Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Hôm nay, ngoài trời mưa xuân bay bay, nhưng không khí lạc quan và chứa nhiều hy vọng lắm

Ngày thơ Việt Nam là một ngày mà Hà Nội có mưa, buổi trưa tôi vào Văn Miếu nghe đọc thơ, tôi nhận thấy trong số người ngồi nghe đọc thơ có mấy nữ cựu chiến binh mặc bộ quần áo sĩ quan đời mới,đứng xem biểu diễn và nghe thơ một lúc, tôi ra ngoài,ở đó bất chợt tôi gặp một người đàn ôn mặc bộ lễ phục quân đội kiểu cũ, ngực đeo nhiều huân chương, đứng nói chuyện với bác ấy một lúc tôi được biết rằng:
– Trước bác ấy đang dậy học ở trường Trung cao cơ điện rồi đi bộ đội vào chiến trường, sau đó ra quân về dây học tiếp, là người yêu thơ và yêu mến quân đội, nhân ngày thơ bác ấy mặc bộ quần áo lễ phục quân đội đã cũ, ngực đeo huy chương để đi dự.
Chuyện trò xong tôi chào bác ấy ra về.
Đâu đây
Ngoài đường ấy, dường như còn văng vẳng những tứ thơ đã được nghe và được xem trong Văn Miếu, nhớ đến hình ảnh bác già mặc lễ phục sĩ quan , mấy cô cựu sĩ quan còn trẻ hơn mình ngước mắt lên trời khi các cháu gái mặc áo đỏ cầm bóng bay đỏ thả thơ.
Tôi nhoẻn miệng cười:
– Ngoài ngày 22/12, ngày 30/4 chúng tôi còn một ngày có thể mặc bộ quần áo sĩ quan quân đội nữa, ấy là ngày rằm tháng giêng và mặc bộ quần áo đó trong ngày thơ Việt Nam
Ngoài trời, mưa xuân bay bay, nhưng không khí lạc quan và chứa nhiều hy vọng lắm.

IMG_0016
IMG_0020
IMG_0024
IMG_0027
IMG_0043
IMG_0069

LẠI VIẾT TRONG MỘT NGÀY NẮNG Ở BÊN KIA SÔNG HỒNG.

