Trang

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Dù đến tết chả có tiền,thì hoa tầm xuân vẫn cứ nhú đo đỏ từ hôm nay rồi.

Dù đến tết chả có tiền,thì hoa tầm xuân vẫn cứ nhú đo đỏ từ hôm nay rồi.

Sáng lạnh,lóp ngóp từ đò lên bến, gặp mấy em buộc trên xe máy mấy cây tầm xuân xuống đò để mang về Hà Nội bán, thấy nhìn lâu, một trong em ấy nhỏen miệng cười má ửng đỏ, chợt thấy âm ấm
- Vẫn đông đang lạnh mà đã le lói chút xuân rồi ư?
Thì đã thấy trên mấy sạp báo gần quán cơm bụi đã thấy họ bán báo số tết rồi, cũng chưa đọc nên chả biết trong những tờ báo ấy có bài nào của ai đó mình quen không
Xong việc ở Tứ Dân chạy sang Đại Hưng,đã gặp chợ tết ở đây rồi, chợ chính không còn chỗ,người ta bày hàng ra hai bên đường bê tông ngay cạnh bãi tha ma và nghĩa trang liệt sĩ Đại Hưng đi chầm chậm qua đấy một em gái người Đại Hưng  đi ủng xanh trùm khăn kín mặt mời chào:
- Anh mua lá dong về gói bánh đi anh?
Xòe cái miêng có hàm răng thật trắng cười và nói với em ấy:
- Nhà anh ở Nhuế Dương có một vườn trồng một nửa là gừng với một nửa là cây lá dong để gói bánh chưng , mấy hôm bận chưa hái được nao em qua Thuần Hưng vào anh để rẻ cho mà bán em ạ.
Em mừng rỡ:
- Thật không anh? Cho em địa chỉ anh ơi.
Lại ỡm ờ:
- Trông em thế kia thì nỡ lòng nào nói dối, em cứ qua Thuần Hưng lên đê xuôi về Kim Động đến Lan Đình rẽ bên trái hỏi nhà ông bác sĩ quân đội về hưu ,anh là con rể ông bác sĩ ấy, mua bao nhiêu cũng có kể cả lá gừng nữa
Đang tán, chuông điện thoại réo, cười với em ý thêm tý nữa rồi đi.
Trưa xong việc,lành lạnh lại quay ra góc chợ Đại Hưng,mua cái bánh chưng với khoanh giò cầm lòng đến chiều.
Vừa ăn vừa nghĩ:
- Thấy nói đâu đó,khó khăn viên chức ngày tết được gói mỳ chính với hộp mứt, thôi thì, cứ như mình thế này, tiền ít cứ ra hàng giò chả làm cái bánh chưng với khoanh giò cũng là có tết rồi, cứ đâu phải nâng lên hạ xuống bóng nhẫy môi mới là có tết?
Chiều về đi trên con đường quen, lên đò cùng với những người buôn gà,buôn vịt buôn măng, thoang thỏang bên tai lời chào mời của em má hồng bán cây tầm xuân lúc sáng sớm:
- Anh mua mở hàng cho em đi?
Là lời hỏi han của ai đó:
- Chả biết tết này có bao nhiêu tiền để mà mua dần dần đi nhỉ?
Cơ mà dù đến tết chả có tiền, chỉ có gói mì chính với hộp mứt thôi, thì hoa tầm xuân vẫn cứ nhú đo đỏ từ hôm nay rồi.




Mai là 30 tết rồi.

Mai là 30 tết rồi.

Mai là 30 tết rồi, cổng vào làng đã được người ta sơn vôi sơn ve cắm cờ xanh đỏ, chợ đầu làng cũng đã bắt đầu vãn,bên bến sông những người về quê muộn cũng vội và qua đò để về nhà,đường về quê là con đường đang sửa dở dang cũng chả ngăn được háo hức của những người xa quê trở về, rồi thì ngôi nhà thủa xưa sẽ có đào có quất, mai là ba mươi nhưng ngày hôm nay cũng đã thịt lợn rồi, một con lợn mấy nhà chung nhau,thịt xong rồi chia phần.
Chia xong thịt có bộ lòng bầy ra chén trước, thì là lòng mề dạ dày, bát tiết canh.
Lâu lâu gặp nhau,bữa ăn với thức ăn chưa phải là sơn hào hải vị cũng thấy vui thật là vui
Thì đấy
Ánh mắt của mẹ già chờ con cái đi xa về trong những bữa cơm cuối năm
Bữa cơm đơn giản vậy nhưng đâu có phải năm nào cũng đầy đủ người về?
Ừ thì cứ vui đi và ghi lại những khoảnh khắc đáng quí ấy
Chỉ tý nữa thôi, cơm xong,trong lúc rửa bát,những phút giây vừa đi qua, sẽ trở thành quá khứ
Vui đi
Mai cũng đã là 30 tết đó rồi.










Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Chép ra một tý về Làng và Bến nước khi xưa.

Chép ra một tý về Làng và Bến nước khi xưa.

