốt nghiệp đại học rồi.
Cũng định chả viết những chuyện này ra để làm gì, nay chui vào mạng chợt đọc được một bài viết đã đăng báo từ năm 2009 mà nhân vật chính trong câu chuyện ấy lại là vợ anh - một người phụ nữ ở phố Hàng Bún, năm xưa  đã  học tiếng Nga ở Trường Đại học Ngoại Ngữ Thanh Xuân Hà Nội.
Theo quán tính, những dòng chữ viết về anh chị lại được đánh ra dưới bàn phím máy vi tính.
Bây giờ.
- Cả anh cả chị đã về hưu rồi, không  biết gì để kể thêm về anh và chị  cả.
Viết xong,vẫn nghe văng vẳng bên tai, lời một người phụ nữ trước cùng làm với anh trầm trồ:
- Dân trí thức họ kín đáo lắm, vợ chồng người ta ly thân cả chục năm mà hàng xóm chả ai biết.
Lâu cũng không gặp chị, giờ mà gặp nếu  chào chị bằng tiếng Nga như thế này:
- Доброе утро, Как жизнь?
Rồi sẽ  còn có gặp nụ cười mãn nguyện khi xưa của chị như đã từng viết nữa hay không?

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Trung thu.

Một năm thì có 4 mùa, xuân hạ thu đông,mỗi mùa thường mang lại cho người ta những cảm xúc khác nhau ví như lập xuân là chuẩn bị đón năm mới, trung thu là tết của thiếu nhi,rồi lập đông là nhắc người ta về một mùa rét sắp tới
Hồi tôi ở bộ đội có một bài hát mà lời như sau,có nhẽ bây giờ ít người biết: 

- Mùa xuân tình yêu đâm chồi,mùa hạ tình yêu ngát hương,mùa thu mang hương tình yêu vào trong màu mây tím mênh mang,khi đông về tình yêu cho nắng,tóc em dài bốn mùa vẫn ngóng đợi…
Lúc bố tôi còn sống ông thường bảo : 

- Xuân thu nhị kỳ có nghĩa là một năm có hai lần quan trọng,cứ tiết ấy con cái nhớ đến cha mẹ,ông bà với công sinh thành nhớ mua về nhà chiếc bánh chưng,hay hộp bánh trung thu
Đôi khi  nhớ lại ngày xưa chúng tôi đón trung thu như thế nào? Xa quá chả nhớ nữa,hồi đi sơ tán Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất,cứ sáng giăng bọn trẻ con lại chơi trận giả,chơi sờ đầu,cũng có khi lấy đất thó nặn thành cái đèn pin,cho tấm kính vào đấy rồi bắt đom đóm bỏ vào,rồi cũng có khi lấy tờ báo cắt mấy cái lỗ hai cái mắt,một cái mồm bịt vào mặt
Sau này chúng tôi còn tự làm đèn ông sao bằng nứa,dán giấy bóng kính cho nến vào rồi đi rước đèn,có đứa không có đèn mang cả ảnh Hồ Chủ Tịch đi rước,gõ trống,vung nồi loảng xoảng
Kể cũng lạ:
- Ngày ấy đi rước đèn chúng tôi toàn cởi trần mặc quần đùi mà chả ngượng gì?
Mãi đến khi bố mẹ tôi sinh chú út,ngày trung thu bố tôi mua cho chú ấy một cái trống bé tý có cái dùi, đến chú ấy gõ inh ỏi.
(Ngày xưa không có nhiều máy ảnh như bây giờ,khu nhà tôi có chú Phi là thợ ảnh cho trường đại học quân y,thỉnh thoảng nhà tôi nhờ chú ấy chụp cho một Pô,tôi nhớ chú út nhà mình cũng vào đận trung thu này, được bố tôi mua cho một bộ quần áo dệt kim,quần như quần đùi còn áo giống áo may ô có tay với một quả bóng cao su,là năm 1974,lại nhờ chú Phi chụp cho một kiểu ảnh chả biết còn không?)
----------------------------------
Bây giờ,  qua tháng 7 ngâu là lại đến tháng 8 là giữa thu, giờ là kinh tế thị trường nên ở Hà Nội cứ đi một đoạn lại nhìn thấy  một quầy bán bánh trung thu,nhiều lắm Tôi có một tay bạn,hắn làm phó chủ tịch một thị trấn ở Phan Rang,gần thu hắn cũng bốc đồng thơ với phú làm mấy bài liền,tôi đọc thơ của hắn rồi bảo:
-Ông ợ,ăn bánh trung thu bây giờ đi,chứ để đến rằm mới ăn nó mốc hết chả ăn được
Hắn cũng chả vừa trả nhời:
-Để cuối thu đầu đông ăn bánh trung thu bác ạ,ăn bánh ế giá rẻ hơn nhiều
Chao ôi:
-Kinh tế nó khó khăn,đến ăn trung thu mà cũng để đầu đông,để xơi bánh ế..Tôi nghe hắn nói cũng chả thành cười cũng chả thành mếu
Hôm 1/ 8 tôi về thăm mẹ mình mình mua mấy quả xoài về để lên bàn thờ,thấy trên bàn thờ đã có mấy cái bánh trung thu bày ở đấy rồi.Thấy tôi nhìn
Mẹ tôi bảo:
-Cô dâu hai a mua bánh đấy,có thắp hương luôn không? Mẹ thắp hương xôi giò và hạ rồi.