Nay lại sang Khoái Châu làm việc, quá trưa về, đi trên con đường quen,nhớ:Hôm nọ chú em ở Quân khu 9 đưa vợ về ăn giỗ, cũng là về thăm mẹ chú ấy sau xuân, mới đèo bác giáo người Nam Định sang nhà chú ấy chơi, sau tết làm một chuyến sang sông đi du xuân với bác ấy, chứ vợ chồng bác ấy sau khi hưu,mấy đứa con nó trói chân trói tay vợ chồng bác ấy bằng cách vứt đứa cháu cho ông bà trông và đưa đi học ( Phì cười khi tay đồng hao nó ví con người ta cứ nhận xong sổ hưu là thành chó giữ nhà cho con cho cháu cả một lượt- Thằng ấy nói thật nhưng ví đểu quá.) Lúc đèo bác ấy đi từ bến đò Phương Trù đến dốc kênh Liên Khê, chỉ xuống phía tay phải bảo bác ấy:
– Dưới kia là đền Ngự Dội thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung đấy, Ngự Dội có nghĩa là nơi vua chúa tắm, theo truyện cổ tích thì chỗ ấy bọn hầu nữ nó quây màn cho công chúa Tiên Dung tắm, đúng chỗ Chử Đồng Tử chả có mảnh khố nào vùi cát để cho đỡ ngượng ( xưa nó cũng biết xấu hổ, chứ giờ nó cởi ra chụp bảo đấy là nghệ thuật khỏa thân, hay vì môi trường gì đó)Bác ấy nghe bảo:
– Nghe chuyện rồi, để khi khác, chắc bác ấy nóng ruột muốn đến gặp chú em quen nên mới không con cà con kê.
Lúc ấy mới nói lại với bác ấy:
– Em vào đấy mấy lần rồi, lại còn xem người ta tế lễ rước kiệu nữa hay ra phết, nay không vào nao em chụp ảnh viết mấy chữ giới thiệu với anh ( Năm ngoái cũng viết rồi đấy có cái tít ” Chả có tiền cũng không có rước kiệu và nhờn môi đâu nhỉ?”Rồi anh em đèo nhau đi, cũng là ăn cỗ đám giỗ, đến muộn á, chắc chú em Quân khu 9 kia nó xơi hết miếng ngon, mất công lặn lội từ Đuôi Cá sang.Mấy hôm sau mưa gió, lại lên mạn ngược nên chưa có điều kiện chụp mấy cái ảnh giới thiệu đền Ngự Dội như hôm nọ đã hứa với bác ấy.Sáng nay đi đò, gặp đứa lái đò mới hỏi:
– Thế sang tháng 2 đã rước kiệu chưa?
Nó trả nhời:
– Hôm nọ chả dặn ông rồi a? Mồng 10/2 âm, năm nay giời đẹp vui ra phết.
Góp chuyện với nó:
– Ừ năm ngoái mưa bẩn, mọi người còn phải đi ủng nữa kia Đứa lái đò nghe đến đấy cười, chả nói gì nữaNẫy đi trên đê, đi một tẹo lại chụp ảnh, dưới kia là Vực Mạn Xuyên, có ngôi chùa với mấy lá cờ ngũ sắc họ còn chưa cất đi sau ngày hội, rẽ xuống đền Ngự Dội, ngôi đền nằm bên phải đường ra bến đò Năm Mẫu đằng sau đền là hai cây gạo đỏ ối, xa xa là ống khói của nhà máy gạch mới dựng lên mấy năm nay ( Bên Hưng Yên từ bến đò Phương Trù đến Vườn Chuối ven sông có rất nhiều nhà máy gạch) đi tý nữa đứng lại lấy cái máy ảnh chụp vào trong ngôi đền:
– Buổi trưa người ta đóng cửa, sau cánh cửa ấy là ban thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung ( Ở đây họ thờ ba người Chử Đồng Từ và hai bà vợ là Công chúa Tiên Dung và Công chúa Tây Sa) phía xa sau cái cột cờ là một cái giếng ( Giờ như cái ao đã cạn nước) xung quanh là cây si mọc um tùm, dân ở đây họ bảo chỗ đấy là cái giếng để bọn hầu gái múc nước tắm cho Tiên Dung.
Đứng ngó một lúc rồi đi.Ra đến bến đò, bờ sông thấy mấy người phụ nữ mang chiếu, quần áo mặc hôm lễ đền rước kiệu ra giặt, thấy họ cười cười nói nói mới hỏi:
– Qua lễ vui không hở các chị?Nghe họ trả lời vui lắm. Ngắm họ giặt giũ, cười cười nói nói, nhớ đến cái tích câu chuyện Chử Đồng Tử, Tiên Dung tự dưng có ý nghĩ giống như một bộ phim quay trước mắt :
– Quen một tay trung tá Tổng cục hậu cần (người Hoa Thành, Yên Thành) thi thoảng thấy nó khoe ảnh cởi trần bơi trên sông Hồng,bây giờ nhỉ, nếu bỗng dưng mấy mẹ giặt chăn chiếu kia mà giẫm phải nó chả mặc gì nằm vùi dưới cát nhỉ?, cứ theo truyện xưa thì sẽ là vợ nó hết, rồi bật cười vì sự liên tưởng giữa chuyện xưa với hiện tại của mình.Đò cập bến, lên bờ, vừa đi vừa bảo:
– Về đến nhà phải ghi ra ngay, không thì quên cụ nó mất.

Hà Nội 28 độ nhiều mây.