Làng ven sông, về làng phải đi qua một trạm bơm và một bãi tha ma có một cái cây to đầu làng. Xưa rừng chưa bị chặt,thủy điện chưa có khúc sông này lúc nào cũng ăm ắp nước,học sinh đi học sang làng bên (trường ở làng khác) ngày hai buổi qua khúc sông ấy
Dưới sông có những bè gỗ,bè nứa người ta thả trôi từ trên thượng nguồn về,trên bè người ta làm một cái lều bằng nứa lợp lá để ngủ qua đêm trong thời gian chống bè về, lúc chờ dỡ bè,mấy người ấy ra ngồi câu cá
Xa xa có mấy người thuyền chài bơi cái thuyền be bé bằng hai tay,vừa bơi vừa gõ gõ vào mạn thuyền, lại có mấy người mò trai trên sông, có những cái chậu trai để nổi trên mặt nước
Vào đến làng, bên cây si già có một bậc thang bằng gạch được xây xuống sông, ở đấy người ta gánh nước về, cho trẻ con ra đấy tắm, mấy cô nuôi quân ở đơn vị bộ đội ra đấy rửa rau vo gạo. Cũng chả quên nhắc đến ven sông ấy có con đường lát gạch, một bên bóng cây một bên là ngõ vào xóm , có ngôi đình cổ lợp mái ngói âm dương.
Một chiều đông lành lạnh,ký ức xưa trở về, quay lại ngôi làng ven sông đó,thẫn thờ đi từ đầu làng đến cuối làng, khúc sông xưa giờ đã trơ khấc chả còn nước, thấy gò thấy bãi giữa sông, xa xa lũ trẻ mang kích điện đi bắt cá ở những vũng còn lại giữa sông.Bồi hồi chạy ra bến nước đã từng xuống tắm:
- Vẫn còn đó những cái bậc và mấy cây si già.
Quay lại,lững thức bước trên con đường mùa đông văng vắng,bỗng gặp mấy khuôn mặt phụ nữ già nua
- Là mẹ,là chị đã gánh nước đã tắm cho trẻ con ở bến sông xưa đấy ư?
Nhiều chục năm đi qua, ký ức xưa đã khác, con người như cái lá đỏ trên cây kia, có cơn gió đông thổi qua, vài chiếc lá rụng xuống.
Lang thang với cảnh cũ ký ức xưa rồi trở ra,lại đi qua bãi tha ma đầu làng:
- Vẫn cây to đấy,vẫn cái nhà tiếp linh ấy,nhưng nhiều mộ hơn
Thì đó là thực tại
Qua mấy nhiêu năm,mình cũng đã trở thành ông già còng lưng,tóc bạc từ bao giờ
Thôi chép ra,mà chả chép bây giờ thì đến khi nào mới chép được đây?





Chỉ là chút suy tư viết vào ngày 7/1 ( Nhưng mà không phải là của năm 1979)

Vẫn nhớ.
những năm ấy buổi tối ở Thành phố HCM, trên những tụ điểm ca nhạc công cộng hoặc trên loa truyền thanh treo trên phố người ta hay mở nhạc bài " Ngày mai anh lên đường" có câu kết là " Như hoa phong lan chờ đợi,mưa gió không phai tàn,ngày về nhụy hoa ngát hương, anh ơi em lại đón anh về" dành cho những người con của thành phố đi chiến trường chống quân Khơ me đỏ
Thời ấy ra phố, đi một đoạn đường lại gặp cái bảng trên đó có mấy chữ viết bằng phấn trắng nguyệch ngoạc " Ở đây nhận xay bo bo" lính Bắc vào chả biết bo bo là gì mới tới tận nơi xem " Bo bo là cái tên dân miền nam gọi "mỳ mạch" một loại hạt mà các nước viện trợ cho ta ăn hồi đó" giờ bọn trẻ chả biết bo bo là gì, nhưng nói cho dễ hiểu là một loại hạt bên tây dùng làm thức ăn để chăn nuôi, còn ta mang về cho người ăn, nấu như nấu cơm, nhai đau răng lắm, nhai kỹ mới thấy ngọt, bo bo hồi ấy mà ăn sáng thì mỗi người được một bát,rưới tý nước muối có tý mầu nâu của đường đun cháy.
Ngày 7/1/1979 ta giải phóng Căm Pu Chia nhưng phải tối hôm ấy,và ngày hôm sau báo chí mới đăng tin. Ở Vĩnh Yên trong trường Đại học kỹ thuật quân sự khu 125 nhà ngoài cánh học viên sĩ quan lúc đó có khóa 9,khóa 10,khóa 11 vỗ tay hò hét vang trời,mừng giải phóng và mừng đỡ chết chóc.
Mấy năm sau, bố sang Pnôngpênh dạy đại học Y Khoa bên đó, ở khách sạn A 40.
Lúc về nước bố bảo:
- Sang Căm Pu Chia tổng kết lại thấy dân bên đó có mấy cái nhất là Tàn bạo, Dâm đãng và Tráo trở.
Nghe bố nói thì cũng ừ, thì đấy thôi:
- Nó tự tay giết chết gần 2 triệu người của nó, tráo trở thì đấy, trước nó là bạn sau nó đem quân uýnh mình.
Sau ngày 7/1/1979 quân ta cũng chả vui được lâu, nghe thời sự Trung Quốc cho quân áp sát biên giới phía bắc , sau tết nó đánh thật, ông anh họ lúc bấy giờ ở tiểu đoàn công binh trung đoàn 246 sư đoàn 346 ở Cao Bằng, đúng hôm 17/2 bị Tàu tập kích , cả tiểu đoàn chạy như vỡ trận.
Rồi là những năm tháng lo âu và đói kém tiếp theo.
Nay.
Sau 35 năm kể từ ngày 7.1.1979 đọc tin trên đài báo nói ta tổ chức kỷ niệm to phết, rưng rưng nhớ ngày đấy
Rồi ngậm ngùi:
-Sau 35 năm đã no hơn, nhưng vẫn còn khó khăn lắm, thanh niên học xong lớp 12 không phải đi bộ đội nhiều như ngày xưa nữa, nhưng bây giờ nền kinh tế suy thoái, có những đứa có mảnh bằng tốt nghiệp đại học đến mấy năm rồi mà vẫn chửa có thể tự nuôi sống bản thân mình.
Thế đấy.
Chả chắc sống thêm được 35 năm nữa, nhưng liệu đến ngày đó :
- Ngoài đường, trong nhà , đâu đó còn có những kỹ sư thất nghiệp không nhỉ?

