Trang

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

CÂY RAU KHÚC.

Tầm này, vào những năm sơ tán chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở đình làng Rùa xã Thanh Thuỳ huyện Thanh Oai, vào sáng xuân ẩm ướt chúng mình ra thửa ruộng ngay đình hái cây lá khúc cho trại sơ tán, không nhớ sau đó ở trại người ta làm gì và có được ăn không? ( Lúc đó tổng thống Mỹ tên là Giôn Xơn và ông ấy đã chết từ đời tám hoánh nào rồi)
Những năm học ở đại học kỹ thuật Quân sự ở Vĩnh Yên ngoài phụ cấp binh nhì, binh nhất, thượng sĩ, thỉnh thoảng về nhà được bố mẹ cho ít tiền, thì đến lúc đó mình mới biết tiêu tiền và ăn quà.
Đường ra chợ Vĩnh Yên ngày ấy, từ khu 125 phải đi qua một con đường đất qua doanh trại của sư đoàn 411, qua ga Vĩnh Yên đi một tý thì bên trái là chợ , chợ thấp hơn đường. Mấy lần vào chợ thấy bọn học viên khoa vô tuyến người Hà Nội ăn bánh khúc, sau đó quay sang phở gánh của bà Ba Xu làm một bát, đầu tiên thấy chúng nó quân hàm quân hiệu học viên ngồi giữa chợ ăn thấy lạ, mấy lần sau cũng ngồi quán phở ở chợ, và xà vào hàng bánh khúc ăn thấy ngon, thế là thi thoảng cũng ngồi đó đánh chén cho ấm bụng ở thời kỳ ăn cơm độn ngô, bo bo và mỳ hạt
———–
Mình đi xa về Hà Nội đôi khi buổi tối đi ra đường thấy có người rao bánh Khúc, những lúc nhớ xưa, mua một cái ăn, thời buổi bây giờ chán cơm, thừa phở giờ, bánh khúc ăn không thấy ngon như xưa nữa mình đi đường thấy người ta bầy một hộp xốp có đề “ Bánh Khúc Cô Lan Nguyễn Công Trứ” có hôm tò mò mua một cái ăn, chỉ thấy đậu xanh, thịt mỡ và xôi, cái lá xanh xanh trong cái bánh Khúc chả có mùi vị gì, mình cũng nghe ai đó bảo:
– Bánh Khúc ở Hà Nội bây giờ không có lá Khúc chỉ là lá su hào, cải bắp.
Nghe cũng có lý vì cây lá Khúc chỉ mọc ở những thửa ruộng ngoài đồng vào mùa xuân, ở những đám ruộng chưa cầy bừa , cây lá Khúc tự nó mọc dại giống cây rau dền cơm chứ ít nơi trồng và hái cũng khó, đi cả buổi may ra được lưng rổ, chị Yên ( Một nhà thơ- có nhà ngay cổng 125 Đại học Kỹ thuật Quân sự) thấy mình khoe ảnh lá Khúc bảo mình hái về làm bánh đê, mình đùa với chị ấy :
– Em mà hái về làm bánh Khúc thì một cái bánh giá phải 200 ngàn đồng một chiếc.
———–
Nọ.
Một chú em bộ đội 1981 (cùng sư đoàn với mình) người Thái Bình có giới thiệu một bài báo mạng viết về bánh Khúc ở Song An – Vũ Thư – Thái Bình, mình đọc hết bài viết đấy, nhận ra đó là một bài viết của một người trẻ tuổi nào đấy, viết về sự ra đời của bánh Khúc liên quan đến tường Nguyễn Tất Ứng , một bài báo viết từ sự lượm lặt và xào xáo một bài viết đã được từng đăng ở đâu đó trên mạng.
Hôm nay.
Một ngày thứ bẩy hơi lạnh ở Yên Phong – Bắc Ninh, mình đi làm, trên miếng đất vườn người ta trồng nghệ hồi năm ngoái ( đã được đền bù để mượn đất thi công ) mình thấy dưới chân mình đứng là những đám cây lá Khúc, nhớ đến mùa xuân nào đó những năm 196x ở nơi sơ tán đi hái lá Khúc, những cái bánh Khúc đã ăn ở chợ Vĩnh Yên hồi học đại học, cái hộp xốp với có đề “ Bánh Khúc Cô Lan Nguyễn Công Trứ” trước mặt một người phụ nữ xồn xồn đứng bán, nhớ đến một bài viết về “cây lá Khúc” của cô giáo chùa Thầy mình mới đọc hôm nọ, thế là mình chụp ảnh đám ruộng có cây lá Khúc, và cây lá Khúc để xem cô giáo ấy nhận xét gì về những bức ảnh mới chụp lúc chiều nay của mình.
Giá mà:
– Mình cũng biết làm bánh Khúc như những người dân Song An- Vũ Thư – Thái Bình trong một bài báo mạng hôm nọ, với đám lá Khúc này mình sẽ thử làm cái bánh bằng lá Khúc thật để xem nó có vị khác những cái bánh Khúc nơi Phố Thị mà mình nghe nói vẫn làm bằng lá Su hào hay Cải Bắp đã từng ăn không?
Và có khi sẽ là thiết thực hơn:
-Giá mà mình quen một em gái Yên Phong nào đó, biết làm bánh Khúc để mình mua ăn, thay vì những cái bánh tẻ ( Bánh răng bừa) vẫn thấy bầy bán ở chợ Chờ và ngã tư Chờ mà mình nhấm nháp vào sớm hôm nay.
Giá mà:
– Mình vẫn trẻ và ngon trai như hơn ba mươi năm trước nhỉ?