Tháng tư ngày mồng 1 là một ngày chớm hè, theo ngày tiết thì mấy hôm nữa là tiết thanh minh ( là ngày ở quê tôi, mọi nhà ra nghĩa trang tảo mộ thắp hương cho người đã khuất)
Hôm nay tôi quyết định đi ra phố, chả phải thăm thú gì mà là đi khám sức khỏe định kỳ ( Có cái bảo hiểm y tế , năm đôi lần đi khám cho nó đỡ phí).
Ngoài phố vào ngày nắng vui đáo để, thay vào tiếng chim hót vượn hú mà tôi hay nghe được vào những sớm ở miền biên viễn là tiếng còi ô tô, tiếng nẹt bô xe máy, tiếng loa đài được treo trên những cái cột điện ( Và cả gầm cầu vượt trên cao chỗ ngã tư Khuất Duy Tiến- Nguyễn Xiển-Nguyễn Trãi)
Tôi nhận thấy trên đường Nguyễn Trãi nối từ Hà Đông ra đến gần Ngã Tư Sở hàng xà cừ bên trái đường đã được người ta chặt hế và trải nhựa lên để làm đường đi rồi, chỗ đó đường cũng thoáng hơn. Tôi đọc ở đâu đó mấy đứa làm Dự án đường sắt trên cao nó bảo cái hàng cây xà cừ ấy chả ảnh hưởng gì đến việc làm đường sắt cả, cơ mà chỉ những ai thường xuyên đi con đường đấy mới biết rằng:
– Chúng nó nói thế để cho báo chí họ nghe và tránh tội thôi chứ đằng kia chỗ mấy cây xà cừ mọc ấy, mấy đứa làm đường sắttrên cao nó quây tôn, làm lô cốt hết rồi, đúng chỗ xà cừ mọc là một hàng giáo chống bằng sắt, chỉ có ai thường đi đoạn đường này mới biết, chui qua cái lỗ giáo chống ấy là một chuyện mạo hiểm, hôm thì sắt rơi chết người, hôm thì đang đổ bê tông sập giáo, giờ tầm đi đến chỗ này xe máy, ô tô, xe đạp chờ nhau nhích từng cm, chặt hàng cây xà cừ vừa có chỗ cho chúng nó kê giáo, lại vừa rộng đường cho người lưu thông trên đường xem ra nhiều người ít biết đến điều này.
Tôi cũng thấy :
– Trên vỉa hè chưa rộng lắm được lát gạch block ven con đường tôi đang đi , người ta cũng trồng thêm một số cây, những cây đó được quấn một lớp lưới ni lông mầu đen,họ đóng cái chạc để cây mới trồng chưa bén rễ không bị đổ,Tôi lại gần, ngó cái lá cây:
– Cũng chả biết đó là cây Vàng Tâm hay là Mỡ ?
Nọ.
Tôi xem trên mạng, thấy họ làm thơ , viết văn phản đối Hà Nội chặt cây, tôi chỉ đọc thôi chứ chả biết thế nào, mà bàn ra tán vào.Nhà cũ của tôi có hai cây xà cừ nhiều năm tuổi, vì nhà cũ hướng chính tây nên bóng mát của hai cái cây đó giúp gia đình tôi qua được cái ngột ngạt của mùa hè, vàomột đêm Hà Nội có mưa đá, sáng dậy tôi thấy hẳn một cái cành cây to bị gãy xuống một đầu chúc xuống đất, một đầu dựa lên ban công tầng 2 nhà tôi ( Cũng may nếu nhà tôi mái ngói thì sập mất rồi) những mùa mưa sau, cứ khi không có ai ở nhà là tôi lại lên sân thượng len lén chặt các cành cây khác có nguy cơ đổ vào nhà tôi và hàng xóm khi mưa gió ( Len lén là vì cây mọc trên đất của cơ quan bên cạnh,mà tôi không có quyền sang đó để chặt)
Tôi kể chuyện nhà tôi ra,cũng để nói với ai đó rằng:
– Thì có cái cây cần phải chặt chứ?
Khám bệnh xong, tôi ra vườn hoa cạnh bệnh viện, để ăn sáng, vườn hoa này nguyên là đất của hợp tác xã thảm len Đống Đa ( Trước như mượn đất của nhà thờ Nam Đồng) có một thời kỳ chuyển đổi , họ định xây Chung cư thương mại, hay biệt thự gì đó, thế là có tranh chấp đất đai.
Cuối cùng thành phố quyết định sử dụng khu đất ấy làm vườn hoa ( là chỗ tôi bách bộ và ăn sáng sau khi lấy máu xét nghiệm bây giờ.)
Xong đâu đấy tôi quay về, đi trên con đường cũ,ngó cái chỗ gốc cây xà cừ xưa đã bị chặt ( Gần cửa hàng tạp hóa của cô bạn cùng lớp 10 với tôi) nơi ấy, xưa nữa là đường tàu điện chạy tuyến Hà Đông- Quốc Tử Giám, nhớ đến chuyện phản đối chặt cây, chuyện nguồn gốc hình thành một cái công viên xanh xanh gần bệnh viện tôi khám bệnh.
Tôi tự bảo:
– Cũng may chính quyền họ đã nhận thấy phản ứng của dân để dừng lại chuyện chặt cây, chứ cứ kéo đến giờ thì không biết thế nào? Người ngay thì không dám nói, chứ khối đứa nhân cơ hội này đục nước béo cò.
Cũng trên con đường có đường sắt trên cao đang xây dựng ấy về nhà, tôi thấy ven đường có nhiều người bán hoa loa kèn ( Họ bảo hoa ấy chỉ nở vào tháng tư dương lịch)
– Thế là sắp đến 30/4 rồi, sẽ có diễu binh, pháo hoa, và hoa gạo chùa Thầy nữa
Hôm nay ngày 1/4 cái điện thoại trong túi tôi nó báo:
– Hà Nội 28 độ nhiều mây, cảm thấy thích.

SA PA – MỘT THOÁNG QUAY TRỞ LẠI.