Ngày này năm xưa

Vào ngày này năm 1979 ( Thứ bảy ngày 06/01/1979) trang 1 tờ báo Quân đội nhân dân số thứ bảy đăng tin Giải phóng thị xã Xoài Riêng và Cô Nhốt,thì trang 4 báo đăng tin Phản đối nhà đương cục Trung Quốc lại gây thêm tội ác mới với nhân dân ta ở ở vùng biên giới.
Vẫn nhớ :
Năm ấy Tố Hữu nhân sự kiện giải phóng Căm Pu Chia đã viết như thế này
"Lụt bắc lụt nam. Máu đầm biên giới
Tay chống trời. Tay giữ nước. Căng gân
Chẳng hề chi. Cách mạng đâu cần
Lòng sẵn mở. Và chân sẵn bước
Cho ngày mai nay, rộn ràng cả Nước
Mở hội mừng Xuân. Mừng bạn. Mừng ta.
Quên hết cực rồi. Trời đất đầy hoa
Bữa rau muối, mà mặt người rạng rỡ."
Thế
Một tháng mười ngày sau, cái tin ở trang 4 báo QĐND số thứ bảy ngày 06/01/1979 ấy trở thành tin chính trên các tờ báo lớn
Chả bao giờ quên.
Đó là sự thật lịch sử mà



Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Chào năm 2014

Sáng hẳn, biết thế vì nhìn thấy cái rèm cửa sang sáng, đã sang năm 2014 rồi, giơ cái máy để đầu giường lên đọc mới biết đêm qua họ bắn pháo hoa.đọc được lời chúc của nàng cho mọi bạn bè trên FB
Tầm này năm ngoái trên Sơn La, đầu năm 2013 nhớ đến mấy bài thơ xuân của Tố Hữu khi nhìn cành táo ven một ngôi nhà sàn trên đường vào bản. Cũng hy vọng, cũng ấp ủ,cũng chờ đợi, đến cuối năm chửa thấy gì thì cận cuối năm làm một trận liệt giường liệt chiếu.Thế mới biết chả có gì đoán trước được, mọi hôm vẫn dậy 5 h sáng, xuống chợ, đánh răng rửa mặt,nhét ví vào đít rồi lên đường.
Lần này vẫn thế như ma làm, cúi xuống một cái thế là rắc. Nằm trên giường, chân tay đạp quầy quậy,miệng leo lẻo nhưng bán thân bất toại mới bảo con:
- Thì trước khi chết ai cũng thế này con ạ.
Mấy ngày với thuốc,với ngải cứu, với đèn hồng ngoại, thế giới tồn tại là trong cái rèm cửa, sống cũng như là đã chết.
Ngày cuối năm, buổi sáng cố vùng dậy ra đường mới thấm cái câu lúc còn sống bố vẫn nói " Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.."
Tối về cơm xong, nghỉ sớm.
Mở mắt ra năm 2014 đã đến rồi.
Ta chờ đợi ở những gì trong năm 2014 nhỉ?
Thôi chả chờ gì nữa, biết thế đếch nào được mà đeo kính viễn nhìn về tương lai?
Ngắn và thực tế thôi vậy:
- Có thể là một cốc cà fê nâu nóng ngồi với một người mới quen, cũng có thể là bữa nhờn mép trong quán "Cháo lòng" ở Hacinco mà ai đó đã có nhã ý rủ?
Ừ thôi mắt mờ chân chậm, cứ như coi đến chợ phiên vào đúng tầm chiều:
- Trong cái chợ lèo tèo đã vãn người, đâu đó còn mấy miếng thịt bạc nhạc trên những phản thịt của mấy mẹ nạ dòng, mẹt bánh đúc đã nguội của người bán đã hết thời xuân sắc, thôi thì những thứ ấy vẫn hợp với mình, một người đã bước qua phía bên kia của cuộc đời, ử chỉ là như thế thôi, cũng đủ để đón chào năm mới 2014 rồi.


Lãng đãng của tuổi già về một chiều cuối năm đã sắp qua.

