Trang

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Chuyện viết trong lúc đi đường.

Sáng sáng, trên những bến đò từ bên kia sang bên này sông có thể là bến đò Dương Vạn Phúc, đò Sâm Thắng Lợi Hồng Vân, đò Phương Trù Chương Dương hoặc Năm Mẫu An Cảnh thường thấy người bên bờ bên kia sang bên này sông nhiều hơn những người đi về phía ngược lại, phần nhiều  thấy người ta chở cây cảnh, chuối xanh, cũng có người xe máy sang bên này sông mà không chở gì, mỗi người mỗi việc, chả ai có thể biết họ sang bên này sông bán những cây cảnh,hoặc buồng chuối xanh ở đâu? Cũng không ai biết những người chả chở gì đằng sau xe kiếm sống bên này sông bằng cách gì?
----------
Trên đoạn đường quốc lộ 1 cũ gần đường rẽ vào chùa Đậu thời gian gần đây hay gặp những người đàn ông, đàn bà bán mít rong, gọi là bán mít rong vì gánh hàng của họ chất vừa đủ một chiếc xe máy, đồ lề của họ bao gồm một chiếc xe máy có giá buộc dăm quả mít, một tấm gỗ vuông để bổ mít, một chiếc mâm có lồng bàn,hoặc một cái hộp bằng kính bên trong chứa những múi mít đã bóc, cũng có người còn buộc theo xe một cái ô để che nắng. thực khách của họ là những người dân chạy xe trên quốc lộ 1 và những người dân ở xã Nguyễn Trãi lối vào Chùa Đậu.
Có nhẽ ở đây cũng bán được hàng nên trước chỉ thấy có một hoặc hai người bán nay có đến năm sáu người bán.
Một lần ăn cơm trưa ở thị trấn Thường Tín rồi chạy về thôn Đình Tổ qua hàng mít thấy người bán vẫn đứng chờ khách mua giữa trưa mới dừng lại mua mấy chục nghìn mít về ăn, trong lúc mua thấy cái biển số xe máy có hai số đầu là 89 mới biết người bán là người ở  bên kia sông mà  vẫn thường  gặp trên các chuyến đò sớm mỗi dịp  sang bên ấy.
Mấy nay đi qua hàng mít, vội nên không dừng lại để mua được,nhưng vẫn nhìn biển số đăng ký của những người bán mít rong cũng là những biển số có hai chữ số đầu là 89
- Thôi thì chả biết họ bán chuối xanh ở đâu, cây cảnh ở đâu nhưng biết một chỗ là tại ngã ba quốc lộ 1 là chỗ những người Hưng Yên ở bên kia sông sang bên này bán mít.
Thi thoảng vào nhà ai đó bên kia sông, có thể là một lời hỏi thăm gia cảnh với người mới quen khi uống chén nước trà, rồi nghe đươc một câu trả nhời rằng:
- Các cháu nhà tôi nó làm ăn bên Hà Nội
Thì đấy:
- Ở đằng kia, qua đò Phương Trù đi ra đến Thường Tín quẹo về phía nam một tý đường cũng đã là đất Hà Nội rồi.

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Đền Sòng Sơn và cô Tình đeo một trăm cây vàng.