Tôi nói với mẹ:
-Cứ để đấy thắp hương cho các cụ ăn trước.
Thắp hương cho bố tôi xong,mình tranh thủ tạt qua nhà ông bà ngoại và cũng biếu các cụ hộp bánh trung thu:
- Tôi sợ đúng hôm trung thu, tôi bận ở Mường La không về
---------------------------
Hôm nay, sau cơn mưa,đi ăn cơm về,thấy thị trấn Mường La vắng lặng, chợt nhớ đúng hôm rằm trung thu năm 2010 mình ở Hát Lót hôm ấy cũng sau khi ăn cơm xong,thấy nhiều người mặc áo xanh đỏ múa lân,gõ trống phèng phèng,họ làm hẳn cái xe cải tiến để cái trống lên đấy gõ,múa gậy rồi ngậm xăng phun lửa,họ đi dọc thị trấn ấy Tôi  hỏi mấy cháu ở nhà nghỉ:
-Có mất tiền thuê họ múa không?
Thằng cháu lễ tân mới nói:
-Free chú ạ 

Tôi  lè lưỡi:
-Họ đón rằm oách hơn phường mà gia đình tôi đang ở dưới xuôi.
----------------------------
Chợt nhớ, chưa gọi điện về nhà Tôi mới lấy máy gọi cho con gái út mấy lần:
-Chả thấy thưa máy (nhà tôi chuyển ra bìa thành phố nên không lắp máy cố định chắc chuông bé chả ai nghe)
Lúc sau, mới gọi được cho bà xã, và biết được:
- Hôm nay vợ tôi cho đứa bé đi ăn trung thu với con nhà cô dâu út 

Tôi lẩm bẩm:
- Mồng 4 rồi,ăn trước để đỡ phải ăn bánh thiu
------------------
Mấy nay  đọc báo thấy ở Bắc Trà My do thủy điện Sông Tranh tích nước gây động đất kích thích,tâm chấn cách mặt đất 5km,khi động đất phát ra tiếng nổ ầm ầm,dân hãi chạy ra khỏi nhà giống như tránh máy bay mỹ thời chiến tranh phá hoại. Họ còn kể  là nhiều người dựng lều bằng tranh tre nứa lá để ở vì sợ nhà sập,đọc xong những tin ấy,lại nhớ cảnh chúng tôi cởi trần mặc quần đùi,đánh trống đón trung thu năm nào.

Tôi cũng băn khoăn:
-Chắc trung thu dân ở đấy lo chạy động đất, thì cũng chả đánh trống múa lân như những người dân ở Hát Lót mà tôi đã chứng kiến năm nào?
( Viết vào ngày 19/09/2012 bài đã đăng báo nhưng khi đăng họ cắt mất một đoạn. )
 

 

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

ĐỒNG HƯƠNG

Cách đây mấy năm, tôi hay ra chợ Bảo Lạc để mua thịt của một người đàn ông cao cao,răng hơi vô vổ, thi thoảng người ấy bớt cho tôi một vài nghìn so với những người mua khác, có lần tôi ra chợ thì thấy chị vợ của người đàn ông ấy bán thay, tôi nghe chị vợ ấy nói chị ấy người Mán, còn chồng chị ta là người dưới xuôi lên.
Một lần rỗi, tôi đứng lâu lâu với tay bán thịt ấy, tán hươu tán vượn, tay ấy nói với tôi là người ở Hà Tây huyện Phú Xuyên,lúc ấy tôi mới khám phá ra rằng :
-Chợ thị trấn của một huyện sát biên giới này có nhiều người dưới xuôi lên ví như vợ chồng tay bán phở tên là Tân Biên người Vĩnh Tường ,Vĩnh Phú, quán cơm sát sông Neo là của tay cựu sĩ quan 678 người Hà Nam, người đàn ông khâu giầy trong một câu chuyện cũng có nhan đề “Đồng Hương” tôi đã viết trong mùa đông năm nọ cũng là người Hà Tây cũ.
Những lần sau, mỗi khi mua thịt tôi đều hỏi tay ấy ( Tên là Hùng) xem lâu lâu có về quê không?
Mấy năm sau, tôi sang Sơn La về Hưng Yên đi Hải Dương không quay lại Bảo Lạc và cũng từng ấy năm tôi chưa vào chợ Bảo Lạc, nơi mà tôi quen nhiều người và biết nhiều chuyện trong mỗi lần tôi đi chơi chợ và mua mua, bán bán.
Ngày 01/08 âm lịch vừa rồi ,đúng vào ngày có chợ phiên, gác công việc tôi đang làm lại tôi lại đi vào chợ, tôi muốn ngó những em gái người Tày chít khăn,mặc áo cánh cầm quả bóng bay, những cô gái H mông vừa bán hàng vừa cười cười với ai đó,những người đàn ông trên núi xuống ăn phở uống rượu và nói với nhau bằng thứ tiếng mà người xuôi không hiểu được, người đàn ông khâu giầy cũng như em bán bánh rán má phinh phính tròn tròn năm nào.
Đi qua những người bán hàng với đủ mặt hàng,gạo,rau,thịt,củ quả rễ cây rừng hai bên con đường to vào chợ,tôi bước vào nơi người ta bán thịt.Nhìn thấy tay bán thịt tôi mới gật đầu chào:
- Lâu nay ông có về Thường Tín không?
Tay ấy vừa pha thịt vừa trả lời:
- Không có tiền anh ạ, mà tôi ở Phú Xuyên.
Tôi cười cười thay vì thú nhận là cái trí nhớ của mình giờ không còn như xưa nữa.
Xem chợ chán chê mê mỏi tôi vào quán cơm sau chợ để ăn,đang ăn thấy có người chào tôi quay ra,thì ra tay Hùng bán thịt.
Thấy tôi ngạc nhiên tay ấy giải thích:
- Đây là nhà tôi.
Để ý một lúc, sau tôi biết :
- Quán cơm sau chợ nơi tôi đang ngồi ăn là của vợ chồng em gái tay ấy.
Chiều nay,sau khi ăn cơm ở đó xong, rảnh rỗi ,tôi đi bộ đến nhà tay cựu bộ đội biên phòng ngồi chơi, (Ngày mai tôi sẽ đi xuống Nguyên Bình, đận này xong việc chắc thật lâu lâu tôi mới quay lại nơi đây.)
Ngồi uống nước nói chuyện ở đấy, tôi biết thêm tay Hùng bán thịt người Phú Xuyên trong chợ mà tôi hay đến mua và nói chuyện ấy, trước kia cỡ những năm 1980 là lính trung đoàn 750 quân đoàn 26 đóng ở xã Hồng Trị – Bảo Lạc, ra quân lấy cô vợ là cô giáo dậy học nơi trung đoàn đóng quân.
- Và thế là tôi biết vì sao tay người Phú Xuyên lại trở thành người bán thịt ở Bảo Lạc này rồi.
Chia tay cậu cựu bộ đội biên phòng, trên đường về nhà khách, tôi mủm mỉm cười khi nghĩ đến chuyện của mình năm nào:
- Ngày xưa mà nghe lời tay Thành đại đội trưởng tán em Huyền y tá tiểu đoàn thì có khi bây giờ tôi đang đeo bao dao,chăn trâu ở Tu Lý Đà Bắc ý chứ?
Mà có như thế thì có ai đến nói chuyện,chụp ảnh viết bài và gọi tôi là ĐỒNG HƯƠNG không nhỉ ?