Chiều cuối năm, gió vẫn lạnh nhưng giời hửng nắng, chạy từ làng Hà Vĩ về đến cầu Thường Tín tới chỗ trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Tây,thấy khô khô họng, có cái gì thiêu thiếu ở một chiều cuối năm, rẽ trái vào quán cà fê, gọi một cốc cà fê nâu,rồi đặt chiếc Smart phone lên bàn, trước khi đặt không quên mở một bài hát đã có sẵn ở trong đó:
-Sông Lô chiều cuối năm, bất chợt gặp câu hát từ bến sông xưa vọng lại, ai về qua bến Bình Ca.
Thì đấy mới qua sông, nhưng là đoạn cuối của sông Lô với sông Thao trên thượng nguồn, mấy mươi năm đi qua, có chiều cuối năm ở biên giới Cao Bằng, cũng có chiều cuối năm ở Nghĩa Hưng Nam Định,mới năm ngoái đây chiều cuối năm 2012 lại ở Mường La Sơn La.
Ngồi gần đấy có một cháu gái, áng chừng học cao đẳng sư phạm Hà Tây ra uống nước, giở cái máy Smartphone ra bấm bấm.
Tự nhiên cười.
Nhớ đến chuyện đọc ở đâu đó có anh bộ đội tên lửa viết thư cho cô giáo sinh khoa khóa, chuyện mấy cô giáo sinh nhà A7 khoa văn lên biên giới hát văn nghệ cho bộ đội ở đoàn Khánh Khê.
Ừ thì chả có kỷ niệm nào cả,thôi thì cuối năm ngồi đây cứ thử tưởng tượng ra một câu chuyện chả bao giờ có:
Có nhẽ như thế này:
Cuối năm, chàng sĩ quan trẻ được cấp trên cho nghỉ phép về thăm gia đình, ở một huyện phía nam của một tỉnh cánh lính vẫn đùa là gọi tép bằng tôm, về đến nhà, chàng ngó qua giàn mồng tơi nhìn sang nhà cô hàng xóm, bác gái bên ấy thấy cậu thập thò mới nói rằng em nó ở trường chưa về, cậu sĩ quan đạp xe đến cầu Thường Tín đến cổng nhờ bác bảo vệ nhắn tin vào cho cô bạn gái rồi ra quán cà fê ngồi đợi. Chàng ngồi nhìn những giọt cà fê rơi rồi nghĩ xem nên nói với cô gái ấy những gì?
Lúc sau.
Cô hàng xóm ra, nàng mặc cái quần lụa hơi loe ở ống, mặc áo sơ mi trắng, tóc dài xõa ngang vai, đôi mắt to thơ ngây.
Nàng hỏi:
- Vậy cái lưng anh sau buổi tập vượt rào vật cản đã đỡ chưa? Biên giới có lạnh lắm không?
Rồi nàng ngắm nhìn chàng, ánh mắt âu yếm.
Chàng sĩ quan mà chúng ta tưởng tượng kia, thì chỉ mới gặp ánh mắt của nàng thì đã quên khuấy phải nói phải kể những gì,và dường như chữa thẹn,chàng nói khẽ với người chủ quán mở cuốn băng cát sét có những ca từ của bài hát nói về con sông cuối năm vào mùa đông ở địa đầu tổi quốc.
Họ cùng ngồi đấy,uống cà fê tay nắm tay nhau, rồi họ ngắm con đường quốc lộ chạy qua cửa quán.
Ngoài đường,gió lạnh có những người con trai con gái mặc ấm bịt mồm bịt mũi,đèo con về thăm quê, bên cạnh con đường trên cái cột đèn có những khẩu hiệu bằng lụa đỏ dán chữ vàng chúc mừng năm mới,cũng giống như tại thời điểm này : THỜI KHẮC CUỐI CÙNG CỦA NĂM 2013
Chà!
Lãng đãng chiều cuối năm của tuổi già chỉ toàn là Hoài Niệm, chả có tý ty gì của tương lai như cái mầu đỏ tươi,phơi phới của những khẩu hiệu mà họ đã treo ở hai bên đường cả.



Ngoài kia ở nhà thờ, họ đang hát thánh ca.

Năm 2001 tôi làm ở xã Nghĩa Lạc- huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định , ở đấy chúng tôi trọ ở nhà chị Ban (chị Ban là vợ liệt sĩ, có một đứa con trai tên là Quang xuất khẩu rồi ở lại nước Đức kiếm cơm, năm ấy chị mới cưới vợ cho con trai chị,và đứa con dâu cũng đã theo chồng sang Đức. )

Chị Ban chủ nhà chúng tôi trọ, khi đó làm ở nhà hộ sinh xã, có một mình nên chị cả ngày cả đêm ở nhà hộ sinh, chỉ đáo qua nhà chốc lát, vô hình chung tôi với tay Tiến cùng trọ ở đấy là người trông nhà cho chị.
Xã Nghĩa Lạc là xứ Đạo tòan tòng, điều đó được khẳng định thêm khi một lần, tay cai vật liệu tôi quen ( Lâu quá quên tên) đã nói với tôi rằng:
- Chỗ em chi bộ đảng cộng sản 99% là người Công Giáo trừ mỗi một cô giáo là đảng viên người xã khác đến.
Thi thoảng chị Ban về chị bảo tôi:
- Chú với chú Tiến ở đây buồn thì tối thứ bảy vào nhà thờ đạo nghe cha giảng đạo với nghe hát thánh ca vui lắm
Tôi công nhận điều chị nói là đúng, ở đấy tối người ta đi nhà thờ đông như ngày xưa mình đi xem chiếu bóng, buổi tối nghe người ta hát ở nhà thờ vọng sang, chả biết OPERA như thế nào chứ cứ như tai tôi nghe thì tiếng hát của họ thánh thót và hay lắm.
-----------
Vợ tôi làm ở một bệnh viện mà ở đó trước là một phần của nhà thờ đạo,lúc con tôi còn bé vào mùa đông cháu hay viêm họng với viêm phế quản, những lúc ấy phải vào viện nằm, tôi vào đó trông con, buổi tối nhất là thứ bảy chủ nhật, trong gió lạnh tôi vẫn nghe tiếng những người đi đạo hát ở nhà thờ vọng sang
Đôi khi tôi tự hỏi mình:
- Dễ đến hai nghìn năm rồi, chả ai nhìn thấy chúa sao người ta tin chúa thế? Buổi tối họ đi nhà thờ đông như ta đi mít tinh? Người theo đạo tính trên thế giới nhiều chục triệu người ( Tôi không thể viết ra đây những điều tôi tự cảm nhận và tự giải đáp cho mình)
Gia đình tôi có một số người đi nước ngoài và đã sống nhiều năm ở nước ngoài, cứ như họ kể và qua báo chí tôi biết rằng bên Tây họ ăn tết dương lịch, ăn từ 24/12 dịp Nô En,ở ta những người theo đạo họ cũng ăn tết Nô En theo tục lệ ấy, vẫn nhớ khi ở Nghĩa Lạc đúng 23 tết ngày ông Công ông Táo lên giời,tôi vẫn thấy ở đấy chả có không khí tết như ở những làng không đi đạo Công Giáo.
----------
Hai năm nay, vợ chồng tôi bán ngôi nhà 3 tầng đã ở đến 21 năm, và chuyển đến chỗ ở mới, gần nhà tôi ở , có một ngôi nhà thờ, cũng hai năm nay cứ thứ bảy chủ nhật tôi vẫn nghe ở phía nhà thờ có tiếng hát thánh ca vọng lên, những khi tôi không phải đi đâu xa,buổi tối tôi hay đi tập thể dục ở gần nhà thờ đạo, tập xong tôi đứng ghé mắt nhìn vào phía bên trong nhà thờ và nghe hát,những lúc ấy tôi lại cố tìm cho tôi lời giải đáp thật chính xác:
- Xã hội hiện đại rồi, xa lộ thông tin hiện hữu, ngồi một chỗ có thể có được những thông tin mà mình quan tâm trên khắp thế giới ( Kiểu như tôi xưa mò vào Intơnét xem tin cuộc chiến Nga Gruzia khi báo đài ta chưa đăng ấy) Vậy điều gì đã làm cho thanh niên,cụ già mà tôi nhìn thấy trong kia tự nguyện đến nhà thờ nghe giảng đạo và hát thánh ca mỗi thứ bảy và chủ nhật?
Nay, đúng dịp Nô en, tôi đi làm về sớm, phố xá trên đường tôi đi có đèn xanh đèn đỏ ,tôi thấy người ta bán nhiều đồ lưu niệm, chỗ nào cũng thấy chữ Merry Christmas, cũng thấy những thanh niên mặc quần áo đỏ đeo râu đi xe máy vù vù.
Tối ăn cơm xong,tôi ra cửa sổ nhìn xuống:
- Phía dưới xa xa, là nhà thờ tôi vẫn qua đó tập thể dục có kết đèn màu rực rỡ, cạnh đó nhà thờ dựng một sân khấu để giáo dân đến đón Nô en, tôi vẫn nghe thấy vọng lên những bài hát về ngày giáng sinh, không biết có phải thánh ca hay không?
Rồi tôi mở Lap tóp viết những dòng chữ này, xong đâu đó tôi vào Youtube đánh mấy chữ André Rieu - White Christmas để nghe tiếng vĩ cầm trong đêm mà những người theo đạo thiên chúa gọi là ngày lễ Nô En hay Christmas.
Cuối cùng tôi xin chúc các bạn của tôi,thật vui vẻ và thật ấm áp trong đêm ngày 24/12/2013.