Ngồi trên xe từ Lao Cai vào Sa Pa trên con đường quốc lộ 4 D vừa ngó qua cửa kính tôi vừa nhớ đến những câu chuyện tôi viết đã lâu về Sa Pa về một bài hát nhạc sĩ Vĩnh Cát về vùng này ,nhớ lại ngày mới tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân Sự, một người quen với bạn bố tôi làm việc ở Bộ Quốc Phòng sau khi nhờ xem danh sách ở dưới gửi lên nói với chú ấy:
– Con của bạn anh được nhà trường đề nghị cử đi nhận công tác tại quân khu 2 theo chỉ tiêu của Bộ đưa xuống.
Quốc lộ 4D này so với ngày ấy về bề rộng vẫn thế, khác chăng là nhẵn hơn
Tôi quay sang hỏi người bên cạnh, một kỹ sư trẻ sinh năm 1977.
– Cậu biết gì về Sa Pa?
Tôi được nghe trả lời:
– Dạ không biết được nhiều vì chưa đi lần nào, hồi đi học người ta dậy trong môn địa lý là Sa Pa có đỉnh Phan Xi Păng cao nhất nước
Người lái xe nghe câu chuyện của hai người rồi góp vào:
– Em đi Sa Pa mấy lần, Công ty em đã trúng thầu làm cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng, đã đi xem địa hình rồi, nhưng vì họ yêu cầu thời gian gấp quá nên bỏ
Nghe cậu lái xe kể chuyện tôi thêm vào:
– Hôm trước tôi cũng đọc ở đâu đó, trên đó họ phá đá nổ mìn để làm mặt bằng, nghe đâu lấp cả đường mòn của dân thường lên đỉnh núi
Sau đó cả hai người đều im lặng,còn tôi cứ suy tư với những ký ức không đầu không cuối của riêng mình.
——–
Sa Pa hôm chúng tôi đến là một ngày có mưa phùn và lạnh, trước khi đi ăn cơm trưa chúng tôi đi một vòng quanh thị trấn,ngắm nghía đường phố và con người hiện tại, tôi cảm nhận có một cái gì xô bồ, ồn ào giống một bến xe ô tô, một ga tàu hỏa, một cái chợ đông người hơn là một Sa Pa yên tĩnh mà tôi đã từng biết, tự dưng tôi hỏi với mình:
– Người ta đến Sa Pa bây giờ để làm gì nhỉ?
Rồi tôi cũng tự trả lời:
– Có nhẽ cũng giống người miền nam lần đầu ra bắc, ra hồ Hoàn Kiếm vào nhà hàng Thủy Tạ cái đã ( vào đấy rồi mới chứng tỏ mình đã ra Hà Nội)
Rồi cũng đến lúc đói bụng, chúng tôi tìm một nhà hàng ngồi ăn cơm, vừa ăn tôi vừa có cảm giác hình như mình đang ngồi ăn cỗ cưới ở đâu đó, rồi tôi tự an ủi mình
– Giờ nước mình có gần trăm triệu dân đông gấp ba lần hồi mới giải phóng, chỗ du lịch từ xưa đến giờ cũng chỉ có thế, đông là phải
Chiều trước khi quay trở lại Lao Cai làm việc, tôi lại đi một vòng quanh thị trấn, vừa đi tôi vừa nhớ đến câu chuyện ” Lặng lẽ Sa Pa” của Thành Long viết năm 1970, tôi nhớ đến hai người trong câu chuyện đó, một cô kỹ sư nông nghiệp mới tốt nghiệp đại học, một anh kỹ sư nha khí tượng ( Thời đấy ta có phong trào Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang) tôi cứ hỏi mình:
– Không biết nhà văn ấy viết câu chuyện ấy dựa trên những nhân vật có thật như tôi thường viết không hay là hư cấu?
Lướt qua trạm khí tượng Sa Pa mà trong sương mù vẫn còn thấy bóng của nhà thờ đá Sa Pa, nhớ đến ảnh đôi trai gái chụp ảnh cho nhau vừa nhìn thấy ban nãy tôi thở dài:
– Không biết đôi trai gái trong chuyện ấy có lấy nhau không nhỉ?
Rồi tôi cười
– Cơ mà cái ông Thành Long nọ với cái kết câu chuyện để cho họ lấy nhau thì còn gì là hay nữa?
Thế là tôi định bụng, sẽ biên chuyện ” Sa Pa, một thoáng quay trở lại” với một câu hỏi để mong được ai đó biết mà trả lời tôi rằng:
– Vậy thì cuối cùng cái cô kỹ sư nông nghiệp với cậu kỹ sư khí tượng trong câu chuyện nọ, có gặp lại nhau và kết thành đôi lứa hay không?
IMG_0188
IMG_0017
IMG_0022
IMG_0048
IMG_0066
IMG_0080

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

LÒNG DÂN NHƯ HOA HƯỚNG DƯƠNG.