PHỞ QUEN

Trên con đường cũ từ thành phố Cao Bằng dẫn vào chợ Bảo Lạc, đi ngang qua bưu diện huyện Bảo Lạc và chi nhánh điện Bảo Lạc,giữa hàng phố hai bên cắm cờ đỏ sao vàng, nhìn sang bên tay trái có một hàng phở sáng, buổi sáng xe chạy từ năm giờ sáng ở thị trấn Bảo Lâm ra Cao Bằng như xe Cao Bình, Cường Huệ đều đổ ở đây để lái xe và hành khách ăn sáng trước khi chạy một chặng đường 150 km để ra đến thành phố.
Quán phở là một cái chái vẩy ra của một ngôi nhà cấp 4 bên trong có một cái bếp đun bằng củi,bàn ăn là một cái bàn gỗ có bốn chân, mặt bàn là một tấm bê tông được lát gạch men trắng
Chủ quán là một thiếu phụ gần 50 tóc cắt ngắn có uốn xoăn xoăn ( Loại đầu mà trước năm 1975 người ta gọi là đầu Phi Dê)
Phở sáng ở Bảo Lạc cũng y chang những bát phở sáng mà người ta thường ăn trên con đường từ Nguyên Bình vào đến Bảo Lạc:
-Phở được thái từ bánh phở tráng và phơi lên cái sào nứa từ tối hôm trước. Trước khi bê cho thực khách người bán hàng cho vào đấy mấy miếng thịt lợn ba chỉ được cắt ra từ tảng thịt to rán, mấy miếng lạp sườn Cao Bằng thái nhỏ, ít rau thơm ít giá, ăn xong có cảm giác như mới được ăn bát mỳ đa ở xuôi nấu với thịt.
Cách đây hai năm, thi thoảng vào buổi sáng, tôi thường ăn phở ở đây, lúc đó thằng cháu cùng làm với tôi nó nói có vẻ hiểu biết:
- Chồng cô ấy làm trong huyện chú ạ
Và tôi cũng chả hỏi thêm nó làm gì nữa, mặc nhiên điều đó là đúng.
Bốn hôm nay, tôi trở lại Cao Bằng để giải quyết tồn đọng từ những năm trước, có một hôm tôi ăn bánh cuốn của cô Tâm giáo viên dậy văn mà tôi đã viết trong một câu chuyện nào đó đã lâu, còn lại tôi đã ăn sáng ở cái quán của người thiếu phụ có mái tóc phi dê này. Mấy lần đến đây khách đến ăn sáng cũng đông, cháu bé giúp việc bưng bê không kịp, tôi thấy mọi người đều tự đến đấy bê một bát cho mình. Chờ lâu sốt ruột tôi cũng ra bê lấy một bát( Chả nhẽ ngồi ngó mồm người ta ăn ?) Vẫn nhớ lúc người thiếu phụ chan nước vào bát phỏ cho tôi, tôi mới bảo với cô ấy rằng:
- Quán nhà em có cần thuê người bưng bê không? Anh đang thất nghiệp đây
Chả nhìn mặt người khách vừa nói câu ấy, cô ấy trả lời bằng tiếng kinh ( Có một chút đặc trưng của người vùng cao)
- Nhà em chả có tiền thuê bác.
Mấy người đang ăn nghe chuyện cũng nhoẻn miệng cười.
Buổi trưa xuống Huy Giáp( Lũng Pán ) làm việc, ngồi ăn cơm với mấy đứa cháu có nhà ở Khu 1 thị trấn Bảo Lạc chuyện này chuyện kia, trong câu chuyện có nói về quán phở sáng mà những chuyến xe khách chạy từ Cao Bằng Bảo Lâm mỗi sáng, một đứa có nói với tôi rằng:
- Cô ấy( người thiếu phụ có mái tóc phi dê ) tên là Bích , chồng cô ấy nghiện phải đi trại và chết cách đây mấy năm.
Tôi mới ngã ngửa người ra:
- Thế mà mấy năm nay cứ nghĩ chồng cô ấy làm ở Văn Phòng UBND huyện.
Chiều về, tôi đi qua dẫy phố cắm cờ đỏ , ngó qua cái quán ăn sáng tôi vẫn hay ăn, tôi tự nói với mình :
- Đằng sau mỗi lá cờ được cắm bên hè phố là một gia đình, và mỗi gia đình đó có những câu chuyện và hoàn cảnh rất riêng mà không phải ai cũng biết để mà chia sẻ được.Và vô hình chung những người khách trên xe chạy Bảo Lâm Cao Bằng vào ăn phở mỗi sáng kia, đã giúp người phụ nữ ( trong một ngôi nhà vắng bóng đàn ông) tự tin để tiếp tục sống với đời.


Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Chỉ là một chút viết trong những ngày lễ Vu Lan.

