Trang

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

VIẾT Ở MỘT GÓC CHỢ KỆ ( NINH SỞ-THƯỜNG TÍN)

Cách đây tầm bảy tám năm, chỗ chợ Kệ này đường là đường đá chưa rải nhựa ( Chợ họp hai bên đường ở một ngã ba có đường lên đê và đường chạy sang xã Vân Tảo) sau cơn mưa trên con đường chính giữa chợ, đoạn lên đê,rất nhiều những vũng nước ngập,phải mấy ngày nắng sau cơn mưa mới khô trở lại.
Đây là làng công giáo thuộc giáo xứ Bằng Sở ( không biết dân công giáo chỗ khác thế nào chứ đây giáo dân nơi đây , họ hay xơi thịt chó lắm, mà chợ Kệ thì bán đầy thịt chó).
Xưa.
Lúc bố tôi còn sống, có một bệnh nhân được bố tôi cứu sống, là người ở đúng chỗ chợ Kệ này, hồi đó vì ơn cứu mạng, trong những ngày giỗ chạp ở đây người ta thường nấu món thịt chó, bác ấy hay mời bố tôi xuống tận đây để ăn. Những năm ấy đường đi từ BV Việt Đức chỗ phố Tràng Thi xuống đến chợ Kệ là cả một quãng đường thật là dài , mà lại mưa phùn gió bấc như hôm nay.
Những ngày ấy , tôi hay nghe mẹ tôi lầu bầu:
– Bố mày, ai mời chén, xa mấy cũng đi.
Tôi nhìn mẹ tôi và nhìn mâm cơm chỉ có dưa cải muối với bát nước cà chua với ít lạc rang, ngạc nhiên:
– Mẹ tôi tuy làm nghề y nhưng không hiểu rằng,bố tôi thường phải mổ gan, mật , dạ dày, ruột già, ruột mỏng, những lúc gặp ca mổ khó thì phải đứng đến sáu tiếng ban đêm, mà tiền bồi dưỡng cho một ca mổ lúc bấy giờ Bệnh Viện  trả cho bác sĩ và các nhân viên trong kíp mổ, không bằng giá tiền,mấy tay ngồi gốc cây  kiếm được khi vá một lỗ thủng ở cái săm xe đạp.
————–
Nay.
Địa phương có Chợ Kệ đã được sát nhập vào Hà Nội, tuy mang tiếng là Hà Nội 2,nhưng giờ đường xá đã đẹp hẳn lên (đường từ thôn ba Vạn Phúc đến chợ Kệ được rải nhựa phẳng lỳ),hôm nọ Hà Nội kỷ niệm năm năm ngày Hà Tây sát nhập vào Hà Nội , một người quen của tôi có bảo:
– Chú viết bài về nông thôn Hà Nội đổi mới đi.
Tôi trả nhời:
– Chả biết viết về cái gì? Chẳng nhẽ viết về đất ở Vân Canh đương ế, viết về cái thành phố nhỏ nhỏ sơn màu trắng bỏ hoang ở bên tay phải đường đại lộ Thăng Long từ Hà Nội lên Xuân Mai đương nổi lên giống quang cảnh trong phim ngày xưa về Trung Á Những lâu đài ở giữa sa mạc?
Người đó nghe cười:
– Thì viết về nguyên cớ những ông mất ruộng ra bến xe búyt làm xe ôm vậy?
Tôi nhìn chằm chằm vào nói:
– Chà nó biết mà cứ thử mình?
—————
Ban sáng. 
Tôi đi chợ Kệ, cũng như mọi lần có ý ngó ngó nghiêng nghiêng để tìm tý cảm xúc viết về một chợ Kệ sau mấy năm mới có dịp quay trở lại,chen trong dòng người đi chợ mua mua bán bán , tôi dừng xe giơ máy ảnh lên chụp mấy em hàng thịt, mấy chị bán cá
Đương say sưa bỗng giật mình bởi câu nói:
– Không mua thì chụp ảnh làm cái gì?
Mới quay về thực tại:
– Thì ra với nhiều người buôn buôn bán bán, họ chả thích ai nói, chụp ảnh và kể về họ, mà chỉ mong cho chóng bán được một món hàng?
Thì đấy:
– Tiền vẫn là tiên
Và chắc là rất đúng không phải chỉ ở mỗi góc chợ Kệ này.

