Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

ĐỒNG HƯƠNG

Cách đây mấy năm, tôi hay ra chợ Bảo Lạc để mua thịt của một người đàn ông cao cao,răng hơi vô vổ, thi thoảng người ấy bớt cho tôi một vài nghìn so với những người mua khác, có lần tôi ra chợ thì thấy chị vợ của người đàn ông ấy bán thay, tôi nghe chị vợ ấy nói chị ấy người Mán, còn chồng chị ta là người dưới xuôi lên.
Một lần rỗi, tôi đứng lâu lâu với tay bán thịt ấy, tán hươu tán vượn, tay ấy nói với tôi là người ở Hà Tây huyện Phú Xuyên,lúc ấy tôi mới khám phá ra rằng :
-Chợ thị trấn của một huyện sát biên giới này có nhiều người dưới xuôi lên ví như vợ chồng tay bán phở tên là Tân Biên người Vĩnh Tường ,Vĩnh Phú, quán cơm sát sông Neo là của tay cựu sĩ quan 678 người Hà Nam, người đàn ông khâu giầy trong một câu chuyện cũng có nhan đề “Đồng Hương” tôi đã viết trong mùa đông năm nọ cũng là người Hà Tây cũ.
Những lần sau, mỗi khi mua thịt tôi đều hỏi tay ấy ( Tên là Hùng) xem lâu lâu có về quê không?
Mấy năm sau, tôi sang Sơn La về Hưng Yên đi Hải Dương không quay lại Bảo Lạc và cũng từng ấy năm tôi chưa vào chợ Bảo Lạc, nơi mà tôi quen nhiều người và biết nhiều chuyện trong mỗi lần tôi đi chơi chợ và mua mua, bán bán.
Ngày 01/08 âm lịch vừa rồi ,đúng vào ngày có chợ phiên, gác công việc tôi đang làm lại tôi lại đi vào chợ, tôi muốn ngó những em gái người Tày chít khăn,mặc áo cánh cầm quả bóng bay, những cô gái H mông vừa bán hàng vừa cười cười với ai đó,những người đàn ông trên núi xuống ăn phở uống rượu và nói với nhau bằng thứ tiếng mà người xuôi không hiểu được, người đàn ông khâu giầy cũng như em bán bánh rán má phinh phính tròn tròn năm nào.
Đi qua những người bán hàng với đủ mặt hàng,gạo,rau,thịt,củ quả rễ cây rừng hai bên con đường to vào chợ,tôi bước vào nơi người ta bán thịt.Nhìn thấy tay bán thịt tôi mới gật đầu chào:
- Lâu nay ông có về Thường Tín không?
Tay ấy vừa pha thịt vừa trả lời:
- Không có tiền anh ạ, mà tôi ở Phú Xuyên.
Tôi cười cười thay vì thú nhận là cái trí nhớ của mình giờ không còn như xưa nữa.
Xem chợ chán chê mê mỏi tôi vào quán cơm sau chợ để ăn,đang ăn thấy có người chào tôi quay ra,thì ra tay Hùng bán thịt.
Thấy tôi ngạc nhiên tay ấy giải thích:
- Đây là nhà tôi.
Để ý một lúc, sau tôi biết :
- Quán cơm sau chợ nơi tôi đang ngồi ăn là của vợ chồng em gái tay ấy.
Chiều nay,sau khi ăn cơm ở đó xong, rảnh rỗi ,tôi đi bộ đến nhà tay cựu bộ đội biên phòng ngồi chơi, (Ngày mai tôi sẽ đi xuống Nguyên Bình, đận này xong việc chắc thật lâu lâu tôi mới quay lại nơi đây.)
Ngồi uống nước nói chuyện ở đấy, tôi biết thêm tay Hùng bán thịt người Phú Xuyên trong chợ mà tôi hay đến mua và nói chuyện ấy, trước kia cỡ những năm 1980 là lính trung đoàn 750 quân đoàn 26 đóng ở xã Hồng Trị – Bảo Lạc, ra quân lấy cô vợ là cô giáo dậy học nơi trung đoàn đóng quân.
- Và thế là tôi biết vì sao tay người Phú Xuyên lại trở thành người bán thịt ở Bảo Lạc này rồi.
Chia tay cậu cựu bộ đội biên phòng, trên đường về nhà khách, tôi mủm mỉm cười khi nghĩ đến chuyện của mình năm nào:
- Ngày xưa mà nghe lời tay Thành đại đội trưởng tán em Huyền y tá tiểu đoàn thì có khi bây giờ tôi đang đeo bao dao,chăn trâu ở Tu Lý Đà Bắc ý chứ?
Mà có như thế thì có ai đến nói chuyện,chụp ảnh viết bài và gọi tôi là ĐỒNG HƯƠNG không nhỉ ?