Sơn La nóng là thế  mà về đến Hà Nội mưa sụt sùi, sáng lăn trên giường xuống dưới đất ra bến xe Giáp Bát đi Bỉm Sơn, lên xe thằng phụ xe thu tiền ngay và khóa cửa luôn, thế là không kịp mua gì nhét bụng mặc dù xe nó nổ máy ở đấy gần tiếng.
Xe chạy nó đua với các xe khác để tranh khách, rồi cũng đến Bỉm Sơn
Làm việc xong, chú em nhắn tin trên điện thoại :
- Anh xong việc bảo chúng nó đưa đi Đền Sòng Sơn mà lễ, ở đấy thiêng lắm.
Mới hỏi lại:
- Thiêng thế nào?  Chú có đi không?
Lại đọc được tin nhắn
- Dân Hà Nội vào lễ đầy mà,  em ở nhà ngày rằm mồng 1 là đi,em đi vắng thì vợ em đi
Thì đi, sáng định chiều về sớm vào chơi chú em ở Ninh Bình rồi rẽ vào Bái Đính, mà như thế này thì không định được nữa rồi.
Cơm xong, nước nôi rồi ra đền Sòng Sơn, đền ngay cạnh đường bên ngoài có cái cổng bằng đá thật to là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, mua công đức xong mới vào trong để lễ nhận thấy bên trong người xúm đông xúm đỏ,gian ngoài với gian trong người ta đang lên đồng, còn gian hậu cung có một đám người xì xụp khấn vái, ở gian ngoài hầu đồng là một người đàn bà ngoài 50 tuổi đương thay áo vàng,kiềng vàng mới vào nên không để ý hầu đồng đến giá thứ mấy
Gian trong là người đàn ông ngoài 60 tuổi đang vào giá ông Hoàng Mười nhún nhún giơ bó hương, đứng một lúc xem người đàn ông hầu đồng sang giá ông Hoàng Bảy, cũng giống như giá ông Hoàng Mười hua hương, múa kiếm gỗ, phi ngựa, lâu cũng xem hầu đồng ở đền Khương Đình (Gần nhà cũ) đến ông Hoàng Mười xóm chợ Củi thấy người đàn ông này múa cưng cứng.
Tự bảo:
- Mình mà múa thì dẻo hơn tay kia, cơ mà múa các em xồn xồn ngồi quanh đấy bu vào xem rồi chết ngạt
Khấn khứa đâu đấy rồi về
Chú em lại nhắn:
- Anh nhớ chụp cho em ảnh cô Tình đeo một trăm cây vàng bán đồ cúng lễ ở ngoài cổng đền Sòng em kể mà ở dưới này bọn thằng Hưng với thằng Kiên không tin
Vẽ chuyện, cứ vào Google mà tra có gì mà không tin? Bây giờ vô ý đánh cái ” Dắm to” lúc sau tra trên mạng là có ngay mà, đấy cái chuyện ngôi sao điện ảnh đã tắt từ lâu rồi giờ mỗi chuyện mất cái nhà mà họ chẳng tiếc giấy mực để mô tả còn gì nữa, ừ thì chụp.
Mới quay lại mấy hàng bán vàng mã và đồ thờ hỏi thăm mấy người bánh hàng:
-  Thưa chị, cho hỏi khí không phải, chẳng hay cửa hàng bán vàng mã đồ thờ nhà cô Tình đeo một trăm cây vàng ở đâu ạ
Theo cái hất hàm của một người bán, chạy ra đằng kia:
- Nàng đấy sinh năm 1973 mặc cái áo khoác mầu cam cổ rụt lại vì đeo quá nhiều vàng, ngồi cạnh một cô áo đỏ
Nhìn thấy chụp ảnh, nàng hỏi :
- Chụp gì? ( ý chừng có nhiều người chụp ảnh quá rồi)
Mới chống chế:
- Chụp để lần sau nhớ vào mua vàng mã thế thôi, cũng đếch dám thú nhận chụp cho thằng Hưng, thằng Kiên nó xem
Trên đường ngồi trên xe về Hà Nội, mới nghĩ bụng:
- Em ý chăm chỉ kiếm ăn, mặt mũi chả đến nỗi nào, của hồi môn cũng lắm cơ mà vẫn chửa có chồng, thôi tối về biên ra, biết đâu ai đó thấy hợp có địa chỉ đến để tìm hiểu, chứ tối về cơm nước xong, cái nhà em kia ngồi bỏ vàng ra đếm, chắc cũng chẳng vui gì.








Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Khau Vai

Thấm thoắt cũng mấy năm rồi chưa quay lại Khau Vai.
Cũng vẫn nhớ:
- Bây giờ đến Khau Vai dễ đi rồi,không còn heo hút nữa,từ Khau Vai đi xuống sông Nho Quế rồi ngược lên thượng nguồn có những ba nhà máy thủy điện của Bitexco. Khau Vai không còn hoang sơ như mọi người vẫn tưởng nữa, hôm nọ đăng lại một bài viết đã lâu ” Khau Vai trong một ngày không có phiên chợ” Em đọc và dẫn mấy câu thơ của nhà thơ Trần Hòa Bình,mới tìm bài thơ ấy và đọc lại, gặp lại những suy nghĩ của lứa tuổi 18,19 tưỏng chừng đã quên từ lâu:
“Nếu một mai mình không lấy được nhau
Em có đi tìm anh
Qua điệp trùng đá sắc
Những Khau Vai bầm dập dấu chân người?”
Mỉm cười,chả nhẽ viết ra tờ giấy đến trường mẫu giáo nào đó, rồi giúi vào tay bà nội đang đón cháu và nháy một bên mắt với người ấy rồi khẽ khàng :
- Đọc đi
Thì cũng là tưởng tượng như nhà thơ ( Người đã mất cách đây 6 năm vậy)
Nay một ngày đầu tháng ba, chợt nhớ chuyện hôm nọ, đọc lại bài thơ với mấy cái ảnh về Khau Vai mình chụp trong một ngày đầy nắng, cũng nhắc thầm với mình:
- Khi nào bố trí được lại một lần về với với Mèo Vạc và Khau Vai

Suối mơ.

Suối mơ.

Năm ấy, vùng Thạch Lâm - Thạch Thành chưa có con đường Hồ Chí Minh chạy qua như bây giờ, khi ấy nếu  ai đó muốn vào đến Thạch Lâm phải đi xe từ Hà Đông đi Yên Thủy, đến Lâm Hóa là địa bàn của huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình , rẽ tay phải rồi đi qua một cầu treo bắc qua con sông Bưởi, lại cứ  theo con đường đất có chỗ rải đá, có chỗ không ( người ta bảo đó là đường tắt của bộ đội ngày xưa huấn luyện mở mạn Tân Lạc Hòa Bình đi vào tây Thanh Hóa để đi B)  là vào đến Thạch Lâm Thạch Thành Thanh Hóa đi một tí nữa đến sông Ngang, tuy là đất Thanh Hóa nhưng đây lại là bìa rừng Cúc Phương . Bên trái đường gần xóm Ngoeo của người mường Thạch Lâm có một cái nhà nhỏ của mấy người gác rừng.
Xóm Ngoeo ta vừa nhắc đến ấy khi đó  có cỡ  chừng độ hai chục nóc nhà của người mường, ở đấy có  một lớp học dạy chữ  lớp 1 lớp 2 cho mấy đứa trẻ con trong xóm , tuy những người mường ở xóm Ngoeo họ trồng lúa, trồng ngô bên này sông Bưởi, nhưng  hàng ngày những người phụ nữ thưởng lội qua sông Bưởi vào rừng Cúc Phương để chặt chuối rừng mang về cho lợn ăn , khi lội quay về, họ tranh thủ tắm ngay giữa suối trước khi họ vác thân chuối về nhà.