THỊ TRẤN KIM SƠN VÀ THIẾU TÁ THẮNG.

Bây giờ.
It người biết đến thị trấn Kim Sơn Ninh Bình ( nơi có giáo xứ Phát Diệm nổi tiếng với rất nhiều giáo dân di cư vào nam năm 1954 và định cư ở khu vực Hố Nai) nhất những người theo đạo phật người ở các tỉnh thì càng không biết đến Kim Sơn- Ninh Bình.
Học cùng một lớp sĩ quan của trường Đại học Kỹ thuật Quân sự ở Vĩnh Yên với tôi ( Lúc đó hiệu trưởng là Trung tướng Hoàng Phương) có hai anh tên là Khánh và Các, sau khi ra trường anh Các lên Quân khu 2 nhận công tác, anh Khánh nhận công tác ở Quân khu 5 là người Kim Sơn, lúc còn ở trường anh em bảo ” Nhà anh Khánh cách nhà thờ Đá Phát Diệm có mấy bước chân”
Ra trường về đơn vị, tôi cũng không gặp các anh
Năm 1996 sau khi đã ra quân 7 năm, tôi có dịp đi làm dưới mạn Nghĩa Hưng – Nam Định, và Kim Sơn – Ninh Bình, từ đó tôi biết về Kim Sơn cứ xuôi quốc lộ 1 đến một ngã ba đường Trần Hưng Đạo, 30 tháng 6, Nguyễn Công Trứ , cứ rẽ tay trái theo đường Nguyễn Công Trứ là đi xuống tận Kim Sơn Phát Diệm, tôi cũng đã vào tham quan nhà thờ đá Phát Diệm, ăn gỏi nhệch ở quán cơm trên lối vào nhà thờ đá, những ngày còn đi làm ở Kim Sơn, tôi hay nghỉ ở một nhà nghỉ có tên là Hoa Hồng, còn anh em công nhân trọ ở nhà anh Phong gần nghĩa trang liệt sĩ xã Thượng Kiệm.
Một lần, ngồi ăn cơm ở một quán ăn ngoài thị trấn, vô tình tôi nhìn thấy anh Các bạn học với tôi hơn chục năm trước, anh mới chuyển từ tỉnh đội Lào Cai Quân khu 2 về huyện đội Kim Sơn được mấy năm, làm một chân theo dõi dự bị, động viên.Chúng tôi gặp nhau , tay bắt mặt mừng, uống rượu từ 12 h trưa đến 4 h chiều với nhau. Lần khác, lại gặp anh, trong bữa rượu, anh Các bảo:
– Này, có tay Thắng cùng đơn vị với chú, về hưu người Lưu Phương đấy.
Tôi lấy làm lạ:
– Thắng nào, sao anh biết?
Anh Các nói:
– Thắng sư đoàn 565 chứ, về hưu mà chưa đến 45 tuổi là phải đăng ký sĩ quan dự bị ở địa phương, là anh theo dõi.
Lúc ấy tôi mới à như khám phá được điều gì thật mới lạ?
Tôi ra quân, đăng ký đại úy sĩ quan dự bị hạng một ở Quận đội Đống Đa hàng mấy chục năm mà chả ai hỏi đến ( Đất nước yên bình không uýnh nhau cũng có cái lợi là như thế)
———-
Cạnh nhà anh Phong ở Thượng Kiệm là nhà ông Mão, mỗi lần từ Hà Nội xuống Kim Sơn nếu không ăn quán tôi thường vào nhà anh Phong ăn cơm với lũ công nhân, ở đó cũng có gỏi nhệch và nem thính Kim Sơn,. nhà anh Phong làm ruộng nhưng thêm nghề dệt chiếu, vợ chồng anh có được 4 đứa con gái, đứa nào cũng chăm chỉ hay làm, các cháu còn nhỏ nhưng đảm đang cứ tan học là ngồi làm cói dệt chiếu giúp mẹ nữa là các cháu nấu cơm và thức ăn rất ngon.