image
Tối nọ, ở miền núi lạnh, đương quấn trong chăn điện thoại réo, số lạ, cũng chả muốn nghe miễn cưỡng đưa máy lên:
– Là Toàn thượng úy trợ lý ban Vật tư Trung đoàn thời tôi còn ở bộ đội cách đây 27 năm,nghe máy, Toàn báo và mời tôi dự cưới con gái của vợ chồng Toàn.
Còn nhớ
Năm 1984 khi tôi còn làm cán bộ đại đội 211 ở ban Tài vụ Trung đoàn có hai cô gái chưa chồng, một cô tên là Hạnh người Thái Bình, một cô là Hải, một thời gian sau Hạnh xin ra quân để về địa phương, tò mò tôi tìm hiểu,mọi người cho biết, Hạnh về để kiếm tấm chồng chứ ở đây chả có anh sĩ quan trẻ nào tán ( Mà chả biết giờ đã lên chức bà chưa? )
Cô thứ hai tên là Hải thì mấy năm sau đã trở thành vợ của Toàn như tôi vừa nói trên ấy.
Sau này khi đã ra quân, mỗi khi có điều kiện trở lại nơi đóng quân tôi đều ghé qua khu gia binh của mấy người cùng trung đoàn tôi, hỏi thăm và nói chuyện, một lần tôi qua nhà Toàn thấy nói Hải đứa đầu là con gái, sinh lần sau được một cặp con gái, tôi rằng :
– Lính Trung đoàn 14 chỉ đẻ được con gái thôi.
Gần đây, một lần họp anh em sĩ quan đơn vị cũ, tôi biết Toàn lên thượng tá nhận sổ hưu, vẫn đi làm thêm, gia đình đã chuyển về Hà Nội và sinh thêm một cháu gái nữa
Tôi nhắc lại lời mà từ nhỏ tôi hay được nghe :
– Các cụ bảo tứ nữ bất bần.
Tối ấy trong cuộc điện thoại nói về đứa con gái lớn của Toàn, vẫn nhớ Toàn kể, con gái em làm ở văn phòng của Trung Quốc, chồng sắp cưới của nó cũng là con một anh ở trong đơn vị ( Gia đình cũng về dưới này rồi) em làm đám cưới cho cháu đúng vào ngày 3/2 là ngày thành lập đảng CSVN.
Nay mở mắt ra bật Tivi, truyền hình nhà nước đang nói về kỷ niệm ngày thành lập Đảng CS Việt Nam, nhớ đến lời mời đám cưới của Toàn, cũng như hình ảnh một khẩu hiệu xem ở đâu đó, mới cầm cái bút viết mấy chữ về một đám cưới mà chủ nhân ( một thượng tá hưu, đảng viên) đã chủ định tổ chức vào đúng ngày mà đã là Đảng viên thì ai cũng nhớ và không thể quên.

ĐIỀU GÌ ĐÃ DẪN ĐẾN CƠN CỚ NÀY, UCRAINA ?

Gần tết, đi siêu thị, nhìn thấy trên quầy hàng có nhiều chai rượu sâm banh Ucraina, trở về với thực tại:
– Ở nơi xa xôi ấy, bây giờ hàng ngày người ta giết nhau, sau rất nhiều năm sống sung túc yên ấm trong hòa bình.
Hôm qua, hôm kia, đọc một tin trên tờ báo tuổi trẻ, ở đó người ta đưa tin, cựu thủ tướng Ucrainagiới thiệu hồi ký Ucraina ở ngã ba đường, họ có trích lời ông ấy:
– Trước tháng 2/2014 kinh tế Ucraina tăng trưởng GDP là 10% thu nhập của người dân thực tế tăng 1.6 lần.
Thế mà tan, mà dẫn đến nội chiến chỉ vì 150 000 dân Ucraina làm loạn ở quảng trường MaiDan.Dân chủ của phương tây chửa thấy đâu, mà đến nay:
– Ở đó, bây giờ hơn 5000 người bị giết, 5800 tòanhà và 1500 xí nghiệp bị phá hủy.
Chả biết thế nào, nhưng do người dân Ucraina tự mình đưa mình đến cơn cớ này rồi người ta sẽnghiên cứu, tìm ra nguyên nhân.Nhưng để có cuộc sống bình yên như cách đây hơn một năm quả là khó .
Ngó chai rượu sâm banh trên kệ, rồi phân vân:
– Có nên mua về để uống mừng “Cuộc biểu tình vì dân chủ và chống tham nhũng của 150 000người Mai Dan” đang trở thành một cuộc chém như tin đang được đọc trên các báo hàng ngày thế này không?

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

CÁI TUỔI 18 CỦA MÌNH, NÓ CÁCH XA ĐÂY LÂU LẮM RỒI.