Hôm qua - Ngày mười ba tháng bẩy âm lịch.Có việc phải  đi Kinh- Môn Hải Dương , biết đơn vị làm cùng có ô tô xuống đấy, mới nói với họ cho đi nhờ ( Đi xe cơ quan tiện hơn bắt hai chặng xe khách, điều đó chả kể ai cũng biết mà )
Sáng đến đó sớm, trong lúc chờ xe mới ngồi nói chuyện với tay bảo vệ của cơ quan ấy ở phòng thường trực, chuyện này chuyện kia, rồi nói chuyện đất cát, nhà cửa con cái,được nghe tay ấy kể:
- Một người họ hàng nhà em sinh hạ được hai mụn con gái, đứa lớn lấy chồng vì nhà chồng quê xa, nên chúng nó về đấy ở rể. Đứa thứ hai sinh năm 1989 cũng mới lấy chồng, bây giờ con gái chúng  nó lạ lắm anh ạ, đứa sau mới lấy chồng được mấy tháng, quay về đòi bố mẹ chia nhà.
Nói đến đấy tay bảo vệ ngừng lại.
Không thấy tay ấy nói tiếp, mới hỏi thêm:
- Vậy con bé thứ hai nhà kia ấy  có được  học hành gì không, nhà chồng nó có nhà chứ?
Tay bảo vệ, rót cho người hỏi một chén nước, châm điếu thuốc rồi trả lời:
- Nó tốt nghiệp một trường đại học ở đường Hoàng Quốc Việt, nhà chồng nó có nhà anh ạ, mà rất rộng rãi, còn nhà bố mẹ đẻ nó  là một ngôi nhà  2 tầng  xây lâu rồi, nhưng bây giờ, chỗ đấy thuộc qui hoạch mở đường, nên sắp giải tỏa, muốn bán để chia  cũng chả ai dám mua anh ạ.
Xe đến, chưa nghe hết câu chuyện người bảo vệ kia kể, vội bắt tay người ấy rồi đi.
Đến nơi công việc bận rộn, rồi ăn, ăn uống uống quên khuấy câu chuyện nhà có hai đứa con gái của tay bảo vệ  kể lúc ban sáng.
Gần 9 h tối, Sau khi ngồi qua hai chặng xe  về  đến nhà, rửa mặt xong, chuẩn bị ăn cơm mới đọc bài viết của ai đó có câu "

-Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!
Nhớ ra rằng:

-Ngày rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân theo tục lệ, và cũng là ngày Vu Lan - Lễ báo hiếu của Phật Giáo được bắt đầu từ tích Bồ Tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ.
Đọc lại bài viết mượt mà thấm đẫm tình người một lần nữa, rồi đi ăn cơm.
Gắp mấy cọng rau cho vào mồm nhai nhai, câu chuyện nghe được tay bảo vệ lúc sáng hiện lên rõ mồn một trong đầu:
- Là những tiếng nói xoe xóe của đứa con gái mới đi lấy chồng về đay nghiến cha mẹ đòi chia nhà, sự bất lực của ông bố tóc bạc sắp đến ngày về hưu thiểu não ngồi góc giường nghe mẹ con chúng nó lời qua tiếng lại với nhau.
Rồi cảm thấy trong mồm như đang nhai phải mấy hạt sạn:
- Ừ thì Vu Lan, ừ thì là báo hiếu, mà chả biết những điều hay người ta đã viết, những việc tốt  người ta đã  làm trong những ngày rằm tháng 7 như thế này, có đủ làm lay động tâm can của những đứa  có học mà chỉ biết mỗi đến tiền hay không?
Thời nay, những đứa vô cảm như đứa con gái trong câu chuyện đã nghe ở trên, trong xã hội, quanh ta, rất nhiều và nhiều lắm.

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Vị Xuyên.

Bây giờ
Ai đó đi hết con đường quốc lộ 2 là đến Vị Xuyên Thanh Thủy,nơi có con sông Lô chảy vào đất Việt, người đó sẽ gặp hai cái cổng người ta vẫn gọi là cửa khẩu phía ta gọi là Cửa khẩu Thanh Thủy, phía Trung Quốc gọi là Tian Bao. Bên phải hai cửa khẩu ấy là con sông Lô chảy từ Trung Quốc sang phía bên đất Trung Quốc họ kè bờ .

Phia bên phải sông Lô là núi, trên sườn núi có hai hàng cột điện Việt Nam mua điện của Trung Quốc, trên nữa là những ngọn núi thật cao mà đứng trên đấy ai đó có thể bao quát và nhìn khắp thành phố Hà Giang, rồi biết thêm:
- Cột mốc biên giới của ta với Trung Quốc gần cửa khẩu là cột mốc số 261, lùi xa về phía Hà Giang còn có một cây gạo to ven đường.( Những cháu sinh từ năm 1980 đổ lại, chắc là chỉ biết như thế thôi).
Còn đối với những người sinh năm 1966 đổ về trước,Vị Xuyên không phải như thế, với họ:
- Vị Xuyên là một thời máu lửa thời đấy nước sông Lô nhuốm máu người,  thịt xương người trộn lẫn với đất ở trên những ngọn núi cao cao xa xa
Hôm qua  ở thành phố Hải Dương, có thấy chính quyền ở đấy tổ chức tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7,  tôi mới xem lịch và biết là ngày 25/7 tự nhiên băn khoăn rằng:
- Mai  là ngày 27/7/2014,lại đúng ngày 01 thàng 7 âm lịch ( Tháng cô hồn, mùa Vu Lan, xá tội vong nhân) không biết có những ai đến Km 272 quốc lộ 2 cách thị xã Hà Giang 18 km rẽ trái thắp hương cho hơn 1700 vong hồn liệt sĩ chết vì cuộc chiến của những người bên kia cái cổng có chứ TIANBAO gây ra? và liệu còn ai là không phải những cựu binh đã chiến đấu ở đội hình các sư đoàn 3, 313,3 14, 316, 356, 312, 325, 31, đã đến nơi có cây hoa gạo đã kể trên làm một mâm lễ, có bỏng ngô, vàng mã, cháo thắp nén hương vái vọng lên những sườn núi cao hơn cái cột điện mua của Trung Quốc với những cái tên cao điểm đã mờ dần trong ký ức như 1509, 772, 685, 233,236 phía đông sông Lô  nơi còn nhiều liệt sĩ trong cuộc chiến chưa tìm thấy được xác, rồi quay lại phía tây sông Lô vái vọng lên cao điểm 1100 nữa không?
Rồi cũng tự trả nhời mình:
- Sau sự kiện dàn khoan 981 nước Trung Quốc công nhiên thừa nhận để nhiều người dân nước ta gọi  họ là " Giặc đồng chí" như một bài thơ đọc trên mạng hôm nào, các cháu sinh từ năm 1980 trở lại làm nghề báo chí, nhân ngày 27/7 chắc cũng chả ngại ngần viết về cuộc chiến phía bắc đã diễn ra từ khi các cháu chưa chào đời, và kết thúc  khi các cháu đã biết đọc biết viết.