Trong một lần ăn cơm với anh Phong tôi hỏi:
– Anh ạ, anh Các bạn học với em ngoài huyện đội nói ở Lưu Phương có người cùng đơn vị với em tên là Thắng.
Một lần anh Phong bảo:
– Nhà ông Mão bên cạnh là họ hàng với cậu Thắng cùng đơn vị với cậu đấy, thi thoảng tay ấy vẫn sang đây
Thế rồi tôi sang nhà Ông Mão hỏi địa chỉ anh Thắng cùng đơn vị với tôi, thì sang chơi xem xem ngần ấy năm ( 07 năm từ 1989) chưa gặp có gì thay đổi không?
Phải đến hai lần đến nhà Thắng tôi mới gặp anh ( lần trước Thắng đi đám ma)
Nhà Thắng là một ngôi nhà ở Thượng Kiệm ( Không ở Lưu Phương như lúc mới về địa phương, lâu tôi không còn nhớ ngõ xóm) ngay cổng vào bên trái là một ao cá được xây gạch, trên bờ có trồng ổi và một số cây trái khác, đi tiếp đến một cái sân gạch bên trái sân gạch là bếp, khu vệ sinh, nhìn ra cái sân gạch là một ngôi nhà ngói một tầng hiên tây có 3 cửa ra vào, căn nhà này Thắng mua năm 1994 với giá là 35 triệu.
Tôi vào gặp Thắng ngồi uống nước rồi nói chuyện, qua câu chuyện tôi được biết:
– Sau khi tôi về địa phương, Thắng chuyển từ đại đội trưởng đại đội 6 về làm đại đội trưởng 211 ( là đơn vị tôi làm đại đội phó năm 1984) sau này dẫn quân vào Tây Nguyên khoan ở Công trình thủy điện Hdrây linh rồi về hưu
Vẫn nhớ Thắng nói với tôi với giọng tiếc rẻ:
– Anh em mình lúc đó đang sung sức mà phải về địa phương,mà về quê chả có việc gì làm, lương thiếu tá hưu, chơi chơi, thi thoảng lại đi ăn cỗ cưới cỗ đám ma.
Chuyện một lúc tôi chào Thắng rồi về, từ năm 1996 đến nay tôi cũng không gặp lại
Vẫn nhớ lúc tôi ra cửa, đập vào mắt tôi là hai cái giấy huân chương hạng 3 được cấp ở đơn vị hai thời kỳ khác nhau, không khung kính, dán ngay ở hai bên tường cạnh cánh cửa ra vào như hai cái giấy khen của trường cấp 1 phát cho học sinh đạt danh hiệu tiên tiến ngày xưa.
Tôi nghĩ bụng:
– Kể ra tay Thắng tiếc rẻ cũng phải, cái cơ ngơi của một thiếu tá về hưu như thế này ( thời điểm 1996) với hai cái huân chương dán tường kia, ở đơn vị, chả phải ai đến khi quay về địa phương cũng được như thế.
Lâu tôi cũng không về Kim Sơn, cũng không biết anh em trong Trung đoàn cũ từ năm ấy đến giờ có ai đã gặp lại Thiếu tá Thắng thêm một lần nào nữa không?