-------------
Ở xóm Ngoeo thời ấy cũng có một đội công nhân đóng quân ở đấy, họ đổ bê tông để làm mấy mố cột điện được chôn ở bìa rừng,mỗi lần đúc móng cột điện cánh công nhân phải sang bên kia suối làm sớm.
Có một lần cánh công nhân ấy phải đi đổ bê tông từ sáng sớm, hôm ấy vào lại vào ngày hè, họ làm từ 5 h sáng đến 10 h sáng là đã mệt lắm rồi, ở vùng này 10 h trưa nắng cũng đã oi lắm.Đúng vào lúc nghỉ trưa, anh kỹ sư làm ở đấy cùng với một cậu công nhân ra bờ suối ngồi dưới lùm cây cho mát, cũng lúc ấy, ở bên bờ bên kia có hai cô gái trẻ là giáo viên của lớp học ở xóm Ngoeo ra bên bờ suối, hai cô định làm gì đó rồi cứ đứng nhìn sang bờ bên này,nơi có anh kỹ sư và cậu công nhân đang ngồi tránh nắng. Như hiểu ra anh kỹ sư bảo cậu kia:
- Ra chỗ khác đi cậu ạ, mấy cô kia cũng đang muốn tắm cho mát
Cậu công nhân kia ngoan cố:
- Kệ anh ạ, cứ để xem hai cô kia làm gì ?
Chờ một lúc lâu không được, hai cô đỏ mặt nhìn nhau, thế rồi họ quay lưng lại, cởi hết áo sống, rồi cứ thế lùi dần xuống suối cho nước ngập đến tận cổ.
Tối về, sau khi cơm nước xong anh kỹ sư với cậu công nhân tắt nến đi ngủ sớm, nửa đêm bỗng anh kỹ sư tỉnh giấc, cậu công nhân quàng tay qua người anh:
- Anh ơi, như là em sốt ấy.
Anh kỹ sư sờ tay lên trán cậu công nhân nhẹ nhàng:
- Sốt đâu mà sốt?
Lại nghe cậu công nhân thì thầm:
- Cơ mà em nhớ vợ em lắm.
Từ đấy cho đến sáng, anh kỹ sư cũng  không ngủ được.
- Chả nhẽ cái thân hình trần như nhộng được nhìn thấy từ đằng sau của hai cô giáo người mường đi  giật lùi xuống suối để tắm  lúc ban trưa lại ám ảnh đến như thế hay sao?
Nhâm nhẩm tính, anh kỹ sư chợt buông tiếng thở dài:
- Chà hơn ba tháng rồi vẫn chưa về thăm vợ con được lấy một lần.
Rồi anh thiếp đi, để lại trong thực tại  tiếng nước chảy róc rách của con sông Bưởi bên cạnh nhà, trong giấc ngủ chập chờn của anh vẫn văng vẳng đâu đó  lời cô thanh nữ dường như vừa tắm dưới sông Bưỏi vừa  hát bài hát " Suối mơ” đã được  nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ thật lâu lắm rồi.
"Suối mơ...
Bên rừng thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Chả có tiền thì chắc là cũng chả có lễ hội, có rước kiệu và nhờn môi đâu nhỉ?