23/11/2013

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

HOA HÒANG LAN



Từ ngày hòa bình lập lại cho  đến trước những năm 199x. Nhà Bác ruột tôi  ở số nhà 11 B Ngõ Yên Thế .
Ở  Hà nội chắc có nhiều người cũng không biết tường tận về cái ngõ ấy ?
Vậy  thì là thế này:
- Phía to của ngõ là đầu đường Nguyễn Thái Học, cuối ngõ hẹp  như cổ chai  và được thông ra phố Sinh Từ tên gọi ngày xưa của phố Nguyễn Khuyến.( Tôi nhớ hồi chiến tranh phá hoại bố tôi  bảo đầu ngõ phía đường Nguyễn Thái Học là nhà Ông Nhạc sĩ Đỗ Nhuận-Còn cuối ngõ nơi ngày xưa có một nhà chuyên bán nước sôi đổ phích , tôi  thường đi tắt qua lối hẹp ấy để ra Ga Trần Quí Cáp đi tàu hỏa Lào Cai-Yên Bái)
Ngay cổng vào của số nhà ấy, có mọc một cây hoa Hoàng Lan( Lâu lắm rồi tôi  không quay lại đấy nên không biết cái cây hoa đó bây giờ có còn không? Hay người ta đốn đi để xây nhà rồi?)
Hồi ấy
Cứ vào tháng 11, tháng 12 hàng năm là mùi thơm của cây hoa ngào ngạt. Những lần trả phép về đơn vị, tôi  đều tạt qua nhà Bác chơi rồi sau đó ra ga để  lên tàu. Những lần ấy tôi hay  nhặt  mấy cánh hoa rụng xuống dưới đất, mang lên đơn vị như là mang một món quà của thành phố đi theo.
Chắc các bạn chả biết được rằng:
-Trên chuyến tàu thời bao cấp giữa tạp nham các hạng người và giữa những bu gà vịt, thúng mủng của những người đi buôn chuyến, tôi  nhìn thấy mấy cô sinh viên khoa văn của đại học sư phạm 2 Mê Linh Vĩnh Phú, mấy em ở trường Cán bộ Tài chinh Trung ương hay mấy em khoa Hóa Thực phẩm của trường Đại học Công nghiệp Nhẹ cứ ngơ ngác nhìn nhau và nhìn tôi  bởi mùi hoa hoàng lan được phảng phất ra từ hai chiếc túi áo ngực của một chàng trai bộ đội trẻ măng.
Các cô ấy cứ nhìn tôi  như muốn hỏi một điều gì ấy?
Có chăng:
- Anh chắc đã đọc câu chuyện “Dưới bóng Hoàng lan” của Thạch Lam ?
Hay  các cô ấy lại muốn khoe với tôi  rằng:
-  Anh ạ giữa mấy lớp quần áo chúng em để trong va ly, trong hòm ở ký túc xá trường đại học,chúng em có để ở giữa mấy bông hoa hoàng lan gói trong khăn mùi xoa đấy?
Thời gian trôi qua. Bây giờ người ta dùng những loại nước hoa như Chanel hay Gucci  thì câu chuyện mùi hoa hoàng lan kia  dần dần đã vào quên lãng.
-----------
Hôm qua, tôi ốm nằm nghỉ  ở nhà. Trong lúc lướt mạng đọc báo,vô tình tôi  đọc được  một câu truyện ( Ghi trong nhật ký của một cô Thạc sĩ ngôn ngữ ) kể  về tình bạn giữa cô ấy với một cô gái xinh đẹp nào đó lấy tên là hoa Hoàng Lan
Đọc xong một câu chuyện đẹp, tự nhiên tôi  có nhời giải đáp tại sao các nhạc sĩ, nhà văn lại lấy hình tượng  của hoa Hoàng lan trong các tác phẩm của mình.
Tối khuya, trước khi đi ngủ, tôi  làm một vốc thuốc ( Dùng liệu pháp xốc) cho chóng khỏi ốm để hôm nay còn đại điện cho gia đình đi dự đám cưới một người họ hàng quen biết ở mạn Thanh Trì – Hà Nội
Nửa đêm:
- Tôi  thấy người tôi  bồng bềnh trong tiếng nhạc nguyệt cầm.
Rõ ràng là tôi đang ngồi trên một bè vó trên sông ở ngã  ba Bạch Hạc  - Việt Trì.
Dưới ánh sáng leo lét của một ngọn nến giữa bàn, tôi  đang được uống rượu Bá, thưởng thức nem Phùng, và ăn món cá sông ở  ngã ba sông (nơi sông Đà và sông lô gặp nhau)
Trước mặt tôi  là một cô gái trẻ xinh xắn, tóc phi dê ngắn ôm sát khuôn mặt trái xoan, em mặc chiếc áo tứ thân thật vừa người- Đúng là Em gái thị trần Phùng huyện Đan phượng mà tôi  đã nhìn thấy  từ thủa nào. Rồi sau đó,hình như không ai nói gì cả, có nhẽ  chỉ còn có  hơi thở của sông Hồng và tiếng đàn nguyệt  vọng từ trên đỉnh núi Tản Ba Vì xuống mặt sông đầy sương.
Sáng nay  tỉnh  dậy, tôi  thấy đỡ ho hơn và không còn chóng mặt như hôm trước, nghĩ lại chuyện vừa qua  cũng không chắc chuyện đó  là thật hay là giấc mơ nữa?
Tôi bèn chép lại và bắt chước Thạch Lam tôi cũng  đặt tên cho câu chuyện tôi mới viết này  là “ Hoa Hoàng Lan”