CÚC PHƯƠNG.

Năm 1992
Mình làm ở bìa rừng Cúc Phương, ven sông Bưởi chỗ xóm Ngoeo - Thạch Lâm-Thạch Thành- Thanh Hóa có một ngôi nhà nhỏ lợp ngói chừng 20 m2 , bên cạnh có một vườn rau nhỏ, ở đấy có hai thanh niên người mạn Gia Viễn sống ở đó, họ làm nghề gác rừng, ở đó cứ buổi sáng thấy họ đi vào rừng tối về nấu cơm ăn, hỏi họ có hay về nhà không nghe trả lời thi thoảng mới về thôi ( lúc ấy lương của công nhân gác rừng chả là bao nhiêu ) ở đó buổi chiều dân trong làng ( chủ yếu những cô gái người Mường Thạch Thành - Thanh Hóa) đi chặt chuối rừng về lội qua sông Bưởi , họ đi qua suối nước lên đến đâu vén váy lên đến đấy, rồi nước xuống đến đâu thả váy xuống đến đấy. Một lần thằng Huy bảo mình:
- Em ngồi cả buổi xem dân bản qua suối mà không nhìn được đùi em nào..
( Thời ấy, bọn đàn bà con gái nó chưa mặc sooc bò ngắn đến tận bẹn như bây giờ) Mình rất thích ngắm một em trăng trắng hơn ba mươi thật xinh ( dân làng bảo lúc đó em ấy đã ba mặt con) trong bộ váy áo có nhiều miếng vá qua suối, mỗi lần nhìn thấy chạnh lòng về thực tại:
- Bao nhiêu năm độc lập đã đi qua mà giờ ở ta dân vẫn cơm chửa no, áo chửa lành.
--------------
Cùng học Đại học Kỹ thuật Quân sự với mình có anhTrần Thanh Ủy bộ đội 1973 người Gia Viễn - Ninh Bình, khi về học đã đeo quân hàm trung sĩ , thời bấy giờ anh ấy hay rủ mình đi cùng để tán một em y tá ở viện 109 Vĩnh Yên, mình chỉ đi bộ cùng anh ấy đến cổng viện thôi rồi ngồi chờ trong quán nươc bên ngoài cạnh bệnh viện, có hôm trên đường hai anh em đi bộ từ viện 109 về khu 125, anh ấy kể:
- Lúc ôm nhau, trước khi ra về , em ấy cắn một miếng vào vai ,đau điếng người.
Sau khi ra trường, mình về f565 binh đoàn 12 đến lúc tổ máy 1 nhà máy TĐ Hòa Bình phát điện, rồi ra quân, năm 1990 một lần đang ăn sáng ở thị xã Ninh Bình mình nhìn thấy vợ chồng anh ấy đi qua, rồi rít gọi lại, vợ chồng anh ăn sáng với mình xong kể:
- Vợ làm ở Bệnh viện Nho Quan, hôm nay đèo vợ ra thị xã khám bệnh.
Mình hỏi anh ấy:
- Là cái cô y tá viện 109 năm nọ?
Anh ấy lắc đầu.Trước khi chia tay mình biết anh ấy lúc đó ở trung đoàn công binh 299 Quân đoàn 1 ở gần chùa Hang. Chả nhớ năm nào nữa một lần chúng mình họp lớp đại học ở Ninh Bình, hôm ấy chúng mình đi thăm Tràng An, đền vua Đinh, chùa Bái Đính cũ và rừng Cúc Phương, chúng mình đi vào động Người Xưa và cây Chò ngàn năm, lúc ra thấy bướm vàng ,bướm trắng bay đầy đường, liên tưởng đến mấy câu bướm bay lèn đá trong một bài thơ sau này đã được phổ nhạc của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Bây giờ, vợ chồng anh Ủy đã về hưu cả, vợ chồng anh mua cho hai đứa con trai hai cái nhà ở thị xã Ninh Bình, còn anh chị vẫn ở thị trấn Nho Quan, có lần mình hỏi vợ anh ấy sao không ra Ninh Bình, chị trả lời:
- Ra đấy khó sống hơn ở quê, ở đây đến mùa đậu lạc, ngồi một chỗ thu mua đậu lạc của dân, rồi bán lại cũng có tiền.
--------------
Trước đây, khi còn sống nhạc sĩ Trần Chung có sáng tác một bài hát về rừng Cúc Phương có nhan đề " Nhớ về Cúc Phương" mình thường được nghe bài hát này do ca sĩ Thúy Lan, ca sĩ Trung Đức biểu diễn, mình thích những bài hát được sáng tác từ thời mình còn trẻ:
- Cái thời đói nghèo nhưng trong sáng và lạc quan.
Mới đây vào một ngày đẹp trời, mình mở trang FB, có một nữ quân nhân cùng trung đoàn ( Đơn vị mình đã phục vụ cách đây mấy chục năm ) vào giới thiệu và nói chuyện, mình biết bạn ấy cùng lứa với nhiều nữ quân nhân mà mình còn nhớ mặt, nhớ tên và thỉnh thoảng vẫn gặp , biết nhà bạn ấy ở gần con đường từ Nho Quan đi Tam Điệp gần thị trấn Rịa
Tối qua trước khi đi ngủ mìnhnghe lại bài hát của nhạc sĩ Trần Chung về rừng Cúc Phương, thấy vui vui :
- Dường như lúc ấy mình đang ngồi trên bờ sông Bưởi ngắm các em người Mường Thạch Thành vào rừng đẵn thân cây chuối về nuôi lợn, các em ấy đương vén váy đi qua con sông nước cao đến bẹn ấy, vọng lên đến bờ là tiếng róc rách của nước chảy chen lẫn những tiếng hát thật ngọt ngào..
https://www.youtube.com/watch?v=SDO1EJ5uRy8
`