Cuối năm âm lịch.
Tuấn ( Uy) cùng khu tập thể , học sau hai khóa ở HVKTQS  có tài trợ  để cho những người sinh ra và lớn lên ở  khu tập thể quân đội họp mặt ( Những người tham dự đa phần sinh từ năm 1956-1971, có đôi người sinh năm 1975) . Anh Bắc (Lùn) nguyên Công nhân Sông Đà nay đã về làm nghề rửa xe và bán nước chè bảo với tôi :
– Lần gặp cuối năm này là lần thứ 4 kể từ năm 2011.
Lần đầu đến dự, nhận ra nhiều người quen, có người từ khi đi bộ đội đến giờ mới gặp.
Ăn xong ra uống nước nói chuyện, ngồi gần một cô em trông quen quen xinh xinh, em bảo em Thượng tá quân đội về hưu và có một đứa con đã lập gia đình. Ngẩn người một lúc, nhớ ra học cùng chị gái em ấy, nhà bố mẹ đẻ ra em ấy ngay trước cửa nhà mình, họp xong về, hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ lúc tối, trong câu chuyện, em kể rằng :
– Em học cùng với em trai anh, ngày ấy em biết anh học ở HVKTQS
Rồi lúc ấy có cười nhẹ, sung sướng khi em ấy trêu:
– Anh khen em giờ còn xinh thế, mà sao hồi ấy anh chả đến tán em nhề ?
Chao ôi:
-Cái thời 18 tuổi có giá của mình ấy, nó đã cách xa đây lâu lắm rồi.
Tag: Họp mặt cuối năm, khu tập thể quân đội, thời xưa cũ

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

TẦM NÀY THÁNG SAU LÀ TẾT THẬT RỒI.

Ở miền núi về, vào nhà thấy vợ ngâm cà rốt, cùi dừa với đường, trong tủ lạnh có mấy túi táo tướng, mới hỏi bà ấy:
– Mẹ làm mứt biếu họ hàng à?
Bà ấy trả lời:
– Làm để bán.
Mùa đông năm ngoái, thấy vợ mua thịt đun rồi giã ruốc, đứa lớn đang thất nghiệp cũng ra giã ruốc cho mẹ, thấy vợ làm bọc tướng,nghĩ bụng chắc làm ruốc để ăn dần, mấy hôm sau không thấy đâu, mới hỏi vợ:
– Ruốc hôm nọ mẹ làm đâu rồi?
Bà ấy trả lời:
– Người ta đặt thì làm cho người ta rồi chứ không phải làm để nhà ăn.
Mấy hôm sau thấy vợ xúng xính áo váy đi đám cưới, thở nhẹ:
– Mấy tối nọ mẹ con thức đến 12 giờ đêm giã ruốc , đủ tiền đi ba đám cưới dịp cuối năm, kiếm tiền thì lâu chứ tiêu thì vèo một cái
Nay ngồi ngó  vợ lụi cụi ngồi gọt cà rốt để làm mứt, tò mò:
– Vậy mẹ nó làm xong thì bán như thế nào?
Bà xã ngẩng lên cười:
– Cho vào túi bóng, gặp người quen, hỏi có mua mứt không? Thế mà làm không kịp để bán đấy.
Gật đầu:
– Ừ đi ngoài đường cũng nghe người bán bánh mỳ, bán bánh rán rao như thế.
Trước nhà có sân thượng, thi thoảng vợ con trồng rau trong hộp xốp, vừa có cái ăn vừa vui, giờ bán nhà lên chung cư ở, vợ bảo làm mứt bán vừa vui lại vừa có tiền, khoái nhất là người già người trẻ họ bảo làm mứt ngon lắm.
Nãy nhìn thấy vợ cho mứt mới làm vào túi để xuống dưới nhà bán, động viên bà ấy:
– Mẹ làm mứt từ giờ đến tết, mà có nhiều nhiều mua hẳn cái dây chuyền vàng diện tết cho oách nhé.
Bà ấy nghe đến đấy cười thật tươi, sau khi bà ấy ra khỏi nhà rồi, đi đến bức tường có treo quyển lịch  nhìn vào đó:
– Hôm nay đã 28 tháng mười một âm lịch rồi, tầm này tháng sau là tết thật rồi chứ chả sắp gì nữa.

Tag: Tết âm lịch, mứt tết, chuyện nhà

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

BÀI HÁT KHÔNG TÊN SỐ 2 CỦA VŨ THÀNH AN.