Chuyện viết về tình yêu ( tình báo)

Chuyện viết về tình yêu ( tình báo)

Bạn mới quen năm nay 56 tuổi làm bảo vệ cho một bãi chứa Công ten nơ ở Thường Tín, sáng qua ,tôi xuống sớm làm việc, bạn đang lúi húi rang cơm để ăn, bãi xe có mỗi một người trông.
ăn sáng xong trong lúc ngồi uống nước với tôi, bạn bảo:
- Nhà tôi ở Chùa Hương đi làm thuê, ba bốn tháng mới được về một lần, toàn tranh thủ
Tôi mới bảo:
- Công nhân nó đang còn thuê ở đây bảo nó canh cho buổi sáng mà lượn về, có mấy chục cây về Chùa Hương mà
Bạn cười:
- Thì cũng phải thế thôi, vợ tôi cũng tâm lý lắm, tôi mới điện về là về mà bà ấy ở nhà đã nhắn lại là em bây giờ đi tắm đây.
Tôi mới cười:
- Thế bà xã đằng ấy năm nay bao nhiêu tuổi ?
Tay ấy tiếp:
- Mới có 48 ông ợ
Tôi uống chén nước rồi nói với bạn tôi:
- Ừ tuổi ấy đương lại xuân, tắm suốt ngày, chứ thêm vài tuổi nữa thì cả năm chả thấy các bà ấy bảo với chúng mình rằng em mới tắm xong rồi bố nói ơi, nhớ lấy lời này của tôi mấy năm nữa nhá..
Cả hai cùng cười.
Rồi mỗi người lại theo mối việc .


Tuyết rơi -Tombe la neige.

Tuyết rơi -Tombe la neige.

Mấy hôm nay Hà nội lạnh,nhiệt độ trong nhà đến 15 độ,mình mặc hai áo len với một áo bu dông, quần bò, quần đông xuân để đi xuống Thường Tín,
Ở ta thời tiết cũng lạ :
- cũng có năm mùa đông nóng như mùa hè, nhưng cũng có năm lạnh tuyết rơi, mùa đông năm ngoái mình ở Sơn La, ở Lào Cai tuyết rơi, cả gia đình chú em đi Sapa chụp ảnh với tuyết, mình vẫn nghe họ bảo biến đổi khí hậu toàn cầu, trái đất nóng lên băng bắc cực tan ,băng nam cực tan (có khi sau này Ninh Bình cũng là bờ biển cũng nên, đến lúc ấy chắc mình cũng tèo từ rất lâu rồi.) thế mà ở nước ta mấy năm nay vào mùa đông thường có tuyết rơi, đúng là mọi cái đảo điên,mưa, lũ, bão, tuyết chả còn theo qui luật nào nữa..
Chui vào mạng đọc bài, thấy ai đó mua vé tàu Lao Cai đi xem tuyết, cũng thi vị, ở tây năm nào cũng có tuyết rơi giời lạnh nên dân họ thông minh cuộc sống họ văn minh hơn mình, cũng hy vọng nước mình có tuyết rơi cũng giống như tây, dân khôn hơn,văn minh hơn cuộc sống đỡ khổ, để chả phải lúc nào cũng đọc được những chương trình " Áo ấm cho em" với cả " Cơm có thịt nữa"
Ở nước Pháp rất lâu rồi người ta có hát bài hát nói về Tuyết rơi- Tombe la neige do Salvatore Adamo hát,ở ta cũng có người dịch sang tiếng việt,nhưng ai biết tiếng Pháp thì chả muốn nghe lời dịch làm gì.
Lời Pháp như nguyên bản thế này:
Tombe la neige
Tu ne viendras pas ce soir
Tombe la neige
Et mon coeur s'habille de noir
Ce soyeux cortege
Tout en larmes blanches
L'oiseau sur la branche
Pleure le sortilege

