Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Mì tàu - 挂面

Mỳ Tàu.

Trước,cùng làm với tôi có một anh tên Dũng  sinh năm 1949 học khóa 4 Đại học Kỹ Thuật  Quân Sự ở Vĩnh Yên-Vĩnh Phú.Lúc còn chưa  đi bộ đội ,đang  học cấp 3 anh ấy học trường Nguyễn Văn Trỗi  tại Quế Lâm – Trung Quốc.
Một  lần vui vui ôn lại kỷ niệm thời bộ đội tôi  hỏi anh ấy :
-Anh còn nhớ tý nào tiếng tàu không?
Thay vì trả lời, anh lấy cái bút nguyệch ngoạc viết ra mấy chữ và đọc:
-中国人民 ,Zhōngguó rénmín, trung của dẩn mỉn
Tôi cười cười:
-Bố chỉ nhớ thế này thôi à?
Anh ấy gật đầu :
-Thế là khá đấy, ở đại học kỹ thuật quân sự 5 năm có học tiếng nga nhé thế mà lúc về Trung đoàn 139 của Bộ Tư Lệnh Thông Tin dịch chữ CCCP là “ Càng cho càng phá” hoặc là “ Các chú cứ phá” giờ còn nhớ mỗi câu Đa đa với Nhét nhét,mà tớ thường chỉ thích "Nhét"
-----------------
Năm 2008 Tôi  lên Cao Bằng  để thi công một công trình cho ngành Điện, vì công việc tôi vào đến tận Thôn Chè Lỳ- Đức Hạnh- Bảo Lâm bên bờ sông Nho Quế mà bên kia là xã Khau Vai có nhà máy thủy điện Bitexco Nho Quế 3.
Một hôm vào tầm 9 h sáng, trong lúc đi từ Chè Lỳ ra Cốc Pàng , tôi gặp  hai cha con người H’mông ( Người cha tầm 30 tuổi, cháu gái khỏang 13 tuổi )  đi tắt  từ trên núi xuống, mỗi người đeo trên lưng một cái gùi bằng tre đan .
Tò mò tôi  hỏi:
-Hai bố con đi đâu về  đấy?
Họ trả lời tôi bằng tiếng kinh lơ lớ tiếng H'mông  :
- Chúng tôi  Chợ Cốc Pàng về .
Nói chuyện một lúc tôi biết họ đi từ Chè Lỳ ra chợ Cốc Pàng  từ 4 h sáng, liếc vào trong gùi tôi thấy  mỗi bố con gùi một hộp các tông có in chữ tàu
Tôi  lại hỏi:
- Anh  mua cái gì thế?
Họ trả nhời :
-Quả hiên ..
Nghe chả rõ tôi hỏi lại :
- Cái gì đó ạ?
Lại nghe:
-Bún tàu 挂面 Guàmiàn
Ôi giời Tôi tiếp
-Thế mua bao nhiêu tiền một hộp
và biết được rằng một hộp bún Tàu có giá 160 nghìn. Tôi chợt nghĩ:
- Hộp bún tàu  đắt hơm hộp mì tôm "Hảo hảo"  bán ở chợ đây, nhà sản xuất  không quan tâm đến khẩu vị bà con ở vùng biên nên trên này dân sát biên giới họ toàn ăn bún Tàu,với lại mấy nhà máy sản xuất mỳ ở ta cứ sản xuất để cứu trợ bão lụt cũng đủ lãi rồi,cần quái gì nghiên cứu thị trường với sở thích của bà con vùng biên giới ?
Chiều về lại qua chợ  Cốc Pàng, nhớ đến cảnh bố con người H’mông đi chợ đằng sau gùi hai hộp bún khô Trung Quốc, tôi mới hỏi thằng cháu:
-Bún ấy ăn có ra gì không?
Thằng kia bảo:
-Chán lắm chú ạ mà chú có thích cháu nấu cho chú một bát.
Tôi lắc đầu:
- Thôi nhỡ nó lại có cài gì ở trong ấy.
Đứa cháu đi cùng im lặng, có nhẽ nó cũng nghĩ như mình:
- Dùng hàng Việt là yêu nước cũng nên?

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Gớm, gần đến 49 ngày rồi mà giàn Khoan Tầu nó chửa rút.