PHỞ QUEN

Trên con đường cũ từ thành phố Cao Bằng dẫn vào chợ Bảo Lạc, đi ngang qua bưu diện huyện Bảo Lạc và chi nhánh điện Bảo Lạc,giữa hàng phố hai bên cắm cờ đỏ sao vàng, nhìn sang bên tay trái có một hàng phở sáng, buổi sáng xe chạy từ năm giờ sáng ở thị trấn Bảo Lâm ra Cao Bằng như xe Cao Bình, Cường Huệ đều đổ ở đây để lái xe và hành khách ăn sáng trước khi chạy một chặng đường 150 km để ra đến thành phố.
Quán phở là một cái chái vẩy ra của một ngôi nhà cấp 4 bên trong có một cái bếp đun bằng củi,bàn ăn là một cái bàn gỗ có bốn chân, mặt bàn là một tấm bê tông được lát gạch men trắng
Chủ quán là một thiếu phụ gần 50 tóc cắt ngắn có uốn xoăn xoăn ( Loại đầu mà trước năm 1975 người ta gọi là đầu Phi Dê)
Phở sáng ở Bảo Lạc cũng y chang những bát phở sáng mà người ta thường ăn trên con đường từ Nguyên Bình vào đến Bảo Lạc:
-Phở được thái từ bánh phở tráng và phơi lên cái sào nứa từ tối hôm trước. Trước khi bê cho thực khách người bán hàng cho vào đấy mấy miếng thịt lợn ba chỉ được cắt ra từ tảng thịt to rán, mấy miếng lạp sườn Cao Bằng thái nhỏ, ít rau thơm ít giá, ăn xong có cảm giác như mới được ăn bát mỳ đa ở xuôi nấu với thịt.
Cách đây hai năm, thi thoảng vào buổi sáng, tôi thường ăn phở ở đây, lúc đó thằng cháu cùng làm với tôi nó nói có vẻ hiểu biết:
- Chồng cô ấy làm trong huyện chú ạ
Và tôi cũng chả hỏi thêm nó làm gì nữa, mặc nhiên điều đó là đúng.
Bốn hôm nay, tôi trở lại Cao Bằng để giải quyết tồn đọng từ những năm trước, có một hôm tôi ăn bánh cuốn của cô Tâm giáo viên dậy văn mà tôi đã viết trong một câu chuyện nào đó đã lâu, còn lại tôi đã ăn sáng ở cái quán của người thiếu phụ có mái tóc phi dê này. Mấy lần đến đây khách đến ăn sáng cũng đông, cháu bé giúp việc bưng bê không kịp, tôi thấy mọi người đều tự đến đấy bê một bát cho mình. Chờ lâu sốt ruột tôi cũng ra bê lấy một bát( Chả nhẽ ngồi ngó mồm người ta ăn ?) Vẫn nhớ lúc người thiếu phụ chan nước vào bát phỏ cho tôi, tôi mới bảo với cô ấy rằng:
- Quán nhà em có cần thuê người bưng bê không? Anh đang thất nghiệp đây
Chả nhìn mặt người khách vừa nói câu ấy, cô ấy trả lời bằng tiếng kinh ( Có một chút đặc trưng của người vùng cao)
- Nhà em chả có tiền thuê bác.
Mấy người đang ăn nghe chuyện cũng nhoẻn miệng cười.
Buổi trưa xuống Huy Giáp( Lũng Pán ) làm việc, ngồi ăn cơm với mấy đứa cháu có nhà ở Khu 1 thị trấn Bảo Lạc chuyện này chuyện kia, trong câu chuyện có nói về quán phở sáng mà những chuyến xe khách chạy từ Cao Bằng Bảo Lâm mỗi sáng, một đứa có nói với tôi rằng:
- Cô ấy( người thiếu phụ có mái tóc phi dê ) tên là Bích , chồng cô ấy nghiện phải đi trại và chết cách đây mấy năm.
Tôi mới ngã ngửa người ra:
- Thế mà mấy năm nay cứ nghĩ chồng cô ấy làm ở Văn Phòng UBND huyện.
Chiều về, tôi đi qua dẫy phố cắm cờ đỏ , ngó qua cái quán ăn sáng tôi vẫn hay ăn, tôi tự nói với mình :
- Đằng sau mỗi lá cờ được cắm bên hè phố là một gia đình, và mỗi gia đình đó có những câu chuyện và hoàn cảnh rất riêng mà không phải ai cũng biết để mà chia sẻ được.Và vô hình chung những người khách trên xe chạy Bảo Lâm Cao Bằng vào ăn phở mỗi sáng kia, đã giúp người phụ nữ ( trong một ngôi nhà vắng bóng đàn ông) tự tin để tiếp tục sống với đời.


Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Chỉ là một chút viết trong những ngày lễ Vu Lan.

Hôm qua - Ngày mười ba tháng bẩy âm lịch.Có việc phải  đi Kinh- Môn Hải Dương , biết đơn vị làm cùng có ô tô xuống đấy, mới nói với họ cho đi nhờ ( Đi xe cơ quan tiện hơn bắt hai chặng xe khách, điều đó chả kể ai cũng biết mà )
Sáng đến đó sớm, trong lúc chờ xe mới ngồi nói chuyện với tay bảo vệ của cơ quan ấy ở phòng thường trực, chuyện này chuyện kia, rồi nói chuyện đất cát, nhà cửa con cái,được nghe tay ấy kể:
- Một người họ hàng nhà em sinh hạ được hai mụn con gái, đứa lớn lấy chồng vì nhà chồng quê xa, nên chúng nó về đấy ở rể. Đứa thứ hai sinh năm 1989 cũng mới lấy chồng, bây giờ con gái chúng  nó lạ lắm anh ạ, đứa sau mới lấy chồng được mấy tháng, quay về đòi bố mẹ chia nhà.
Nói đến đấy tay bảo vệ ngừng lại.
Không thấy tay ấy nói tiếp, mới hỏi thêm:
- Vậy con bé thứ hai nhà kia ấy  có được  học hành gì không, nhà chồng nó có nhà chứ?
Tay bảo vệ, rót cho người hỏi một chén nước, châm điếu thuốc rồi trả lời:
- Nó tốt nghiệp một trường đại học ở đường Hoàng Quốc Việt, nhà chồng nó có nhà anh ạ, mà rất rộng rãi, còn nhà bố mẹ đẻ nó  là một ngôi nhà  2 tầng  xây lâu rồi, nhưng bây giờ, chỗ đấy thuộc qui hoạch mở đường, nên sắp giải tỏa, muốn bán để chia  cũng chả ai dám mua anh ạ.
Xe đến, chưa nghe hết câu chuyện người bảo vệ kia kể, vội bắt tay người ấy rồi đi.
Đến nơi công việc bận rộn, rồi ăn, ăn uống uống quên khuấy câu chuyện nhà có hai đứa con gái của tay bảo vệ  kể lúc ban sáng.
Gần 9 h tối, Sau khi ngồi qua hai chặng xe  về  đến nhà, rửa mặt xong, chuẩn bị ăn cơm mới đọc bài viết của ai đó có câu "

-Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!
Nhớ ra rằng:

-Ngày rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân theo tục lệ, và cũng là ngày Vu Lan - Lễ báo hiếu của Phật Giáo được bắt đầu từ tích Bồ Tát Mục Kiều Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ.
Đọc lại bài viết mượt mà thấm đẫm tình người một lần nữa, rồi đi ăn cơm.
Gắp mấy cọng rau cho vào mồm nhai nhai, câu chuyện nghe được tay bảo vệ lúc sáng hiện lên rõ mồn một trong đầu:
- Là những tiếng nói xoe xóe của đứa con gái mới đi lấy chồng về đay nghiến cha mẹ đòi chia nhà, sự bất lực của ông bố tóc bạc sắp đến ngày về hưu thiểu não ngồi góc giường nghe mẹ con chúng nó lời qua tiếng lại với nhau.
Rồi cảm thấy trong mồm như đang nhai phải mấy hạt sạn:
- Ừ thì Vu Lan, ừ thì là báo hiếu, mà chả biết những điều hay người ta đã viết, những việc tốt  người ta đã  làm trong những ngày rằm tháng 7 như thế này, có đủ làm lay động tâm can của những đứa  có học mà chỉ biết mỗi đến tiền hay không?
Thời nay, những đứa vô cảm như đứa con gái trong câu chuyện đã nghe ở trên, trong xã hội, quanh ta, rất nhiều và nhiều lắm.