Tu ne viendras pas ce soir
Me crie mon désespoir
Mais tombe la neige
Impassible manege

Tombe la neige
Tu ne viendras pas ce soir
Tombe la neige
Tout est blanc de désespoir
Triste certitude
Le froid et l'absence
Cet odieux silence
Blanche solitude

Tu ne viendras pas ce soir
Me crie mon désespoir
Mais tombe la neige
Impassible manege

Cách đây gần 40 năm, mình cũng học ba năm tiếng pháp, đọc những chữ trên đây vẫn đọc được,nhưng từ thì quên rồi, muốn biết phải tra từ điển. Ai biết tiếng pháp mà dịch nghĩa bài hát này sang tiếng việt cũng hay lắm.
Bây giờ , bạn nào thạo Intơnét vào Youtube uýnh chữ "Tombe la neige" sẽ thấy rất nhiều người trình diễn bài hát này, nhưng mình vẫn thích nghe Salvatore Adamo hát, đường link http://www.youtube.com/watch?v=K-DKXuWuoYM
Sáng trước khi đi Thường Tín mở mạng ra chui vào Intơnét thấy ai đó chụp ảnh tuyết rơi ở SaPa, lại nhớ bài viết của mình từ lâu lắm, vào một mùa đông lạnh giá, định bụng chiều về đến nhà, nghe lại bài hát trên, rồi soạn lại viết lên FB để đón một mùa đông lạnh, một mùa đông có tuyết, một mùa đông có ngày 22/12 hứa hẹn một ngày sẽ có nhờn môi bóng nhãy.
Thế
- Vừa có thực, lại vừa có nhạc, thì mấy cái giá lạnh với rét buốt có nhằm nhò chi?


Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Mùi hoàng lan.

Mùi hoàng lan.

Sáng sớm, qua đò Vạn phúc sang đến Thắng Lợi, đi trên đê tả sông Hồng ( lúc ấy chưa đến 6 h) gần đến lối rẽ xuống Mễ Sở thấy mùi hương hoa thơm là lạ,quen quen mình mới dừng lại hít hít:
- Mùi hoa hoàng lan
Cách đây mấy năm mình đã viết truyện ngắn về loài hoa này, thế rồi sau đó mình lên Tây Bắc, xuôi sông Hồng, rồi chuyển nhà về nơi mới,cái mới dần dần tay cái cũ, những ký ức cũ cũng vậy,nhòa dần đi theo năm tháng
Ừ mà hình như có bài hát nào nhỉ?Ca từ họ hát như thế này:
-Em ơi Hà Nội phố,ta còn em mùi hoa sữa,ta còn em mùi hoàng lan.
Trong ký ức của mình,là cây hoa hoàng lan ở số nhà 11B Ngõ Yên Thế, nhà bác mình ở trong những năm chiến tranh chống mỹ, mùi hoàng lan được ngửi thấy trong những lần trốn nấp máy bay Mỹ trong cái hầm tăng xê đào dưới gầm giường cạnh cửa sổ.
Cơ mà lạ lùng quá:
- Mình đã từng đi trên con đường đê tả sông Hồng đoạn Mễ Sở những hai năm liền (2006-2008) thế mà chưa lần nào cảm nhận được mùi hoa hoàng lan từ phía dưới kia tỏa lên?
Mình đứng lại rồi đi tiếp,đằng trước là một chuỗi việc đang chờ ở huyện Khoái.
Đến chiều,nghe cháu bảo:
- Chú ngủ lại nhé,ở nhà cô với em đi Sầm Sơn rồi nào có ai
Mình nhất quyết về:
- Buổi sáng mình định bụng chiều quay trở lại nơi có cây hoàng lan ngay gần chỗ rẽ trên đê xuống Mễ Sở, mình sẽ đứng ở đấy thật lâu,thỏa sức thở,thỏa sức hít một mùi thơm ngày xưa có quen nay đã trở thành lạ...
Thế là mình dắt xe về.Mình đi đến đúng chỗ lúc sáng. Mình ngẩn ngơ ngắm nhìn từng chiếc lá,từng cánh hoa.Xong đâu đấy, mình mới kiễng chân ngắt mấy bông hoa hoàng lan cho vào túi áo ngực.Trên đường về, ngửi mùi thơm dìu dịu của mấy bông hoa thoảng ra từ túi áo ngực,mình chợt nhớ ra rằng:
- Mình đã đọc ở đâu đấu đó trong ấy họ có một cô gái nào đó ngoài ba mươi rất xinh,mang tên loài hoa này,sở thích của nàng là cà fê và nhạc Trịnh và những câu chuyện về mối tình thủa mới lớn với một chàng trai ảo nào đó.Lâu lắm rồi không nhớ tác phẩm ấy của ai và tên là gì nữa? Chả biết nàng còn thích nhạc Trịnh và còn nâng niu mối tình ảo ấy nữa hay không? Một mùa hoa hoàng lan lại đến nữa rồi.

Một tý linh tinh khi đọc "ông lão hàng xóm" của Kim Lân.

Một tý linh tinh khi đọc "ông lão hàng xóm" của Kim Lân.