CÂU CHUYỆN CỐC PÀNG.




Vào một ngày đầu tháng 3 năm 2011, hôm ấy, trên tờ lịch treo tường  có ghi là ngày truyền thống của bộ đội biên phòng, nhớ thật rõ ràng là lúc này, trời chuyển gió mùa đông bắc, mưa phùn nhè nhẹ, cả một vùng biên giới chìm trong mây mù.
Loáng thoáng trên con đường từ Bảo Lạc vào Cốc Pàng còn  nhìn thấy những cây đào vẫn đỏ hoa, những cây mận vẫn trắng xóa. Trên con đường chỗ thì rải đá, chỗ vần còn là nền đất lầy lội  có một cô gái chừng 24 tuổi đi xe máy qua cửa đồn biên phòng Cốc Pàng, cô ấy đi xuống ngôi trường, nơi  cô đang dạy học ở trung tâm xã Cốc Pàng phía dưới thung lũng. Nhìn qua cánh cửa vọng gác vào trong đồn , ở đấy dường như người ta đang chuẩn bị liên hoan thì phải ?băng cờ khẩu hiệu căng đẹp lắm.
-Chả có người nào mình quen cả
Thì thầm một mình rồi cô tập trung vào tay lái:
- Con đường vào trung tâm xã, xuống dốc ,quanh co,chưa được rải đá, trơn thật là trơn.
--------------------
Cô là người sinh ra ở huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng, học xong trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh  cô được phân công vào Bảo Lạc dạy học,cứ ngỡ được ở ngoài thị trấn, ai dè phải đi hơn 30 cây số đường đất nữa mới đến được trường ở tận trung tâm xã Cốc Pàng. Cũng may khi vào nhận công tác, nhà trường bố trí cho một gian chừng 14 m2, đối với mình cô thế là quá rộng rồi.
Cứ lần nào cũng vậy, đi hơn trăm km từ Bảo Lạc về đến Hòa An về thăm nhà mỗi ngày chủ nhật được nghỉ, bố mẹ cô lại nhắc cô rằng:
-Liều liệu mà lấy chồng đi để cho bố mẹ có cháu bế,con gái hai mấy tuổi rồi?
Mẹ cô đã không bênh còn thêm vào:
-Hay là về nhà mở cái quán bánh bánh kẹo đường sữa rồi lấy tấm chồng?mẹ sinh con năm hai mươi mốt tuổi đấy.
Cô cứ đánh trống lảng:
-Bố mẹ cứ nuôi thêm mấy con gà con lợn đi,rồi chuẩn bị mà bế cháu, chỉ sợ không còn sức.
 Vừa nói cô vừa nghĩ đến một cặp vợ chồng mà cô biết:
- Chị ấy dạy học tận trong Chè Lỳ -Đức Hạnh-Bảo Lâm ,còn chồng là đại úy bộ đội biên phòng ở Cốc Pàng, anh chị ấy lấy nhau hơn chục năm,họ có một đứa con vì điều kiện khó khăn ở nơi thâm sơn cùng cốc, đành nói khó với  bà ngoạ (ở ngoài thành phố Cao Bằng) trông giúp  còn vợ chồng anh chị ấy, ở trong này  gắn bó với cột mốc biên giới và lũ trẻ con người H’Mông.
Vào những ngày ở xã  Cốc Pàng có chợ phiên, cô lại có dịp  nhìn thấy anh chị ấy tay dắt tay nhau đi chợ với đôi khuôn mặt tràn trề hạnh phúc.
-  Cái mô típ chồng là bộ đội vợ là giáo viên vẫn là niềm ao ước của một ngừoi trẻ tuổi như cô bây giờ.
------------------------
Buổi tối nọ, sau khi cơm nước xong,ngồi vào bàn soạn giáo án.Cô giáo trẻ  giở cuốn sách ra cầm cái bút lên rồi lại đặt xuống bàn.
Cách đấy mấy gian nhà,là gia đình một cô giáo có chồng làm nghề  lái xe tải chở vật liệu cho mấy mỏ đá ở trong  xã. Hôm nay trong gia đình của vợ chồng cô giáo ấy có một người ở Hà Nội lên công tác,gia đình cô giáo kia làm cơm và mời đôi vợ chồng là cô giáo và bộ đội biên phòng mà chúng ta mới nghe kể ở trên  kia đến dự.
Ngồi phòng bên này cô giáo trẻ cũng cảm nhận được rằng, ở bên ấy
- Họ ăn uống và nói cười vui vẻ, qua những âm thanh vọng sang cô như nhìn thấy rõ cặp mắt lúng liếng của người vợ trìu mến nhìn người chồng gắp thức ăn rót rượu cho mình
Cuộc vui kết thúc Rồi bên nhà hàng xóm mọi người , đã về cả.
Ở căn phòng đơn bên này, chẳng ai biết, cô giáo trẻ vẫn ngồi một mình bên chiếc đèn bàn đang bật sáng.
Thật lâu,
Cô giáo trẻ đứng dậy ,mở cánh cửa và  đi ra ngoài. Đứng ngay cửa nhà ,cô ngước nhìn lên trên đỉnh dốc:
- Ở dưới thung lũng vẫn nhìn thấy những ánh sáng điện chiếu ra từ đồn biên phòng ấy.
Lặng lẽ quay vào nhà , cô nhìn quanh, và tự dưng ước mơ rằng rồi một  ngày nào đó:
-Đằng sau tấm ri đô ngăn phòng kia, sẽ có một người đàn ông của cô, trông giống mấy chàng sĩ quan biên phòng tre trẻ mà cô nhìn thấy ban sáng ấy.
Tắt đèn đi ngủ, cô cũng vẫn đinh ninh rằng:
-Hạnh phúc sẽ đến tươi tắn và cũng đẹp như nụ cười trẻ thơ của các cháu học sinh người H’mông mà cô vẫn được chứng kiến trong những giờ lên lớp.
Thế rồi cô thiếp đi, còn đó trên môi cô giáo trẻ khi mang vào giấc ngủ:
-Một nụ cười mãn nguyện khi nghĩ về tương lai.




Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

HOÀI NIỆM


Chị sắp về hưu chắc vài tháng nữa, cứ sau công việc linh tinh chị lại ngồi chát, chăm chú lắm. trên bàn chị có để mấy quyển từ điển Nga Việt,Tom1,Tom 2.Giờ cả nước ít có doanh nghiệp dùng tiếng Nga,họa chăng có Xí nghiệp Viet Xo Petro ở Vũng Tàu.
Một lần tôi lướt qua,nhìn máy tính của chị:
- Chị đang chát bằng tiếng Nga,trên tường có một tờ giấy ghi vị trí con chữ trên bàn phím vi tính sang hệ Xlavơ
Cách đây lâu lắm rồi,cỡ năm 1974- 1975
Cô gái 17 tuổi trắng nõn nà người ở phố Hàng Bún thi vào Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân Hà nội, được học tiếng Nga, ngày ấy tiếng Nga thịnh lắm, học sinh các trường cấp 3 cũng phần lớn học tiếng nga,các trung tâm ngoại ngữ buổi tối cũng vậy.
Năm 1979 sau khi tốt nghiệp đại học chị  lên Công trường xây dựng nhà máy Thủy Điện Hòa bình.
Vài năm không chịu được khổ, với lại con cái bìu ríu chị xin về cơ quan ở Hà Nội.Cơ quan bé có mấy chục người, thỉnh thoảng mới có có dăm ông chuyên gia Nga, thế mà phiên dịch tiếng Nga  có đến sáu vị thừa nhiều quá, chị làm văn thư, lúc đó theo thời cuộc cũng chuyển sang học tiếng Anh,nhưng cũng chẳng để làm gì (Còn tốt chán, mấy người phiên dịch kia, sau khi Liên Xô tan vỡ -hàng hóa lại toàn nhập của Pháp, Đức , Ấn độ chẳng cần tiếng Nga, thế là người xuống phòng hành chính,người làm bảo vệ,người làm chân kiểm hàng hóa vật tư khi nhập hàng tại cảng Hải phòng)
Thấm thoắt mấy chục năm đi qua, đổi mới.
Có vi tính,lại nối mạng
Con cái cũng đã  lớn
Làm nghề văn thư cho một phòng be bé cũng nhàn,chị bước chân vào mạng ảo,
vươn xa đến mấy vạn cây số,
Từ đấy, ngày ngày, tôi thường  thấy chị tra từ điển tiếng Nga,viết, chát, vốn tiếng Nga của chị mấy chục năm không dùng đến, mai một nhiều .
Đôi khi tôi đi Công trường về lượn qua phòng chị ngồi,nịnh chị với vài câu tiếng Nga mà ngay bản thân Tôi cũng rất lâu không sử dụng.
Chị nghe
Chị cười, sung sướng mãn nguyện:
- Nụ cười mới xinh làm sao
Tôi thở dài:
- Chị đang sống với một thời đã xa, lâu rồi mà hình như ta gọi là Hoài Niệm thì phải?

CHUYỆN VỀ ĐÔI VỢ CHỒNG NGƯỜI PHIÊN DỊCH TIẾNG NGA.