Tháng ba âm, đầu tháng mưa lất phất kèm với rét, từ bên kia cầu Vĩnh Tuy chỗ Cự Khối đi về đến tận Phương Trù Tứ Dân huyện Khoái những ngày này cứ một đoạn lại gặp ven đê những ngôi đình có cắm cờ ngũ sắc, nơi họ còn treo khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng  "Chào mừng quí khách về lễ hội truyền thống quê hương” dưới đình họ mang kiệu từ hậu cung ra sắp đâu vào đấy, quanh đấy họ kê rạp chuẩn bị nấu cỗ, liền ông người thì mặc quần áo quan đội mũ cánh chuồn đi hia,người thì mặc áo xanh đội mũ xanh đi guốc mộc, người thì khăn xếp áo the ,liền bà người thì mặc áo vàng đội kiềng vàng, người thì mặc áo xanh vấn khăn
Lế hội chắc ở đâu cũng giống nhau, đầu tiên là thắp hương, khấn vái đọc sớ ở đình,rồi rước kiệu sang chùa, đi trước kiệu là những người cầm cờ ngũ sắc, rồi đến thanh niên kéo cái xe cải tiến gõ trống, rồi đoàn người cầm binh khí bằng gỗ gươm đao giáo mác, rồi đến những người khiêng kiệu, có nơi họ chỉ rước từ Đình sang Chùa, cũng có nơi họ rước quanh thôn, rồi cũng rước cả rồng nữa
Tháng ba ở nhà quê cấy xong chả có việc gì,những ngày hội thế này đông và vui đáo để
Tôi sang Năm Mẫu Tứ Dân vào một ngày tháng ba như thế, hôm ấy là lễ hội ở Năm Mẫu và Phương Trù, tôi gặp dòng người rước kiệu từ đền Ngự Dội đi quanh thôn Năm Mẫu rồi lên đê qua Mạn Xuyên ,Tây Trù đến Phương Trù. Mưa đường nhầy nhụa đất mà cả ba ngày lễ hội ngày nào cũng đông người đi dự, người đi xem cũng đông, tôi cũng gặp trên đò sông Hồng các cháu học sinh lớp tám lớp chín bên xã Tự Nhiên Thường Tín cũng sang để xem.
Mấy tay ở xa đến xem rồi kể với tôi:
- Gớm Thánh Nhập vào đám khiêng kiệu bác ợ, họ chạy băng băng xuống bãi lao cả xuống sông Hồng, cả đám người chạy theo sau để giữ kiệu chạy theo mà chả được, lao hẳn xuống sông nước lút đầu kiệu quay quay mà người khiêng chả làm sao.
Tôi nghe đến đấy mới buột mồm:
- Thế á
Người kia tiếp:
- Vâng đám khiêng kiệu như là bị nhập đồng ấy.
Thì đấy,trên đường tôi đi từ chỗ UBND xã Tứ Dân đến đền Ngự Dội tôi vẫn nhìn thấy những người đàn bà áo vàng quần trắng đi ủng cao su, các cô gái má hồng mặc quần bò đi ủng khóac cái áo tứ thân khiêng kiệu, mấy đứa thanh niên quần bò áo trắng khoác cái áo lính lệ (  giống quân tốt đỏ trong bộ tam cúc) đi rước kiệu trên con đường nhầy nhụa đấy thôi.
Hôm qua tôi nói chuyện với mấy ông già trong vườn chuối ở thôn Năm Mẫu về lế hội ngày hôm kia, tôi nghe được rằng:
- Lễ hội năm nay, mỗi khẩu đóng hai trăm cò, nhà sáu người đóng một triệu hai
Tôi hỏi lại:
- Tính suất đinh thôi hay cả liền ông liền bà
Họ trả nhời:
- Tính cả.
Chiều nay trên đò sông Hồng từ thôn Năm Mẫu sang An Cảnh,trên đò có mấy người chở chuối xanh sang bên kia sông, tôi mới nói chuyện với họ, và biết được rằng:
- Qua tết giá một buồng chuối như trước tết khoảng hai tháng, năm mươi cò một buồng như tôi đã mua, nhìn những buồng chuối buộc sau xe máy,tôi mới nhẩm một khẩu đóng lễ hội qui ra chuối là bốn buồng
một nhà sáu người đóng tiền lễ hội là hai mươi bốn buồng chuối
Vẫn nhớ tôi cũng hỏi họ rằng:
- Vậy mỗi khẩu đóng hai trăm cò thì ai cũng được nhờn môi chứ?
Cái người đàn ông hôm kia giải thích rằng:
- Không, là chỉ những người khiêng kiệu với cầm cờ gõ trống được nhờn môi thôi..
Thì ra thế
Tôi ngắm nhìn những người đàn ông qua đò đi bán chuối sau mùa lễ hội, ngắm những buồng chuối xanh giá 50 cò một buồng.
Tự dưng tôi muốn thở ra rằng:
- Cơ mà chả có tiền thì chắc là cũng chả có lễ hội, có rước kiệu và nhờn môi đâu nhỉ?
Bố khỉ thế mà ,ngày xưa, lúc tôi mới nhớn cứ nói gì liên quan đến năm xu một hào, người ta cứ bĩu môi mà dè bỉu rằng:
- Ư toàn nói chuyện  vật chất tầm thường..


Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Quán bún ở gần chợ .

Quán là một phần được vẩy thêm ra từ mặt chính ngôi nhà sát đường gần ngã tư rẽ vào chợ (Gọi là vẩy là vì họ xây một bức tường thấp, gác mấy cây tre lên bức tường ấy một đầu vào tường,một đầu vào tường nhà mặt chính rồi lợp phi bờ rô lên ), vợ chồng chủ quán chừng ngoài 50.Thực khách ăn hàng sáng chủ yếu là những người buôn và bán hành từ sớm. Vì là bán cho những người chủ yếu là lao động chân tay nên những thức quán bán buổi sáng cũng chẳng có gì cầu kỳ, tiết canh, bánh đa cua, bún, mì, và phở . Chỉ có bánh đa cua là nấu hơi khác, bánh đa được trần rồi chan nước riêu cua,mấy miếng đậu phụ rán thái nhỏ, thêm mấy miếng chả, cũng có khi họ cho chả như ta rán thịt quấn lá lốt vào, rau sống xà lách, thân chuối để trong cái bát trên bàn, còn thì phở,bún,mì cũng cùng một nồi nước dùng, ai muốn ăn phở bò, họ chan nước ấy trần tý thịt bò là phở bò, còn bún hay mỳ đa thì cũng nước ấy cho thêm mấy miếng thịt lợn ,mấy miếng chả thịt lợn tý rau sống giá vào là được một bát phục vụ khách. Ai mới vào ăn lần đầu thì cũng thấy là lạ, ở đây thực khách họ ăn mỳ,bánh đa,bún phở thường đập vào đấy một hai quả trứng vịt lộn đã luộc. Bắt chước dân địa phương, có thể người ấy nay xơi bát bún, kia bát mỳ,kìa bát phở , và lần nào cũng không quên bảo chủ quán cho vào đấy một quả trứng vịt lộn. Xơi xong, cắm cái tăm vào mồm trả cho chủ quán mười lăm cò tiền bữa sáng, nghe được câu PR của chủ quán rằng ở đây thức ăn sáng giá rất chi là bình dân. Có thể người ấy cũng phân biệt ra ở nơi nhà quê ấy khác chốn thị thành là những thứ đưa vào dạ dày lúc ban sáng ấy, chưa cần đến thật là ngon,cầu kỳ mà chỉ là đủ để cho những em gái ,em giai, chị xồn xồn ,anh trung niên lại sức để đến mai lại dậy sớm ra chợ. Âm ấm cái bụng rồi có thế ai đó chửa vội vàng mà đi, bước sang cửa hàng bán nước chè bên cạnh làm cốc nước chè nóng giá hai cò,nghển mặt ra đường ngó người ta vừa cân hành, vừa nói chuyện thời giá. - Ừ mà biết đâu đấy, sau bát bún có trứng vịt lộn, cốc nước chè , trong lúc nghển cổ ngó ra đường lại hóng hớt được câu chuyện về một ai đó hay thật là hay. Sáng nay ở chốn thị thành, xơi bát phở sáng 30 cò, rồi tạt qua quán cà fê, vừa nhâm nhi cốc cà fê ngó qua cửa kính nhìn những người lên lên xuống xuống xe buýt, nhớ đến khung cảnh quán quà sáng ở gần chợ nơi chốn quê: - Chả biết hôm nay ở đấy, có còn cô thanh nữ chưa chồng buôn hành rẽ vào đấy, sau khi xơi hết một bát tiết canh và bát bún tướng , cười hể hả rồi chém gió chuyện trong làng ngoài xóm 
( Đếch phải chuyện xứ U cờ ren và Cờ rưm mà trên ti vi họ vẫn nhắc hàng tối trên màn hình ) với những thực khách quen hay không?