Còn nhớ
Năm 1979-1980, bố tôi có vào dậy Đại học y khoa Tây Nguyên, năm đó tôi đóng quân trong sân bay Tân Sơn Nhất, bố tôi đi từ Buôn Ma Thuột theo đường số 14 xuống Nha Trang và vào thăm tôi, bố con gặp nhau mấy hôm ở thành phố Sài Gòn mới giải phóng được mấy năm.
Cuối năm 1980 tôi ra bắc, trong mấy hôm nghỉ ở nhà, tôi thấy trong giá sách treo ở trên tường một quyển vở ô ly, mà trong đó bố tôi có chép những khuông nhạc và những  bài hát trong thời gian bố tôi đi dậy học ở Tây Nguyên.Tôi gặp và đọc đi đọc lại một bài hát mà khi đóng quân ở phương trời xa lắc, chúng tôi đã  từng  nghe và từng nghêu ngao hát:
“Xin một lần xiết tay nhau Một lần cuối cho nhau. Xin một lần vẫy tay chào Thôi giòng đời đó, cuốn người theo.”
Sau đó, tôi với lấy cái đàn ghi ta treo trên tường bấm bấm gam Mi thứ , Si 7, La thứ đệm theo điệu Bostơn lẩm bẩm :
“Lòng người như lá úa trong cơn mê chiều”
Trong khi hát, tôi nhớ đến người bạn gái cùng đơn vị, vẫy tay chào, khi gặp đoàn xe GMC chở chúng tôi từ sân bay Tân Sơn Nhất ra ga Hố Nai để ra bắc.
———–
Mấy hôm nay.
Hà Nội thật lạnh, có mưa và rét, ngoài trời xuống 12 độ, hôm nay có một ngày trốn khỏi công việc ngập đầu và áp lực ở chỗ làm thuê, cơm xong tôi vào mạng Intơnét đọc tin xem ảnh chú em ruột tôi đánh xe lên Sa Pa nô giỡn với tuyết, rồi vẫn với cái smart phone ấy tôi vào trang mạng của một cô gái người Đan Phượng tôi quen ( Nàng là nhân vật chính trong nhiều câu chuyện tôi sáng tác) tôi thấy ở trong đó nàng đang nghe bài hát xưa ( Bài hát bố tôi chép vào quyển vở Ô ly trong thời gian dậy học ở Tây Nguyên,và tôi đã từng nghêu ngao với cái đàn ghi ta năm nào- năm đó nàng còn chưa ra đời) bài hát đó có nhan đề ” Bài hát không tên số 2 – Vũ Thành An” và trong khi nghe bài hát ấy, tôi vào Wikipedia tiếng Việt để đọc tiểu sử của Vũ Thành An ( Một nhạc sĩ người Nam Định di cư) tác giả bài hát nổi tiếng mà tôi hay hát ngày xưa những khi mơ ước về một tình yêu nam nữ, tôi đọc đi đọc lại những điều người ta viết về người nhạc sĩ này:
– Sau năm 1980 năm năm, đến khi tôi đã đeo quân hàm thượng úy, ông nhạc sĩ này mới ra khỏi trại học tập cải tạo ở miền bắc.
Tồi ngồi im trong cái lạnh đến ghê người mấy tiếng để nghe , tôi nghe lời hát, nghe tiếng hòa âm trong bản nhạc đó . Chợt tôi nhớ đến bố tôi, người bây giờ chỉ còn di ảnh trên bàn thờ nhà tôi, tôi băn khoăn rằng:
– Vào những ngày này ở thế giới bên kia bố tôi đang làm gì?
Tôi bật to bản nhạc mà tôi đang nghe lên một tý nữa, với một chút hy vọng rằng:
– Hôm nay, một ngày rét, bố tôi ở nơi xa có ghé qua nhà, có thể ông sẽ vui khi con giai ông đang mở bản nhạc của ông thích, một bản nhạc mà ông đã tranh thủ giữa những giờ lên lớp ở giảng đường chép vào quyển vở, để con ông có kỷ niệm về ông khi nghe bản nhạc ấy trong một ngày lạnh mùa đông.
Cũng có thể bố tôi đã có nghe và đi ra cửa, rồi quay lại hát nho nhỏ mà tôi ( người trần mắt thịt ) không thể nghe được:
- Thôi giòng đời đó, cuốn người theo.

Tag: Mùa đông, lạnh, bài hát không tên, Vũ Thành An, Hồi ức

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

SA PA.