DUYÊN

Thiếu phụ ngồi bên cạnh trên bus nhanh váy đỏ, môi đỏ, móng tay cũng sơn đỏ, cao xương xương ( Dáng có vẻ được , không biết có tập Yoga buổi trưa không ?) gần đến bến, nàng móc máy điện thoại gọi cho ai đó, xe bus đến nhà chờ, nàng giương ô, ngoài trời mưa nặng hạt, nhìn theo bóng nàng đi ra
- Ngoài kia đã có người trùm kín áo mưa, ngồi trên chiếc xe máy chờ sẵn để đèo về rồi.
------
Chuyến bus nhanh tầm 7 h tối hôm sau cũng mưa, ngoài cửa kính bao nhiêu là nước , ô tô con nhiều hơn xe máy cứ nhích từng bước một, ngồi đứng xung quanh trên bus nhanh cũng là những chị già đang độ tuổi đi làm, có nhẽ gần hưu rồi, cách ăn mặc cũng trể nải hơn:
- Mặt mộc, không son, không nước hoa, chị nào cũng cầm theo cái ô sũng nước ( Hôm nay không có ngưòi thiếu phụ váy đỏ môi đỏ hôm nọ)
Xe chạy đến nhà chờ, ngoài đường mưa to hơn lại gió mạnh.Mấy chị già kia, đã giương ô bước ra đường rồi nhưng thấy mưa gió to quá lại lui vào nhà chờ ( Có nhẽ chờ ngớt mới dám về ?).
Lặng lẽ lấy trong túi bộ quần áo đi mưa mặc vào, đội cái mũ lá ra khỏi nhà chờ, nghĩ về mấy chị ấy, lẩm bẩm:
- Còn duyên kẻ đón người đưa....