Vẫn nhớ
Thời nhà máy thủy điện Hòa Bình chưa phát điện, ngoài cửa hầm tại cao độ 50 chỗ nhà Апк bây giờ là một ngôi nhà hai tầng của Công ty công trình Ngầm của ông Trần Thọ Chữ, chỗ  đấy là nơi phát bánh mỳ ca, nơi nghỉ trong chốc lát của những người cán bộ quản lý kỹ thuật, thường thì hàng ngày sau khi đi kiểm tra toàn công trường thì những người quản lý hoặc cán bộ kỹ thuật  về đấy ngồi nghỉ, tất nhiên trong số đó có cả những người chuyên gia Liên Xô.
Lúc ấy Ban Quản lý nhà máy thủy điện Hòa Bình gọi tắt là Ban A do ông Thái Phụng Nê  làm trưởng ban có một bộ phận giám sát kỹ thuật ở ngoài công trường.Họ thuộc phòng kỹ thuật của ông Trần Quí Hảo,bộ phận đấy có các kỹ sư người Việt và các chuyên gia người Nga trực ở đấy,những năm bấy giờ mặc dù ở các trường đại học kỹ thuật của chúng ta trong năm năm học đều học tiếng Nga, dưng có lẽ những sinh viên trường Mỏ, Thủy lợi, Xây dựng và Bách khoa những năm ấy chả bao giờ nghĩ đến rằng sau này ra trường lại được làm việc với Tây nên trình độ ngoại ngữ cũng chỉ là biết đánh vần theo bảng chữ cái Xờ La Vơ
Có một cảnh mà những người biết tiếng Nga không khỏi cười ra nước mắt là  thi thỏang cứ thấy mấy anh chuyên gia xì xà xì xồ với cánh công nhân việt, lại nghe thấy những tay người Việt trong những chiếc mũ bảo hộ ấy trả lời:
-да да
Cho dù mấy anh Tây có nóng những người Việt kia cũng chỉ biết trả lời bằng mỗi mấy câu:
-да да.
------------------
Trên tầng hai của ngôi nhà ngoài cao độ 50 ấy, có một người phiên dịch, cao cao,nước da màu trắng trong bộ quần áo bộ đội bằng vải Tô Châu Trung Quốc, anh ấy ngồi ở đấy, thi thoảng có người vào nói chuyện với mấy anh chuyên gia thì anh dịch lại cho mấy người công nhân kia nghe, thường vào buổi trưa  anh mua một suất bánh mỳ ca (của mấy tay công nhân không ăn bán lại lấy tiền, khi thì của mấy tay xí nghiệp hầm, khi thì của mấy người phụ nữ xí nghiệp thủy công) để ăn thay vì về nhà nấu cơm để ăn.
Rồi một lần nghe ai đó kể lại rằng, anh đang học đại học Ngoại Ngữ thì đi bộ đội năm 1972, sau năm 1975 anh về học lại và gặp vợ anh ở lớp tiếng Nga đợt sau này, cách đây mấy năm vợ anh xin về được một cơ quan cùng ngành ở Hà Nội thấy bảo ở đó cũng có mấy người chuyên gia Liên Xô công tác .Anh cũng đang xin về đấy, nhưng họ bảo ở đấy không còn chân phiên dịch, chỉ còn chân giao nhận vật tư thôi.
Anh bảo:
- Thôi về, làm gì thì làm, miễn gần vợ con là được.
------------------
Theo năm tháng câu chuyện về vợ chồng người phiên dịch ở Công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình năm xưa  rơi vào quên lãng. Hôm nọ đi đám cưới ở chỗ chợ Hàng Da gặp một người quen cùng cơ quan với anh, người ấy bảo:
- Tôi về hưu vào Đồng Nai làm tháng 10 triệu được  bao ở, nhưng nhọc quá,nhoi ra giới thiệu cho thằng P ( cứ gọi anh ấy là P- Phiên dịch cho dễ nhớ) cũng mới về hưu làm thay,với lại bây giờ  vợ chồng nó ly thân nó vào đấy đâm lại hợp
Mới giật mình:
- Quái quen cả hai vợ chồng, nói chuyện với họ nhiều năm mà không biết điều ấy nhỉ? Mà sau khi anh chuyển từ Hòa Bình về vợ chồng anh còn sinh thêm một đứa con gái nữa, mà nay nó cũng đã tốt nghiệp đại học rồi.
Cũng định chả viết những chuyện này ra để làm gì, nay chui vào mạng chợt đọc được một bài viết đã đăng báo từ năm 2009 mà nhân vật chính trong câu chuyện ấy lại là vợ anh - một người phụ nữ ở phố Hàng Bún, năm xưa  đã  học tiếng Nga ở Trường Đại học Ngoại Ngữ Thanh Xuân Hà Nội.
Theo quán tính, những dòng chữ viết về anh chị lại được đánh ra dưới bàn phím máy vi tính.
Bây giờ.
- Cả anh cả chị đã về hưu rồi, không  biết gì để kể thêm về anh và chị  cả.
Viết xong,vẫn nghe văng vẳng bên tai, lời một người phụ nữ trước cùng làm với anh trầm trồ:
- Dân trí thức họ kín đáo lắm, vợ chồng người ta ly thân cả chục năm mà hàng xóm chả ai biết.
Lâu cũng không gặp chị, giờ mà gặp nếu  chào chị bằng tiếng Nga như thế này:
- Доброе утро, Как жизнь?
Rồi sẽ  còn có gặp nụ cười mãn nguyện khi xưa của chị như đã từng viết nữa hay không?