Cuộc chiến ngày hôm qua, cuộc chiến ngày hôm nay cần lắm những cây viết như của các cháu để đi vào lịch sử và trường tồn cùng dân tộc.
Chả thế mà ngay ở chỗ cửa khẩu Vị Xuyên ấy người ta treo khẩu hiệu có chữ vàng:
" Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong thời kỳ mới"
Mà chả biết bây giờ ở Vị Xuyên cái khẩu hiệu tôi đã  nhìn thấy và chụp ảnh lâu lâu có còn ở đấy nữa không?

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Mì tàu - 挂面

Mỳ Tàu.

Trước,cùng làm với tôi có một anh tên Dũng  sinh năm 1949 học khóa 4 Đại học Kỹ Thuật  Quân Sự ở Vĩnh Yên-Vĩnh Phú.Lúc còn chưa  đi bộ đội ,đang  học cấp 3 anh ấy học trường Nguyễn Văn Trỗi  tại Quế Lâm – Trung Quốc.
Một  lần vui vui ôn lại kỷ niệm thời bộ đội tôi  hỏi anh ấy :
-Anh còn nhớ tý nào tiếng tàu không?
Thay vì trả lời, anh lấy cái bút nguyệch ngoạc viết ra mấy chữ và đọc:
-中国人民 ,Zhōngguó rénmín, trung của dẩn mỉn
Tôi cười cười:
-Bố chỉ nhớ thế này thôi à?
Anh ấy gật đầu :
-Thế là khá đấy, ở đại học kỹ thuật quân sự 5 năm có học tiếng nga nhé thế mà lúc về Trung đoàn 139 của Bộ Tư Lệnh Thông Tin dịch chữ CCCP là “ Càng cho càng phá” hoặc là “ Các chú cứ phá” giờ còn nhớ mỗi câu Đa đa với Nhét nhét,mà tớ thường chỉ thích "Nhét"
-----------------
Năm 2008 Tôi  lên Cao Bằng  để thi công một công trình cho ngành Điện, vì công việc tôi vào đến tận Thôn Chè Lỳ- Đức Hạnh- Bảo Lâm bên bờ sông Nho Quế mà bên kia là xã Khau Vai có nhà máy thủy điện Bitexco Nho Quế 3.
Một hôm vào tầm 9 h sáng, trong lúc đi từ Chè Lỳ ra Cốc Pàng , tôi gặp  hai cha con người H’mông ( Người cha tầm 30 tuổi, cháu gái khỏang 13 tuổi )  đi tắt  từ trên núi xuống, mỗi người đeo trên lưng một cái gùi bằng tre đan .
Tò mò tôi  hỏi:
-Hai bố con đi đâu về  đấy?
Họ trả lời tôi bằng tiếng kinh lơ lớ tiếng H'mông  :
- Chúng tôi  Chợ Cốc Pàng về .
Nói chuyện một lúc tôi biết họ đi từ Chè Lỳ ra chợ Cốc Pàng  từ 4 h sáng, liếc vào trong gùi tôi thấy  mỗi bố con gùi một hộp các tông có in chữ tàu
Tôi  lại hỏi:
- Anh  mua cái gì thế?
Họ trả nhời :
-Quả hiên ..
Nghe chả rõ tôi hỏi lại :
- Cái gì đó ạ?
Lại nghe:
-Bún tàu 挂面 Guàmiàn
Ôi giời Tôi tiếp
-Thế mua bao nhiêu tiền một hộp
và biết được rằng một hộp bún Tàu có giá 160 nghìn. Tôi chợt nghĩ:
- Hộp bún tàu  đắt hơm hộp mì tôm "Hảo hảo"  bán ở chợ đây, nhà sản xuất  không quan tâm đến khẩu vị bà con ở vùng biên nên trên này dân sát biên giới họ toàn ăn bún Tàu,với lại mấy nhà máy sản xuất mỳ ở ta cứ sản xuất để cứu trợ bão lụt cũng đủ lãi rồi,cần quái gì nghiên cứu thị trường với sở thích của bà con vùng biên giới ?
Chiều về lại qua chợ  Cốc Pàng, nhớ đến cảnh bố con người H’mông đi chợ đằng sau gùi hai hộp bún khô Trung Quốc, tôi mới hỏi thằng cháu:
-Bún ấy ăn có ra gì không?
Thằng kia bảo:
-Chán lắm chú ạ mà chú có thích cháu nấu cho chú một bát.
Tôi lắc đầu:
- Thôi nhỡ nó lại có cài gì ở trong ấy.
Đứa cháu đi cùng im lặng, có nhẽ nó cũng nghĩ như mình:
- Dùng hàng Việt là yêu nước cũng nên?

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Gớm, gần đến 49 ngày rồi mà giàn Khoan Tầu nó chửa rút.

Vẫn nhớ.
Đầu tháng 4 âm lịch, ông anh họ ( Đằng ngoại ) ở quê ( Vân Canh - Hòai Đức - Hà Tây ) mất, ngày 01/ 04 âm lịch, xuống chợ mua đồ lễ thắp hương sau đó đi viếng đám ma anh ấy. Ba  ngày sau, báo chí  đăng tin : - Khựa đưa giàn Khoan vào biển của ta hút dầu.
Ta cho thuyền vác loa ra đuổi nó chẳng chạy,lại quay lại húc tầu ta thủng nhiều lỗ,  giờ nếu ta vác loa ra a lô đuổi nó,nó quay lại húc thì ta quay đầu chạy ( Yếu hơn biết làm thế nào?)
Qua ngồi ở Lãnh Điển Đại Tập, nói chuyện giàn khoan với thằng Cháu ,chỉ ra cái ao cá bảo:
- Bây giờ cái ao cá kia, có đứa ở thị trấn Khoái Châu nó nhận của nó, nó làm lều đây luôn, mình ra đuổi nó đánh thì thế nào nhỉ?
Thằng cháu bảo:
- Ở ta chỉ có đầu gấu với xã hội đen làm như thế.
Mới bảo thằng cháu:
- Vậy trên thế giới Khựa hành xử khác chó gì xã hội đen ? Cơ mà nó là xã hội đen thì khó có ai làm gì được nó..
Nay rằm, xuống chợ mua hoa về thắp hương, nhớ đến hôm kia vợ ông anh họ gọi điện báo:
- Thứ sáu ngày 16/ 5 âm lịch gia đình cúng 49 ngày anh Kim ở quê, chú về nhá.
Thời gian  49 ngày đủ cho người chết ở trần gian đi 7 cửa âm ty xuống đến địa ngục rồi.
Thế mà ở ngoài biển
- Cũng gần đến 49 ngày (43) rồi, họ bảo ngoài ấy mấy nay có sóng to mà giàn khoan Khựa vẫn chửa rút.
Thế mới biết:
- Dây vào bọn đầu gấu với xã hội đen của thế giới như nhà anh Khựa ( hàng xóm) mệt thật. 49 ngày đến nơi rồi mà nó cứ ỳ ra đấy, có thấy suy chuyển gì đâu?