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

LẶNG LẼ SA PA.

/ Bác giáo kể:
- Thằng thứ hai nhà tôi học côn nghệ thông tin giờ làm cho một khách sạn ở Sa Pa ,tết rồi nó gửi cho cành đào rừng to lắm, nó còn nói bao giờ xong cáp treo con đưa bố lên chơi.
2/ Nàng có đam mê du lịch và khám phá, qua mạng biết nàng lên Sapa mấy lần, lại còn leo bộ lên tận đỉnh Fan, chú em quen người phố Huế khi kể về chuyến đi ấy có nói, hôm ấy khi đến chỗ nghỉ đêm , nàng lả đi vì mệt do leo núi quá sức, em phải dìu mãi và đánh gió cho nàng.
3/ Về quê, ông anh họ đi bộ đội cuối 1974 ,mấy năm lính đóng quân ơ Cát Bà hỏi:
- Sa Pa chú đi chưa, tôi chỉ lên đến Tuyên Quang rồi vê, sang năm nghỉ hưu rồi muốn đi một chuyến cho biết.
Nói với anh ấy:
- Giờ xong đường Cao tốc đi lại dễ cơ mà đông lắm anh ạ, người xem người giống ta đi bờ Hồ xem bắn pháo hoa năm 1973 khi hiệp định Pa ris mới được ký kết.
Anh ấy không nói gì.
Hôm ấy không kể với anh ấy, năm 1979 Trung Quốc chiếm Sa Pa, sau khi nó rút đi, Sa Pa chỉ còn là đống gạch vụn, năm ấy để có người phục hồi sản xuất họ phải về tận Thái Bình vận động mãi mới được mười mấy hộ lên.
4/ Quen một em gái, mà chả nhớ em ấy sinh năm 69 hay70 ,chỉ biết em ấy được đi học tiếng Anh ở Liên Xô vào đợt lưu học sinh cuối cùng trước khi Liên Xô tan rã, người Sa Pa giờ làm ở Bô GDĐT, đôi lần nói chuyện về Sa Pa nghe em ấy kể về chuyện năm 1979 , sau tết cả gia đình phải đi sơ tán tản cư để tránh bom rơi đạn lạc , em bảo có người chạy về đến tận Hà Nội.
5/ Bạn học, sau khi tốt nghiệp về Quán khu 2 công tác, xuống đơn vị cơ sở đến tận tỉnh đội Lào Cai, sau chuyển về huyện đôi Kim Sơn, nay hưu ở đấy, mỗi lần gặp nhau toàn uống rượu, chả thấy tay ấy kể về Sa Pa,cầu Cốc Lếu hay món thắng cố ngựa ở phiên chợ Bắc Hà.
Nay
Môt ngày nghỉ bù sau Quốc Giỗ, lại có rét nàng Bân, đọc lại truyện ngắn về Sa Pa của Thành Long cho dù chả phải giáo viên dậy văn như cô giáo chùa Thầy, hay nhà thơ người xứ Nghệ tác giả của cuốn thơ " Hạt dẻ thứ 4 " dậy học ở trường Nguyễn Ái Quốc, cảm nhận giọng văn của ông ấy có gì đó giống Pautopxki, và cảm thấy hài lòng là được thêm một lần quay trở lại Sa Pa ở một thời rất xa, khi chưa bị Trung Quốc phá và xô bồ, thương mại hóa trong những năm gần đây.

http://vanhaiphong.com/tac-pham/190-lng-l-sa-pa.html

Tag: Cựu sĩ quan QĐNDVN, Lào Cai, Thắng Cố, Sa pa

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Hôm nay, ngoài trời mưa xuân bay bay, nhưng không khí lạc quan và chứa nhiều hy vọng lắm