Vẫn nhớ.
Đầu tháng 4 âm lịch, ông anh họ ( Đằng ngoại ) ở quê ( Vân Canh - Hòai Đức - Hà Tây ) mất, ngày 01/ 04 âm lịch, xuống chợ mua đồ lễ thắp hương sau đó đi viếng đám ma anh ấy. Ba  ngày sau, báo chí  đăng tin : - Khựa đưa giàn Khoan vào biển của ta hút dầu.
Ta cho thuyền vác loa ra đuổi nó chẳng chạy,lại quay lại húc tầu ta thủng nhiều lỗ,  giờ nếu ta vác loa ra a lô đuổi nó,nó quay lại húc thì ta quay đầu chạy ( Yếu hơn biết làm thế nào?)
Qua ngồi ở Lãnh Điển Đại Tập, nói chuyện giàn khoan với thằng Cháu ,chỉ ra cái ao cá bảo:
- Bây giờ cái ao cá kia, có đứa ở thị trấn Khoái Châu nó nhận của nó, nó làm lều đây luôn, mình ra đuổi nó đánh thì thế nào nhỉ?
Thằng cháu bảo:
- Ở ta chỉ có đầu gấu với xã hội đen làm như thế.
Mới bảo thằng cháu:
- Vậy trên thế giới Khựa hành xử khác chó gì xã hội đen ? Cơ mà nó là xã hội đen thì khó có ai làm gì được nó..
Nay rằm, xuống chợ mua hoa về thắp hương, nhớ đến hôm kia vợ ông anh họ gọi điện báo:
- Thứ sáu ngày 16/ 5 âm lịch gia đình cúng 49 ngày anh Kim ở quê, chú về nhá.
Thời gian  49 ngày đủ cho người chết ở trần gian đi 7 cửa âm ty xuống đến địa ngục rồi.
Thế mà ở ngoài biển
- Cũng gần đến 49 ngày (43) rồi, họ bảo ngoài ấy mấy nay có sóng to mà giàn khoan Khựa vẫn chửa rút.
Thế mới biết:
- Dây vào bọn đầu gấu với xã hội đen của thế giới như nhà anh Khựa ( hàng xóm) mệt thật. 49 ngày đến nơi rồi mà nó cứ ỳ ra đấy, có thấy suy chuyển gì đâu?

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Cơm rượu.