Lâu rồi , là năm 1996 khi đó tôi làm Công trình dưới mạn Kim Sơn – Ninh Bình, ở đó tôi gặp Các ( cùng học năm năm ở Đại học Kỹ thuật Quân sự với tôi ở Vĩnh Yên) mới chuyển từ tỉnh đội Lao Cai về huyện đội Kim Sơn được mấy năm, hôm đầu gặp nhau, chúng tôi ngồi uống rượu từ 2 h chiều đến 5 h chiều, kết quả là tôi say ngay sau khi bước chân vào nhà Các ở nông trường Rạng Đông ( Tối ấy tôi ngủ lại ở huyện đội Kim Sơn)
Cũng cần kể thêm là, sau khi tốt nghiệp đại học và nhận quân hàm sĩ quan, tôi và Các nằm trong danh sách ban cán bộ nhà trường đề nghị trên điều về công tác Quân khu 2.Sau lần đầu gặp Các ở Kim Sơn về, đến một thời ở biên giới phía bắc, và một bài hát mà chúng tôi hay hát vào những năm cuối học viên có tên là ” Sa Pa thành phố trong sương” tôi có viết một bài viết ngắn về Sa Pa mà lấy tên đúng y như tên bài hát của nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Một nhà văn tôi quen, sau khi đọc bài viết của tôi rồi góp ý:
– Bài viết hay hơn khi có trích dẫn một đoạn văn trong ” Lặng lẽ Sa Pa” của Thành Long.
Tôi chỉ biết gật đầu ậm ừ ,quả tình tôi chưa được đọc câu chuyện đó, một câu chuyện được viết từ năm 1970.
————
Vợ của anh họ tôi, một gia đình sống lâu đời ở phố Quốc Tử Giám, cuối những năm 1990 nhà vợ anh ấy bán nhà cửa vào nam sinh sống ( Nghe đâu vào Sài Gòn) một lần trong bữa giỗ bà ngoại tôi, tôi mới hỏi vợ của anh họ tôi:
– Vậy em bác vào Sài Gòn có sống được không?
Chị ấy trả lời:
– Chú ấy vào trong đó sống không được, giờ lên Sa Pa mở hiệu Cà fê rồi
Tôi nghe và gật đầu:
– Ở những nơi nhiều khách du lịch, tôi cũng thấy người Hà Nội đến đó để kiếm kế sinh nhai ( Thì cứ nhìn biển hiệu ” Phở Hà Nội” hay ” Cà Fê Hà Nội” là đoán ra thôi mà)
Tôi có một người bạn trên mạng, bạn ấy là phụ nữ học ngoại ngữ ở Liên Xô cũ về công tác ở Bộ Giáo Dục, bạn ấy sinh ra và lớn lên ở Sa Pa rồi đi nước ngoài học, những lúc rỗi tôi vào trang mạng của bạn ấy đọc những bài viết của bạn ấy về Sa Pa, tôi muốn đọc tâm tư của những người sống ở vùng đất ấy, cũng thử xem họ có nghĩ khác với chúng tôi, những người lính nhập ngũ trước cuộc chiến biên giới phía bắc, đã có lần vì nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía bắc mà qua vùng đất ấy, hoặc là khác với những người khách du lịch đã đến Sa Pa và kể về nơi đó ( Nơi vào những mùa đông lạnh giá cũng có tuyết rơi như ở các nước châu Âu xa xôi)
————
Hôm qua một ngày sau tết dương lịch 2015 ( và là ngày thứ bảy ) Tôi đến dự đám giỗ mẹ bạn cùng học lớp 10 với tôi cách đây mấy chục năm, ở đó tôi gặp mấy người bạn của bạn tôi cũng ở miền nam ra và vừa đi Sa Pa về, tôi hỏi họ:
– Các anh lần đầu tiên đi lên đó  có vui không?
Thấy họ gật đầu,rồi được nghe họ trả lời rằng, mấy ngày nghỉ trên đấy đông và lạnh lắm, có những người không thuê được nhà nghỉ , tối phải quay ra Lào Cai nghỉ, họ còn nói rằng trên Sa Pa người ta sắp làm cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng rồi cơ đấy, và bây giờ có đường cao tốc mới nên đi tiện hơn nhiều
Tôi ngồi nghe họ nói và nhớ rằng:
– Những năm 1970 từ Hà Nội lên Lao Cai (như Thành Long viết) đi tàu mất một ngày và một đêm cơ đấy, sau 45 năm bây giờ đi ô tô từ Hà Nội lên mất có 3 tiếng
Ăn cỗ nhà bạn xong, tôi về, trong ý nghĩ vẫn là câu chuyện về Sa Pa mà tôi mới nghe mọi người kể trong lúc uống rượu, lâu rồi tôi không đi Sa Pa, chỉ là ngắm ảnh em trai em dâu tôi lên đó trong những ngày Sa Pa có tuyết.
Tôi dự định sẽ viết một chút về Sa Pa như cách đây mấy năm tôi đã viết về nơi đó, có lẽ trước khi viết tôi đọc lại câu chuyện ” Lặng lẽ Sa Pa” tưởng tượng lại cảnh gặp gỡ lần đầu giữa anh kỹ sư ở trạm Khí tượng với cô kỹ sư nông nghiệp mới ra trường đã, mà có nên mang cái đàn ghi ta cũ để hát bài hát của nhạc sĩ Vĩnh Cát như một lần làm như thế trước khi viết nữa không?
Hay là:
– Để dành, chờ có một hôm nào đó, lên lại một lần thăm thú nơi cũ rồi mới viết về Sa Pa nhỉ?



Tag : Sa Pa, Lặng lẽ Sa Pa, Sa Pa Thành Phố Trong sương, Quân Khu 2, Lào Cai.