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Cơm rượu.

Năm 1984 tôi làm đại đội phó đại đội 211 ( nguyên là đại đội Cao xạ pháo thành lập năm 1967 tại Hòn Gay Quảng Ninh, vì chiến công chống trả máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại nên trước đó đại đội do tôi làm đại đội phó đã hai lần được phong tặng danh hiệu ” Đơn vị anh hùng”)
Đại đội tôi hồi ấy có một nhân viên thống kê, một nhân viên liên lạc, đến giờ tôi vẫn nhớ nhân viên thống kê tên là Tường sinh năm 1962 đã tốt nghiệp trường công nhân kỹ thuật Việt Hung ở Sơn Tây, còn nhân viên liên lạc tên là Dũng sinh năm 1964 đi bộ đội năm 1982 nhà ở Ngõ Trại Găng Tân Mai Hai Bà Trưng Hà Nội.
Thời bấy giờ chúng ta chưa bình thường hóa quan hệ với nước Trung Quốc nên kinh tế còn khó khăn và đói kém lắm, chúng tôi là sĩ quan chưa vợ nhưng cứ nghĩ trong bụng rằng:
- Lương thế này không đủ, mà có vợ có con thì nuôi ra làm sao?
Lại nói về cậu liên lạc đơn vị tôi tên là Dũng, ngày ấy cứ sau công việc tôi thấy Dũng cứ mang những quyển sách Toán Lý Hóa lớp 10 ra đọc, em bảo với tôi:
- Sau khi ra quân em cố thi đại học anh ạ.
Tôi gật đầu và nói với em cố lên, cũng nhiều người hết nghĩa vụ đỗ đại học đấy, mà bộ đội xuất ngũ thi đại học nghe nói được ưu tiên những một điểm rưỡi cơ đấy, vẫn nhớ em nhìn tôi cười, cặp mắt sáng lên những hy vọng.
Những năm ấy, đại đội tôi có bếp riêng, đến bữa thay vì vác bát xuống nhà ăn Dũng xuống bếp lấy cơm về mấy anh em ăn ở nhà đại đội, cơm thì có thức ăn thì thiếu, nên cơm thừa cũng nhiều, trong đại đội có anh quê ở nông thôn mang chỗ cơm ấy ra phơi, khô cho vào túi để chờ đến khi nghỉ phép mang về quê cho vợ con nuôi lợn. Có hôm tôi thấy Dũng mang mấy cái ống tre mang ra suối vào buổi tối,rồi hôm sau nhấc về, mấy anh em tôi được bữa lươn ngon nhớ đến bây giờ.
Một lần tôi thấy em ủ tấm ni lông vào một cái chậu cơm, tò mò tôi mới hỏi:
- Em làm gì đấy?
Em trả lời:
- Em ủ rượu anh ạ
Lúc sau tôi mới biết là em ra chợ mua men rượu, về bẻ ra trộn với cơm nguội chúng tôi ăn thừa, rồi bọc miệng bằng tấm ni lông trắng.
Làm cán bộ đại đội như tôi hồi ấy cũng chả khác gì con mọn, mang tiếng cán bộ có bốn người mà đi học, đi phép, đi viện có những tháng chỉ có mình tôi trực đơn vị, giao ban giao bệ việc này việc kia tôi cũng chả nhớ cái vụ ủ cơm rượu của cậu thống kê đại đội tôi nữa.
Mấy hôm sau, vào buổi chiều khi tôi đi giao ban tiểu đoàn về, Dũng bưng cho tôi một bát cơm rượu:
- Anh ăn đi này
Tôi ngạc nhiên:
- Sao không để nấu mà lại ăn?
Dũng bảo:
- Trộn đường ngon phết anh ạ.
Nghe lời Dũng tôi cũng mang bát cơm rượu ấy trộn đường:
- Quả thật ngon như rượu nếp ngày xưa thi thoảng tôi vẫn được ăn ( mà chả nhớ là hồi ấy ai đã mua cho tôi ăn nữa)
——————-
Sau này tôi chuyển lên trung đoàn,rồi Dũng ra quân, anh em tôi không gặp nhau nữa. Năm 1989 Quân đội thay đổi biên chế, tôi ra khỏi quân đội, vẫn nhớ năm ấy, sau khi về địa phương, có một hôm tôi đến ngõ Trại Găng Tân Mai tìm nhà Dũng nhưng khi hỏi chẳng ai biết nhà Dũng ở đâu ( có người bảo hình như nhà em chuyển đi rồi) lúc quay về tôi cứ băn khoăn:
- Không biết em có thi được vào trường đại học Bách Khoa như em mơ ước hay không?
—————–
Nay một ngày thứ bảy ( là ngày được nghỉ hiếm hoi trong cuộc đời làm thuê cuốc mướn sau khi ra quân của tôi ) buổi sáng tôi xuống chợ mua thức ăn, và một chùm vải để về thắp hương trên bàn thờ bố tôi ( Mùa này là mùa vải) thắp hương xong tôi mới hạ chùm vải xuống, lấy cái bát xúc một ít rượu nếp vợ tôi mua hôm nọ hôm tết,thấy nhạt tôi mới lấy mấy thừa đường xúc vào bát, thế là chuyện cơm rượu và những ký ức về chú em thống kê thời tôi làm cán bộ đại đội một thời xưa ùa về.
- Quãng thời gian cách đây đã 30 năm rồi, vừa đủ thời gian cho một người được đi làm và đến lúc nhận được sổ hưu.
Và có một điều tôi chắc chắn là
- Cho dù thế nào cuộc đời vẫn rất nhiều men say và ngọt ngào,giống như bát rượu nếp cho thêm đường và chùm vải chín mà tôi mới mua lúc ban sáng ở trên bàn đó kia.