Năm 1984 tôi làm đại đội phó đại đội 211 ( nguyên là đại đội Cao xạ pháo thành lập năm 1967 tại Hòn Gay Quảng Ninh, vì chiến công chống trả máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại nên trước đó đại đội do tôi làm đại đội phó đã hai lần được phong tặng danh hiệu ” Đơn vị anh hùng”)
Đại đội tôi hồi ấy có một nhân viên thống kê, một nhân viên liên lạc, đến giờ tôi vẫn nhớ nhân viên thống kê tên là Tường sinh năm 1962 đã tốt nghiệp trường công nhân kỹ thuật Việt Hung ở Sơn Tây, còn nhân viên liên lạc tên là Dũng sinh năm 1964 đi bộ đội năm 1982 nhà ở Ngõ Trại Găng Tân Mai Hai Bà Trưng Hà Nội.
Thời bấy giờ chúng ta chưa bình thường hóa quan hệ với nước Trung Quốc nên kinh tế còn khó khăn và đói kém lắm, chúng tôi là sĩ quan chưa vợ nhưng cứ nghĩ trong bụng rằng:
- Lương thế này không đủ, mà có vợ có con thì nuôi ra làm sao?
Lại nói về cậu liên lạc đơn vị tôi tên là Dũng, ngày ấy cứ sau công việc tôi thấy Dũng cứ mang những quyển sách Toán Lý Hóa lớp 10 ra đọc, em bảo với tôi:
- Sau khi ra quân em cố thi đại học anh ạ.
Tôi gật đầu và nói với em cố lên, cũng nhiều người hết nghĩa vụ đỗ đại học đấy, mà bộ đội xuất ngũ thi đại học nghe nói được ưu tiên những một điểm rưỡi cơ đấy, vẫn nhớ em nhìn tôi cười, cặp mắt sáng lên những hy vọng.
Những năm ấy, đại đội tôi có bếp riêng, đến bữa thay vì vác bát xuống nhà ăn Dũng xuống bếp lấy cơm về mấy anh em ăn ở nhà đại đội, cơm thì có thức ăn thì thiếu, nên cơm thừa cũng nhiều, trong đại đội có anh quê ở nông thôn mang chỗ cơm ấy ra phơi, khô cho vào túi để chờ đến khi nghỉ phép mang về quê cho vợ con nuôi lợn. Có hôm tôi thấy Dũng mang mấy cái ống tre mang ra suối vào buổi tối,rồi hôm sau nhấc về, mấy anh em tôi được bữa lươn ngon nhớ đến bây giờ.
Một lần tôi thấy em ủ tấm ni lông vào một cái chậu cơm, tò mò tôi mới hỏi:
- Em làm gì đấy?
Em trả lời:
- Em ủ rượu anh ạ
Lúc sau tôi mới biết là em ra chợ mua men rượu, về bẻ ra trộn với cơm nguội chúng tôi ăn thừa, rồi bọc miệng bằng tấm ni lông trắng.
Làm cán bộ đại đội như tôi hồi ấy cũng chả khác gì con mọn, mang tiếng cán bộ có bốn người mà đi học, đi phép, đi viện có những tháng chỉ có mình tôi trực đơn vị, giao ban giao bệ việc này việc kia tôi cũng chả nhớ cái vụ ủ cơm rượu của cậu thống kê đại đội tôi nữa.
Mấy hôm sau, vào buổi chiều khi tôi đi giao ban tiểu đoàn về, Dũng bưng cho tôi một bát cơm rượu:
- Anh ăn đi này
Tôi ngạc nhiên:
- Sao không để nấu mà lại ăn?
Dũng bảo:
- Trộn đường ngon phết anh ạ.
Nghe lời Dũng tôi cũng mang bát cơm rượu ấy trộn đường:
- Quả thật ngon như rượu nếp ngày xưa thi thoảng tôi vẫn được ăn ( mà chả nhớ là hồi ấy ai đã mua cho tôi ăn nữa)
——————-
Sau này tôi chuyển lên trung đoàn,rồi Dũng ra quân, anh em tôi không gặp nhau nữa. Năm 1989 Quân đội thay đổi biên chế, tôi ra khỏi quân đội, vẫn nhớ năm ấy, sau khi về địa phương, có một hôm tôi đến ngõ Trại Găng Tân Mai tìm nhà Dũng nhưng khi hỏi chẳng ai biết nhà Dũng ở đâu ( có người bảo hình như nhà em chuyển đi rồi) lúc quay về tôi cứ băn khoăn:
- Không biết em có thi được vào trường đại học Bách Khoa như em mơ ước hay không?
—————–
Nay một ngày thứ bảy ( là ngày được nghỉ hiếm hoi trong cuộc đời làm thuê cuốc mướn sau khi ra quân của tôi ) buổi sáng tôi xuống chợ mua thức ăn, và một chùm vải để về thắp hương trên bàn thờ bố tôi ( Mùa này là mùa vải) thắp hương xong tôi mới hạ chùm vải xuống, lấy cái bát xúc một ít rượu nếp vợ tôi mua hôm nọ hôm tết,thấy nhạt tôi mới lấy mấy thừa đường xúc vào bát, thế là chuyện cơm rượu và những ký ức về chú em thống kê thời tôi làm cán bộ đại đội một thời xưa ùa về.
- Quãng thời gian cách đây đã 30 năm rồi, vừa đủ thời gian cho một người được đi làm và đến lúc nhận được sổ hưu.
Và có một điều tôi chắc chắn là
- Cho dù thế nào cuộc đời vẫn rất nhiều men say và ngọt ngào,giống như bát rượu nếp cho thêm đường và chùm vải chín mà tôi mới mua lúc ban sáng ở trên bàn đó kia.

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Mùa sen.