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

Trung thu.

Một năm thì có 4 mùa, xuân hạ thu đông,mỗi mùa thường mang lại cho người ta những cảm xúc khác nhau ví như lập xuân là chuẩn bị đón năm mới, trung thu là tết của thiếu nhi,rồi lập đông là nhắc người ta về một mùa rét sắp tới
Hồi tôi ở bộ đội có một bài hát mà lời như sau,có nhẽ bây giờ ít người biết: 

- Mùa xuân tình yêu đâm chồi,mùa hạ tình yêu ngát hương,mùa thu mang hương tình yêu vào trong màu mây tím mênh mang,khi đông về tình yêu cho nắng,tóc em dài bốn mùa vẫn ngóng đợi…
Lúc bố tôi còn sống ông thường bảo : 

- Xuân thu nhị kỳ có nghĩa là một năm có hai lần quan trọng,cứ tiết ấy con cái nhớ đến cha mẹ,ông bà với công sinh thành nhớ mua về nhà chiếc bánh chưng,hay hộp bánh trung thu
Đôi khi  nhớ lại ngày xưa chúng tôi đón trung thu như thế nào? Xa quá chả nhớ nữa,hồi đi sơ tán Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất,cứ sáng giăng bọn trẻ con lại chơi trận giả,chơi sờ đầu,cũng có khi lấy đất thó nặn thành cái đèn pin,cho tấm kính vào đấy rồi bắt đom đóm bỏ vào,rồi cũng có khi lấy tờ báo cắt mấy cái lỗ hai cái mắt,một cái mồm bịt vào mặt
Sau này chúng tôi còn tự làm đèn ông sao bằng nứa,dán giấy bóng kính cho nến vào rồi đi rước đèn,có đứa không có đèn mang cả ảnh Hồ Chủ Tịch đi rước,gõ trống,vung nồi loảng xoảng
Kể cũng lạ:
- Ngày ấy đi rước đèn chúng tôi toàn cởi trần mặc quần đùi mà chả ngượng gì?
Mãi đến khi bố mẹ tôi sinh chú út,ngày trung thu bố tôi mua cho chú ấy một cái trống bé tý có cái dùi, đến chú ấy gõ inh ỏi.
(Ngày xưa không có nhiều máy ảnh như bây giờ,khu nhà tôi có chú Phi là thợ ảnh cho trường đại học quân y,thỉnh thoảng nhà tôi nhờ chú ấy chụp cho một Pô,tôi nhớ chú út nhà mình cũng vào đận trung thu này, được bố tôi mua cho một bộ quần áo dệt kim,quần như quần đùi còn áo giống áo may ô có tay với một quả bóng cao su,là năm 1974,lại nhờ chú Phi chụp cho một kiểu ảnh chả biết còn không?)
----------------------------------
Bây giờ,  qua tháng 7 ngâu là lại đến tháng 8 là giữa thu, giờ là kinh tế thị trường nên ở Hà Nội cứ đi một đoạn lại nhìn thấy  một quầy bán bánh trung thu,nhiều lắm Tôi có một tay bạn,hắn làm phó chủ tịch một thị trấn ở Phan Rang,gần thu hắn cũng bốc đồng thơ với phú làm mấy bài liền,tôi đọc thơ của hắn rồi bảo:
-Ông ợ,ăn bánh trung thu bây giờ đi,chứ để đến rằm mới ăn nó mốc hết chả ăn được
Hắn cũng chả vừa trả nhời:
-Để cuối thu đầu đông ăn bánh trung thu bác ạ,ăn bánh ế giá rẻ hơn nhiều
Chao ôi:
-Kinh tế nó khó khăn,đến ăn trung thu mà cũng để đầu đông,để xơi bánh ế..Tôi nghe hắn nói cũng chả thành cười cũng chả thành mếu
Hôm 1/ 8 tôi về thăm mẹ mình mình mua mấy quả xoài về để lên bàn thờ,thấy trên bàn thờ đã có mấy cái bánh trung thu bày ở đấy rồi.Thấy tôi nhìn
Mẹ tôi bảo:
-Cô dâu hai a mua bánh đấy,có thắp hương luôn không? Mẹ thắp hương xôi giò và hạ rồi.