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Mùa sen.

Ngồi trên xe khách  trên đường quốc lộ 5, vén rèm nhìn qua cửa kính ngó sang bên đường bắt gặp những đầm sen nở rộ, cứ tầm tháng này khi lúa ngoài đồng đã chín vàng, hoa sen lại nở trên những cái đầm hiếm hoi chen giữa những thảm lúa vàng
Vài năm trước,biết đến những bức ảnh đẹp  với hoa sen của một cháu gái học trường đại học văn hóa chụp ở hồ Tây, mới nhận ra rằng:
- Phụ nữ đã đẹp, mà  chụp với hoa sen trông  càng đẹp hơn.
Cách đây mấy hôm, trong một ngày nắng, được ngó bình hoa sen của một cô giáo dậy cấp 3 người Sài Sơn,ngắm ảnh tưởng tượng ra mùi thơm của hoa sen ngào ngạt.
Đôi khi nhớ lại ngày xưa:
- Nắng này, trốn máy bay Mỹ không chạy xuống hầm mà chui vào gầm mấy pho tượng phật ở trong chùa  trong tiếng máy bay gầm rú, thấy mát mát và mùi hoa sen với mùi hương thật là dễ chịu chả biết thế nào là cảm giác sợ hãi.
Cuối mùa sen năm ngoái, ra đồng nhìn thấy bông hoa sen nở muộn, nhớ đến chuyện tình của Phương bác sí bệnh viện sư đoàn với Hải sĩ quan dưới quyền,mới lấy bút viết ra một tý chữ . Không hiểu có tý nào đồng cảm hay không tay buôn gạch Thạch Bàn người Hàng Bông xem xong gật gật cái đầu bảo được.
Mùa sen này, chưa nghĩ đến chuyện gì để viết, bởi vì ngoài công việc chỉ ám ảnh mỗi chuyện giàn khoan của Tầu ( Cũng chả biết đến mùa sen nếu hôm qua không nhìn thấy hoa sen nở một cái đầm ven đường)
Đóng rèm cửa xe,nhắm mắt và thư giãn, dường như quanh đây đâu đó có mùi hoa sen nhè nhẹ,mà không biết có phải là mùi hoa bay ra từ bó hoa sen của cháu gái học trường Đại học Văn Hóa,hay là từ mấy bông hoa sen trong bình hoa trên bàn của cô giáo người Sài Sơn.
- Thôi thì cứ ngửi mùi hương thơm quen đi vậy, mỗi năm chỉ có một dịp như thế này mà thôi.
Trong mấy phút hiếm hoi thế này, tạm thời không nhắc đến cái giàn khoan kẻ cướp và những mảnh gỗ văng ra từ tầu cá của ngư dân ta bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm nữa nhé.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Mùa gặt.

Tháng sáu ( Tháng năm âm lịch) nắng như đổ lửa, chạy xuống Thường Tín nhận ra cánh đồng lúa bên đường dân đang gặt lúa, họ mang máy tuốt ra vệ đường tuốt lúa,thóc cho vào bao mang về, hoặc phơi luôn,rơm vun đống để đốt, cũng có chỗ họ thuê máy gặt liên hợp vừa chạy vừa tuốt.
Đi đến chỗ mấy người đang gặt dừng lại hỏi:
- Vụ này thế nào bác?
Nghe trả lời :
- Chừng gần hai tạ
Lại tiếp:
- Có hơn năm ngoái không?
Một người trả lời:
- Chẳng hơn được.
Gần trưa mới đứng nói chuyện với một tay chủ đầm cá gần chỗ làm ( sinh năm 1959) tay ấy bảo:
- Bác ạ, nông dân tiếc ruộng thì làm thôi chứ, mỗi sào trừ giống má thuê mướn đi chỉ lãi có 200 ngàn / sào.
Thảo nào lúc ngoài ruộng,mấy người phụ nữ ca cẩm:
- Ý chỉ có công chức nhà nước là sướng thôi bác ạ, chứ nông dân khổ lắm
Ngậm tăm, chả dám nói gì, năm ngoái cũng vào vụ gặt này ở bến đò Phương Trù nghe một thằng cháu ca thán:
- Chú ơi, một sào lúa bây giờ chỉ ăn được có mấy bữa cỗ đám cưới.
Xưa mùa gặt vui lắm, học sinh đi cắt lúa cho hợp tác buổi trưa được cái bánh mỳ cặp thịt với tấm mía, sau ngày mùa về quê được ăn cơm toàn là gạo mới không độn, có mấy chục năm nay khác rồi
Chả thế mà hôm xưa thằng cháu cùng làm (người Thái Bình) kể :
- Nhà cháu giờ bỏ ruộng không cấy nữa, ai thích cấy để người ta cấy cho khỏi phí đất (Nhà nó có ba người đi làm công nhân, mỗi mẹ nó ở nhà).
Thời gian quay vòng,luân hồi mùa gặt lại đến, lúa má cũng như năm ngoái, một sào được 3-4-5 bao biết đến bao giờ mới giầu và mở mặt lên được khi cứ trông vào đất
Ngó ra phía mặt trời mọc ban sáng:
- Ngoài ấy giờ đang dậy sóng, ngỡ là có mỏ dầu để hút lên rồi bán cho thoát cảnh đói nghèo, thế mà  đứa hàng xóm ngang tàng , độc ác nó cho giàn khoan âm mưu hút bố nó mất, mà nó vừa to vừa giầu đuổi cả tháng chửa chuyển
Chợt nhận ra rằng:
- Mùa gặt này, kém vui,nóng nực và âu lo về cuộc sống hơn năm ngoái rất nhiều.




