Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Vị Xuyên.

Bây giờ
Ai đó đi hết con đường quốc lộ 2 là đến Vị Xuyên Thanh Thủy,nơi có con sông Lô chảy vào đất Việt, người đó sẽ gặp hai cái cổng người ta vẫn gọi là cửa khẩu phía ta gọi là Cửa khẩu Thanh Thủy, phía Trung Quốc gọi là Tian Bao. Bên phải hai cửa khẩu ấy là con sông Lô chảy từ Trung Quốc sang phía bên đất Trung Quốc họ kè bờ .

Phia bên phải sông Lô là núi, trên sườn núi có hai hàng cột điện Việt Nam mua điện của Trung Quốc, trên nữa là những ngọn núi thật cao mà đứng trên đấy ai đó có thể bao quát và nhìn khắp thành phố Hà Giang, rồi biết thêm:
- Cột mốc biên giới của ta với Trung Quốc gần cửa khẩu là cột mốc số 261, lùi xa về phía Hà Giang còn có một cây gạo to ven đường.( Những cháu sinh từ năm 1980 đổ lại, chắc là chỉ biết như thế thôi).
Còn đối với những người sinh năm 1966 đổ về trước,Vị Xuyên không phải như thế, với họ:
- Vị Xuyên là một thời máu lửa thời đấy nước sông Lô nhuốm máu người,  thịt xương người trộn lẫn với đất ở trên những ngọn núi cao cao xa xa
Hôm qua  ở thành phố Hải Dương, có thấy chính quyền ở đấy tổ chức tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7,  tôi mới xem lịch và biết là ngày 25/7 tự nhiên băn khoăn rằng:
- Mai  là ngày 27/7/2014,lại đúng ngày 01 thàng 7 âm lịch ( Tháng cô hồn, mùa Vu Lan, xá tội vong nhân) không biết có những ai đến Km 272 quốc lộ 2 cách thị xã Hà Giang 18 km rẽ trái thắp hương cho hơn 1700 vong hồn liệt sĩ chết vì cuộc chiến của những người bên kia cái cổng có chứ TIANBAO gây ra? và liệu còn ai là không phải những cựu binh đã chiến đấu ở đội hình các sư đoàn 3, 313,3 14, 316, 356, 312, 325, 31, đã đến nơi có cây hoa gạo đã kể trên làm một mâm lễ, có bỏng ngô, vàng mã, cháo thắp nén hương vái vọng lên những sườn núi cao hơn cái cột điện mua của Trung Quốc với những cái tên cao điểm đã mờ dần trong ký ức như 1509, 772, 685, 233,236 phía đông sông Lô  nơi còn nhiều liệt sĩ trong cuộc chiến chưa tìm thấy được xác, rồi quay lại phía tây sông Lô vái vọng lên cao điểm 1100 nữa không?
Rồi cũng tự trả nhời mình:
- Sau sự kiện dàn khoan 981 nước Trung Quốc công nhiên thừa nhận để nhiều người dân nước ta gọi  họ là " Giặc đồng chí" như một bài thơ đọc trên mạng hôm nào, các cháu sinh từ năm 1980 trở lại làm nghề báo chí, nhân ngày 27/7 chắc cũng chả ngại ngần viết về cuộc chiến phía bắc đã diễn ra từ khi các cháu chưa chào đời, và kết thúc  khi các cháu đã biết đọc biết viết.

Cuộc chiến ngày hôm qua, cuộc chiến ngày hôm nay cần lắm những cây viết như của các cháu để đi vào lịch sử và trường tồn cùng dân tộc.
Chả thế mà ngay ở chỗ cửa khẩu Vị Xuyên ấy người ta treo khẩu hiệu có chữ vàng:
" Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong thời kỳ mới"
Mà chả biết bây giờ ở Vị Xuyên cái khẩu hiệu tôi đã  nhìn thấy và chụp ảnh lâu lâu có còn ở đấy nữa không?