Khau vai trong một ngày không có phiên chợ

Lâu rồi tôi có viết một bài viết về SaPa trong đấy có một đoạn tôi kể sơ sơ chợ tình SaPa, đọc xong có một nhà báo nói với tôi : 
-Bây giờ chợ tình SaPa thương mại hóa rồi, du lịch phát triển đồng nghĩa với sự thay đổi,vui buồn lẫn lộn. Một nhà báo ở Tuyên Quang lại bảo: - Nếu là chợ tình,nguyên sơ và bản sắc chỉ còn ở Khau Vai Mèo Vạc Hà Giang.Phiên chợ ấy một năm ngày 27/3âm lịch hàng năm. Tôi có dự định thế nào cũng sang Khau Vai một lần… Tôi đã kể với ai đó:
 - Tôi thường đi bên này của bờ sông Nho Quế (Trên đất Bảo Lâm-Cao Bằng) bên kia sông là Mèo Vạc - Hà Giang là xã Khau Vai, những lần tôi đi vào đến Lũng Mần,mấy đứa công nhân có vẻ hiểu biết chỉ cho tôi thấy,trên một quả đồi cao có mấy nóc nhà rồi nó bảo xa xa kia là Khau Vai đấy,tôi nhìn con đường mờ mờ ven những dãy núi đá,tôi hỏi:
 - Con đường ấy dẫn đi đâu nhỉ? 
Đứa khác trả lời:
 - Đó là con đường dẫn vào thủy điện.( Sau này tôi mới biết, đó là con đường đá chạy ra thị trấn Mèo Vạc Hà Giang) Những gì tôi biết về Khau Vai cũng là đứng từ xa ngó lại như thế. 
Hôm vừa rồi, vào một ngày mùa thu trời nắng ,tự dưng tôi chợt có ý định sang bên Hà Giang xem xã Khau Vai mà tôi từng được nghe trong các câu chuyện kể như thế nào? Tôi mượn xe máy của cậu chủ quán cơm tên là Lưu ở thị trấn Bảo Lạc, tôi đi 40 km đường liên xã qua Thượng Hà,Cốc Pàng,Đức Hạnh đến điểm trưởng tiểu học Chè Lỳ tôi men xuống sông Nho Quế qua mảng và đi lên xã Khau Vai. Từ dưới bờ sông đi lên,trung tâm xã Khau Vai chỉ có mấy dãy nhà cấp 4 của dân ven đường,có một ngôi trường hai tầng dành cho học sinh nội trú của xã Khau Vai. Tôi vào chợ Khau Vai, hôm ấy không phải phiên chợ,chỉ có một hàng thịt lợn với mấy người dân đứng xung quanh,tôi hỏi một người: 
- Hôm 27/3 âm lịch người ta họp chợ tình ở đâu hở bác? 
Người ta trả lời:
 - Ở đây và ở trên kia trên ấy cũng có chợ và một ngôi nhà gỗ hai tầng nữa. Tôi đi xe máy lên trên đó, ở đấy người ta đương xây kè để giữ địa điểm là nơi có chợ tình họp cho khỏi sụt lở đất vì mưa gió. Tôi ngắm những ngôi nhà,nhìn thấy ven đường trước sân người ta phơi những củ cây rừng giống như những củ,những rễ cây mà tôi nhìn thấy hôm ở cột mốc 535 mẹ con người San Chỉ mang bán cho người Trung Quốc ở bên kia biên giới. Tôi lạ lẫm nhìn những cháu bé ngồi chơi,những người dân đương đi địu thân cây ngô đã khô về để làm chất đốt. Lần đầu tiên tôi tận mắt thấy Khau Vai,thấy những con người ở đấy,nơi một năm ở đấy có một phiên chợ tình,mà rất nhiều nơi cho dù cuộc sống sung túc hơn,điều kiện sống tốt hơn mà không thể có được. Tôi cầm máy ảnh,ghi lại những khoảnh khắc tôi ở Khau Vai trong một ngày không có phiên chợ,một Khau Vai nổi tiếng trong văn trong thơ, rất nghèo nàn và thiếu thốn Vừa chụp ảnh tôi vừa tự hỏi mình: 
-Chả biết đến bao giờ..miền núi mới đuổi kịp miền xuôi đây? 

Nguyễn Minh Quang Khau Vai  28/10/2011