Tag Mùa gặt, giàn khoan Tàu, Thường Tín

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Viết khi qua đò Đại Tập trong một ngày cuối tháng 5

Cuối tháng năm,một ngày nắng qua đò Đại Tập sang thôn Lãnh Điển làm việc, đò đi ra đến giữa sông,nhìn thấy mấy con thuyền đang hút cát và bơm cát vào sà lan, mới hỏi tay lái đò:
- Sao bảo trước họ cấm hút cát cơ mà?
Đứa lái đò trả lời:
- Vâng mấy tháng trước thì họ không hút cát,nhưng nay vẫn hút,chắc được phép rồi đấy ạ.
Cũng tháng trước,ngồi nhà một người quen ở thôn Mãn Hòa Tân Châu trong lúc uống nước có người kể:
- Ở chỗ sông Hồng đoạn đò Đông Ninh - Phương Trù hôm trước nửa đêm công an tập kích bắt một toán hút cát trộm ban đêm,  những người ấy mạn Phú Thọ xuống hút
Chả biết thế nào?
Nhìn ngược lại về phía Phú Xuyên,bên ấy bờ bị lở người ta phải kè đá hẳn một đoạn sông:
- Thì thế, cứ hút cát ảnh hưởng đến luồng lạch lở là đương nhiên, nguồn lợi từ hút cát thì một nhóm người được hưởng, cơ mà lở bờ kè đá thì nhà nước chịu
( Biết thế mà chả làm được gì?)
---------
Nay đã là cuối tháng, hướng về biển giàn khoan Tàu nó vẫn chưa rút, cách đây cũng lâu, có một người quen người Quảng Bình, anh ấy về quê Lệ Thủy chơi, mới hỏi đùa anh ấy:
- Bao giờ bác ra?
Đáp lại anh ấy trả lời:
- Bao giờ giàn khoan Tầu nó rút.
Cứ như anh ấy nói thì anh ấy ở quê đến một tháng rồi ( Chả nhẽ gọi điện hỏi xem anh ấy đã ra chưa?)
Càng nghĩ càng thấy người Tầu họ đểu thật:
- Đúng hôm đưa tang cụ Giáp buổi trưa linh cữu Cụ lên máy bay để vào Quảng Bình, thì buổi chiều thủ tướng nước Tàu sang, nghe nói tay ấy sang để bàn về một số vấn đề ở Biển Đông, rằng thì là mà giải quyết mọi việc bằng biện pháp hòa bình, thế mà nay sau hơn nửa năm, nước Tàu cho giàn khoan sang ta ( Nghe bảo khoan dầu là phụ, cướp đất cướp biển mới là chính).
Từ bấy đến nay đã hơn 30 ngày rồi, ta đuổi mãi chả được.
Cứ miên man như thế, đò sang đến bờ bên kia mà vẫn chưa hết day dứt những câu chuyện về ngoài biển
--------
Đò cập bến,lên bờ, trời vẫn nắng là nắng, trước khi đi khuất hẳn bến đò,ngoái lại  nhìn ra giữa sông nơi những con tàu đang  hút cát lên xà lan để bán,mới thở dài:
- Trong đất liền, chính quyền có, lực lượng đủ mạnh mà ta vẫn chả chống được nạn cát tặc, thì chả biết ngoài biển khi ta yếu hơn họ, thì có phương cách gì hữu hiệu để ta chống lại lũ Khoan tặc với Dầu tặc Made in ChiNa hay không?
Giờ ,cũng như mọi người dân bình thường khác:
- Cũng mong lắm sự ủng hộ và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế  cho đất nước nhỏ bé của chúng ta trong thời khắc thật sự khó khăn này.

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Chuyện viết trong lúc đi đường.

Sáng sáng, trên những bến đò từ bên kia sang bên này sông có thể là bến đò Dương Vạn Phúc, đò Sâm Thắng Lợi Hồng Vân, đò Phương Trù Chương Dương hoặc Năm Mẫu An Cảnh thường thấy người bên bờ bên kia sang bên này sông nhiều hơn những người đi về phía ngược lại, phần nhiều  thấy người ta chở cây cảnh, chuối xanh, cũng có người xe máy sang bên này sông mà không chở gì, mỗi người mỗi việc, chả ai có thể biết họ sang bên này sông bán những cây cảnh,hoặc buồng chuối xanh ở đâu? Cũng không ai biết những người chả chở gì đằng sau xe kiếm sống bên này sông bằng cách gì?
----------
Trên đoạn đường quốc lộ 1 cũ gần đường rẽ vào chùa Đậu thời gian gần đây hay gặp những người đàn ông, đàn bà bán mít rong, gọi là bán mít rong vì gánh hàng của họ chất vừa đủ một chiếc xe máy, đồ lề của họ bao gồm một chiếc xe máy có giá buộc dăm quả mít, một tấm gỗ vuông để bổ mít, một chiếc mâm có lồng bàn,hoặc một cái hộp bằng kính bên trong chứa những múi mít đã bóc, cũng có người còn buộc theo xe một cái ô để che nắng. thực khách của họ là những người dân chạy xe trên quốc lộ 1 và những người dân ở xã Nguyễn Trãi lối vào Chùa Đậu.
Có nhẽ ở đây cũng bán được hàng nên trước chỉ thấy có một hoặc hai người bán nay có đến năm sáu người bán.
Một lần ăn cơm trưa ở thị trấn Thường Tín rồi chạy về thôn Đình Tổ qua hàng mít thấy người bán vẫn đứng chờ khách mua giữa trưa mới dừng lại mua mấy chục nghìn mít về ăn, trong lúc mua thấy cái biển số xe máy có hai số đầu là 89 mới biết người bán là người ở  bên kia sông mà  vẫn thường  gặp trên các chuyến đò sớm mỗi dịp  sang bên ấy.
Mấy nay đi qua hàng mít, vội nên không dừng lại để mua được,nhưng vẫn nhìn biển số đăng ký của những người bán mít rong cũng là những biển số có hai chữ số đầu là 89
- Thôi thì chả biết họ bán chuối xanh ở đâu, cây cảnh ở đâu nhưng biết một chỗ là tại ngã ba quốc lộ 1 là chỗ những người Hưng Yên ở bên kia sông sang bên này bán mít.
Thi thoảng vào nhà ai đó bên kia sông, có thể là một lời hỏi thăm gia cảnh với người mới quen khi uống chén nước trà, rồi nghe đươc một câu trả nhời rằng:
- Các cháu nhà tôi nó làm ăn bên Hà Nội
Thì đấy:
- Ở đằng kia, qua đò Phương Trù đi ra đến Thường Tín quẹo về phía nam một tý đường cũng đã là đất Hà Nội rồi.