Tôi nói với mẹ:
-Cứ để đấy thắp hương cho các cụ ăn trước.
Thắp hương cho bố tôi xong,mình tranh thủ tạt qua nhà ông bà ngoại và cũng biếu các cụ hộp bánh trung thu:
- Tôi sợ đúng hôm trung thu, tôi bận ở Mường La không về
---------------------------
Hôm nay, sau cơn mưa,đi ăn cơm về,thấy thị trấn Mường La vắng lặng, chợt nhớ đúng hôm rằm trung thu năm 2010 mình ở Hát Lót hôm ấy cũng sau khi ăn cơm xong,thấy nhiều người mặc áo xanh đỏ múa lân,gõ trống phèng phèng,họ làm hẳn cái xe cải tiến để cái trống lên đấy gõ,múa gậy rồi ngậm xăng phun lửa,họ đi dọc thị trấn ấy Tôi  hỏi mấy cháu ở nhà nghỉ:
-Có mất tiền thuê họ múa không?
Thằng cháu lễ tân mới nói:
-Free chú ạ 

Tôi  lè lưỡi:
-Họ đón rằm oách hơn phường mà gia đình tôi đang ở dưới xuôi.
----------------------------
Chợt nhớ, chưa gọi điện về nhà Tôi mới lấy máy gọi cho con gái út mấy lần:
-Chả thấy thưa máy (nhà tôi chuyển ra bìa thành phố nên không lắp máy cố định chắc chuông bé chả ai nghe)
Lúc sau, mới gọi được cho bà xã, và biết được:
- Hôm nay vợ tôi cho đứa bé đi ăn trung thu với con nhà cô dâu út 

Tôi lẩm bẩm:
- Mồng 4 rồi,ăn trước để đỡ phải ăn bánh thiu
------------------
Mấy nay  đọc báo thấy ở Bắc Trà My do thủy điện Sông Tranh tích nước gây động đất kích thích,tâm chấn cách mặt đất 5km,khi động đất phát ra tiếng nổ ầm ầm,dân hãi chạy ra khỏi nhà giống như tránh máy bay mỹ thời chiến tranh phá hoại. Họ còn kể  là nhiều người dựng lều bằng tranh tre nứa lá để ở vì sợ nhà sập,đọc xong những tin ấy,lại nhớ cảnh chúng tôi cởi trần mặc quần đùi,đánh trống đón trung thu năm nào.

Tôi cũng băn khoăn:
-Chắc trung thu dân ở đấy lo chạy động đất, thì cũng chả đánh trống múa lân như những người dân ở Hát Lót mà tôi đã chứng kiến năm nào?
( Viết vào ngày 19/09/2012 bài đã đăng báo nhưng khi đăng họ cắt mất một đoạn. )