Tối qua giở máy điện thoại ra còm ở mấy trang FB, xong đâu đấy mới giở Kim Lân ra đọc, lại đọc chuyện về cải cách ruộng đất năm nào, đề tài này Ngô Ngọc Bội cũng đã viết.Đọc đến cái đoạn cán bộ đội nói với dân làng Vân Phú :
- Bà con phải nâng cao cảnh giác! Địch hiện nay còn trà trộn trong hàng ngũ chúng ta..
Lại nhớ đến hôm nọ đi Thường Tín qua chỗ UBND xã Thanh Thùy chụp ảnh, có hai tay mặc quần áo công an thôn ra hỏi:
- Chụp gì?
Bèn trả nhời rằng :
- Năm 1964 chiến tranh sơ tán phá hoại, tớ sơ tán ở đây, học ở đây ( Chả thấy biển cấm quay phim chụp ảnh) họ cười quay đi,bảo bác thích thì cứ chụp nhé.
Nọ đến nhà chú em ở Mỹ Đình,ngồi vui chú ấy nói:
-Tay hàng xóm có bảo em rằng bây giờ nếu chém gió ở quán nước nên kiệm lời,chỉ nói mây gió, trăng hoa thôi nhé.
Nay đọc Kim Lân
Mới nghĩ rằng:
- Ông ấy chết mấy năm rồi, dưng truyện ông ý để lại vẫn nhắc ta cảnh giác với Địch ( Địch vẫn quẩn quanh đây,trên mạng intờ nét chẳng hạn.)
Thánh thật.


Xưa mình đi đò

Xưa mình đi đò,con đò qua sông bằng gỗ, hồi ấy đò bằng gỗ nhưng đóng cũng to lắm,lúc mình với bố mình lên đò phải vác xe đạp lên một cái cầu bằng gỗ, lên được đò rồi,ngồi yên không đụng đậy,người chồng chống sào đẩy mũi đò ra xa,người vợ cầm chèo quạt quạt nước.
Trên đò mọi người im lặng, kể cả vợ chồng người chèo đò cũng thế? Nghe còn nghe được tiếng mái chèo quạt dưới nước.
Ban ngày người đi đò đứng tụm lại, người chèo đò bên kia sông thấy đông thì sang, đến đêm hoặc sáng sớm muốn sang sông,giơ cái đèn chai lên,hai tay bụm miệng:
- Ới đò,đò ơi...
Chả biết tên vợ chồng người lái đò là ai cả...
Vẫn xưa
Trên bến đò có chiếc quán nhỏ,một bà cụ già, thảng qua là người phụ nữ trung niên,ngồi bên chiếc chõng tre trên ấy bầy tích nước vối ủ trong giỏ, mấy thanh kẹo lạc,kẹo gôm,bánh rán trong những chiếc lọ thủy tinh..
Vào buổi chợ thường là ngày 5,10,15 bên bến đò ấy có gánh bánh đúc riêu cua mà người bán là một thiếu phụ,áo nâu,tóc vấn khăn, mắt đen láy,nhai trầu bỏm bẻm...
Gánh hàng bánh đúc riêu ấy đông người đi chợ lúc chờ đò xúm vào ăn
Đôi khi chỉ ngắm những em thanh nữ,áo pô pơ lin trắng,quần xa tanh đen,ngồi xổm ăn, sau đó với tay lên chiếc cặp ba lá trên đầu,nơi ấy cặp một hai tờ tiền một hai đồng bạc được gấp nhỏ cài như cái nơ trên mái tóc trả tiền mà không ăn cũng đã thấy no rồi.
Lạ thế
Đọc truyện Xú Vơ Nia của Nam Cao,nghe ông ấy kể cái cô Tơ người yêu cậu Hàn bán chiếc khăn tay để ăn bánh đúc riêu..lại nhớ đến cảnh mình đứng ngắm những cô thanh nữ ngồi xì xoạp bên bến đò năm nào...
Xưa
Mỗi lần về phép, chờ đò, gỡ chiếc ba lô để xuống chân, lấy cái mũ cối quạt quạt,vừa quạt vừa tưởng tượng nét mặt mừng rỡ của mẹ già, cặp mắt đen láy của cô hàng xóm lâu lâu chưa gặp.
Đò xưa là như thế...
Đang ngẩn ngơ trên bến đò ngoài bãi,em nhắn:
- Sao hôm nay chửa viết gì?
Ừ đi tìm nét xưa trên bến đò hiện tại đang đi, nào có phải dễ, cảnh đấy bến đò đấy nhưng khác xưa rồi...
Quay lên đê trở về với hiện tại.
-Còn ai nữa,có lúc nào hồi tưởng về nét xưa giống như mình bây giờ không đây?







Giờ thì chả có cảm xúc nào thi vị như cảm xúc lúc đang đếm tiền?

Giờ thì chả có cảm xúc nào thi vị như cảm xúc lúc đang đếm tiền?

Sớm qua đò Chương Dương sang thôn Phương Trù trên đò sang Hưng Yên có mấy người,ngắm một em gái đèo chiếc nồi nhôm đậy nắp,đeo kính vào nhìn cho rõ:
- Không phải em bán tiết bò luộc hôm nọ.
Có thể là em ấy là người đi rao bánh cuốn buổi sáng? thì ở chợ gần nhà, mấy em xồn xồn bán cuốn người Vĩnh Tường cũng bán bánh cuốn trong nồi nhôm thế này.
Đứng ngắm em ấy ngồi đếm mớ tiền lẻ trên tay,rồi quay đi ngó nhìn sông nhìn nước.
Lúc sau quay lại.
Vẫn thấy em ấy đứng lên đếm mớ tiền lẻ.
Chợt qua đọc bài viết của ai đó, có viết rằng cuộc sống bận rộn đã cuốn đi mọi cảm xúc.
Đò cập bến.
Ngắm nhìn em gái ấy với mớ tiền lẻ trên tay.
Chợt phì cười với ý nghĩ hâm hâm của mình:
- Giờ thì chả có cảm xúc nào thi vị, cuốn hút giống như cảm xúc lúc đang đếm tiền...?



Đi qua phố Tản Đà nhớ đến một bài thơ cũ.

Đi qua phố Tản Đà nhớ đến một bài thơ cũ.