Ngồi trên xe khách  trên đường quốc lộ 5, vén rèm nhìn qua cửa kính ngó sang bên đường bắt gặp những đầm sen nở rộ, cứ tầm tháng này khi lúa ngoài đồng đã chín vàng, hoa sen lại nở trên những cái đầm hiếm hoi chen giữa những thảm lúa vàng
Vài năm trước,biết đến những bức ảnh đẹp  với hoa sen của một cháu gái học trường đại học văn hóa chụp ở hồ Tây, mới nhận ra rằng:
- Phụ nữ đã đẹp, mà  chụp với hoa sen trông  càng đẹp hơn.
Cách đây mấy hôm, trong một ngày nắng, được ngó bình hoa sen của một cô giáo dậy cấp 3 người Sài Sơn,ngắm ảnh tưởng tượng ra mùi thơm của hoa sen ngào ngạt.
Đôi khi nhớ lại ngày xưa:
- Nắng này, trốn máy bay Mỹ không chạy xuống hầm mà chui vào gầm mấy pho tượng phật ở trong chùa  trong tiếng máy bay gầm rú, thấy mát mát và mùi hoa sen với mùi hương thật là dễ chịu chả biết thế nào là cảm giác sợ hãi.
Cuối mùa sen năm ngoái, ra đồng nhìn thấy bông hoa sen nở muộn, nhớ đến chuyện tình của Phương bác sí bệnh viện sư đoàn với Hải sĩ quan dưới quyền,mới lấy bút viết ra một tý chữ . Không hiểu có tý nào đồng cảm hay không tay buôn gạch Thạch Bàn người Hàng Bông xem xong gật gật cái đầu bảo được.
Mùa sen này, chưa nghĩ đến chuyện gì để viết, bởi vì ngoài công việc chỉ ám ảnh mỗi chuyện giàn khoan của Tầu ( Cũng chả biết đến mùa sen nếu hôm qua không nhìn thấy hoa sen nở một cái đầm ven đường)
Đóng rèm cửa xe,nhắm mắt và thư giãn, dường như quanh đây đâu đó có mùi hoa sen nhè nhẹ,mà không biết có phải là mùi hoa bay ra từ bó hoa sen của cháu gái học trường Đại học Văn Hóa,hay là từ mấy bông hoa sen trong bình hoa trên bàn của cô giáo người Sài Sơn.
- Thôi thì cứ ngửi mùi hương thơm quen đi vậy, mỗi năm chỉ có một dịp như thế này mà thôi.
Trong mấy phút hiếm hoi thế này, tạm thời không nhắc đến cái giàn khoan kẻ cướp và những mảnh gỗ văng ra từ tầu cá của ngư dân ta bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm nữa nhé.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Mùa gặt.

Tháng sáu ( Tháng năm âm lịch) nắng như đổ lửa, chạy xuống Thường Tín nhận ra cánh đồng lúa bên đường dân đang gặt lúa, họ mang máy tuốt ra vệ đường tuốt lúa,thóc cho vào bao mang về, hoặc phơi luôn,rơm vun đống để đốt, cũng có chỗ họ thuê máy gặt liên hợp vừa chạy vừa tuốt.
Đi đến chỗ mấy người đang gặt dừng lại hỏi:
- Vụ này thế nào bác?
Nghe trả lời :
- Chừng gần hai tạ
Lại tiếp:
- Có hơn năm ngoái không?
Một người trả lời:
- Chẳng hơn được.
Gần trưa mới đứng nói chuyện với một tay chủ đầm cá gần chỗ làm ( sinh năm 1959) tay ấy bảo:
- Bác ạ, nông dân tiếc ruộng thì làm thôi chứ, mỗi sào trừ giống má thuê mướn đi chỉ lãi có 200 ngàn / sào.
Thảo nào lúc ngoài ruộng,mấy người phụ nữ ca cẩm:
- Ý chỉ có công chức nhà nước là sướng thôi bác ạ, chứ nông dân khổ lắm
Ngậm tăm, chả dám nói gì, năm ngoái cũng vào vụ gặt này ở bến đò Phương Trù nghe một thằng cháu ca thán:
- Chú ơi, một sào lúa bây giờ chỉ ăn được có mấy bữa cỗ đám cưới.
Xưa mùa gặt vui lắm, học sinh đi cắt lúa cho hợp tác buổi trưa được cái bánh mỳ cặp thịt với tấm mía, sau ngày mùa về quê được ăn cơm toàn là gạo mới không độn, có mấy chục năm nay khác rồi
Chả thế mà hôm xưa thằng cháu cùng làm (người Thái Bình) kể :
- Nhà cháu giờ bỏ ruộng không cấy nữa, ai thích cấy để người ta cấy cho khỏi phí đất (Nhà nó có ba người đi làm công nhân, mỗi mẹ nó ở nhà).
Thời gian quay vòng,luân hồi mùa gặt lại đến, lúa má cũng như năm ngoái, một sào được 3-4-5 bao biết đến bao giờ mới giầu và mở mặt lên được khi cứ trông vào đất
Ngó ra phía mặt trời mọc ban sáng:
- Ngoài ấy giờ đang dậy sóng, ngỡ là có mỏ dầu để hút lên rồi bán cho thoát cảnh đói nghèo, thế mà  đứa hàng xóm ngang tàng , độc ác nó cho giàn khoan âm mưu hút bố nó mất, mà nó vừa to vừa giầu đuổi cả tháng chửa chuyển
Chợt nhận ra rằng:
- Mùa gặt này, kém vui,nóng nực và âu lo về cuộc sống hơn năm ngoái rất nhiều.




Tag Mùa gặt, giàn khoan Tàu, Thường Tín