Tản Đà là ai ? ít người tỏ.
Phố Tản Đà ở đâu ? ít người biết.
Chiều qua đi tập thể dục băng qua con phố mang tên Tản Đà,đứng lại rút máy điện thoại cạp quần chụp một phát .Tay bán hàng tạp hóa cỡ tuổi mình mặc áo may ô ở trong vẫy vẫy
- Quen đếch đâu mà vẫy,còn đương đi cho tiêu mỡ đây này.
Vừa đi vừa nhớ mấy câu ông Nguyễn Khắc Hiếu làm từ rất xưa:
" Đa tiền rồi mới đa tình
Ít tiền son phấn khinh
Đi qua phố Hàng Giấy
Trông nhiều cô cũng xinh
Mần thinh."
Móc ví đằng sau còn mấy trăm cò,dành để ăn đám cưới thằng cháu Tùng con chú Bảng đương học năm nhất trên thành phố ( Nhỡ nó đòi cưới- cứ phòng thế đã )
Phì cười:
- Bây giờ cứ như bác Mõ lương hưu đại úy,bà xã nắm sổ hưu, cứ mà đẹp trai bóng lộn như mình ( tưởng tượng thế) thì có đa tình thì cũng phải mần thinh
Xưa chả ai học Duy Vật với Biện Chứng thế mà cũng biết tiền là tiên chứ chả phải tình..
Ai đó chửa tin
Cứ hỏi em nào xinh xinh,mắt xanh mỏ đỏ ấy:
- Thì là mà rằng.. em có thích tờ xanh xanh có hình bác Hồ không xem em ý trả lời như thế nào?

Kể về một lần ghé thăm đình Phùng Hưng.

Kể về một lần ghé thăm đình Phùng Hưng.

Đường phủ Khoái về đến Kim Động là một con đường nhựa được bắt đầu từ thị trấn Văn Giang,
Hàng ngày tôi đi trên con đường đó, từ chỗ ngã tư cầu Khé đến cầu cây sung ngay chỗ rẽ vào chợ Đại Hưng và trường cấp 3 Nam Khoái Châu .
Xong việc trên đường quay trở lại huyện Khoái,cứ đi qua trụ sở UBND xã Phùng Hưng một đoạn, tôi nhìn thấy ẩn ẩn hiện bên tay trái một ngôi đình cổ gần bên hồ nước ( cũng có biển đề di tích đã được xếp hạng)
Rồi một lần, tôi rẽ vào trong đó,vãn cảnh.
Bước qua cánh cổng lớn có hai con sư tử đá chầu bên ngoài tôi đi vào trong ngôi đình. trong ấy mà một cái sân rông lát gạch có mấy cái cây to.
Vào trong ngôi đình,tôi thấy bên trái có một cái giường to,một bàn nước, trong đình có một bộ kiệu, dùng để rước ngày lễ trọng,một ít cờ phướn,binh khí dùng cho việc lễ tế, gian hậu đóng cửa nên tôi không vào được.
Trên nền gạch, và sân giữa nhà chính của ngôi đình và nhà đằng sau,tôi thấy người ta phơi nan đã chẻ.
Thấy tôi bước vào, một người đàn bà mời tôi ra bản ngồi uống nước,nói chuyện.
Ngồi một lúc tôi được biết đình Phùng Hưng này có mấy người đứng ra trông coi, người phụ nữ này và hai người đàn ông nữa,họ trông đình và cử người ngủ hẳn ở đây.
Ngoài việc trông coi ngôi đình,họ còn chẻ tre,vót nan đan xảo..
Tôi uống nước xong rồi đi ngắm quanh ngôi đình:
- Kinh tế khó khăn,nên nội cung và đồ cúng tế trong ngôi đình cũng không được đầy đủ như những ngôi đình khác tôi đã đến tham quan.( ở các nơi việc trùng tu và sắm đồ cúng tế là do những người trong xã có kinh tế hảo tâm công đức)
Vãn cảnh một lúc rồi tôi về
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ:
- Lúc tôi bước ra bậu cửa,tôi thấy trên hè,phía ngoài hiên,có một bàn cờ tướng đang đánh dở, lời của người phụ nữ nói với tôi rằng đan xảo cả ngày nếu bán đi thì một công lao động chừng được ba mươi nghìn..
Có nhẽ cũng chả cần nói thêm đâu nhỉ? với nhiều người nhất là quan chức có quyền lãnh đạo, họ không thể nào biết được giá trị một ngày công đan xảo của người phụ nữ tôi gặp trong đình Phùng Hưng,nhưng lũ trẻ ở ngoài Hà Nội, chắc là 9-10 tuổi học lớp ba lớp bốn,nếu ai hỏi nó,nó sẽ trả lời ngay:
- Ba mươi nghìn đồng là mua được ba cốc nước mía người ta bảo là siêu sạch đấy bác ạ...
Cơ mà
Người ta sống là cần ba bữa cơm,chứ chả ai uống nước mía trừ bữa đâu nhỉ?
Hôm nay
Tôi chạy một mạch từ đò Dương Thắng Lợi qua Mễ Sở,Đông Tảo,An Vĩ,Khoái Châu tôi thấy đường vắng tanh như tôi chạy từ Nguyên Bình vào Bảo Lạc Cao Bằng, nhớ lại chuyện hôm nọ nghe được trong đình Phùng Hưng.
Tôi lẩm bẩm:
- Kiếm chả được,họ bán xới đi kiếm ăn nơi khác hết rồi
Các bạn không tin tôi ư?
Ra Hà Nội trên con phố đông người tắc đường ấy,bạn thử hỏi người bên cạnh cùng đứng chờ đèn đỏ với bạn xem nhé:
- Are you from?
Để xem câu trả nhời bạn đã nghe được như thế nào?