Ngày thơ Việt Nam là một ngày mà Hà Nội có mưa, buổi trưa tôi vào Văn Miếu nghe đọc thơ, tôi nhận thấy trong số người ngồi nghe đọc thơ có mấy nữ cựu chiến binh mặc bộ quần áo sĩ quan đời mới,đứng xem biểu diễn và nghe thơ một lúc, tôi ra ngoài,ở đó bất chợt tôi gặp một người đàn ôn mặc bộ lễ phục quân đội kiểu cũ, ngực đeo nhiều huân chương, đứng nói chuyện với bác ấy một lúc tôi được biết rằng:
– Trước bác ấy đang dậy học ở trường Trung cao cơ điện rồi đi bộ đội vào chiến trường, sau đó ra quân về dây học tiếp, là người yêu thơ và yêu mến quân đội, nhân ngày thơ bác ấy mặc bộ quần áo lễ phục quân đội đã cũ, ngực đeo huy chương để đi dự.
Chuyện trò xong tôi chào bác ấy ra về.
Đâu đây
Ngoài đường ấy, dường như còn văng vẳng những tứ thơ đã được nghe và được xem trong Văn Miếu, nhớ đến hình ảnh bác già mặc lễ phục sĩ quan , mấy cô cựu sĩ quan còn trẻ hơn mình ngước mắt lên trời khi các cháu gái mặc áo đỏ cầm bóng bay đỏ thả thơ.
Tôi nhoẻn miệng cười:
– Ngoài ngày 22/12, ngày 30/4 chúng tôi còn một ngày có thể mặc bộ quần áo sĩ quan quân đội nữa, ấy là ngày rằm tháng giêng và mặc bộ quần áo đó trong ngày thơ Việt Nam
Ngoài trời, mưa xuân bay bay, nhưng không khí lạc quan và chứa nhiều hy vọng lắm.

IMG_0016
IMG_0020
IMG_0024
IMG_0027
IMG_0043
IMG_0069

LẠI VIẾT TRONG MỘT NGÀY NẮNG Ở BÊN KIA SÔNG HỒNG.

Nay lại sang Khoái Châu làm việc, quá trưa về, đi trên con đường quen,nhớ:Hôm nọ chú em ở Quân khu 9 đưa vợ về ăn giỗ, cũng là về thăm mẹ chú ấy sau xuân, mới đèo bác giáo người Nam Định sang nhà chú ấy chơi, sau tết làm một chuyến sang sông đi du xuân với bác ấy, chứ vợ chồng bác ấy sau khi hưu,mấy đứa con nó trói chân trói tay vợ chồng bác ấy bằng cách vứt đứa cháu cho ông bà trông và đưa đi học ( Phì cười khi tay đồng hao nó ví con người ta cứ nhận xong sổ hưu là thành chó giữ nhà cho con cho cháu cả một lượt- Thằng ấy nói thật nhưng ví đểu quá.) Lúc đèo bác ấy đi từ bến đò Phương Trù đến dốc kênh Liên Khê, chỉ xuống phía tay phải bảo bác ấy:
– Dưới kia là đền Ngự Dội thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung đấy, Ngự Dội có nghĩa là nơi vua chúa tắm, theo truyện cổ tích thì chỗ ấy bọn hầu nữ nó quây màn cho công chúa Tiên Dung tắm, đúng chỗ Chử Đồng Tử chả có mảnh khố nào vùi cát để cho đỡ ngượng ( xưa nó cũng biết xấu hổ, chứ giờ nó cởi ra chụp bảo đấy là nghệ thuật khỏa thân, hay vì môi trường gì đó)Bác ấy nghe bảo:
– Nghe chuyện rồi, để khi khác, chắc bác ấy nóng ruột muốn đến gặp chú em quen nên mới không con cà con kê.
Lúc ấy mới nói lại với bác ấy:
– Em vào đấy mấy lần rồi, lại còn xem người ta tế lễ rước kiệu nữa hay ra phết, nay không vào nao em chụp ảnh viết mấy chữ giới thiệu với anh ( Năm ngoái cũng viết rồi đấy có cái tít ” Chả có tiền cũng không có rước kiệu và nhờn môi đâu nhỉ?”Rồi anh em đèo nhau đi, cũng là ăn cỗ đám giỗ, đến muộn á, chắc chú em Quân khu 9 kia nó xơi hết miếng ngon, mất công lặn lội từ Đuôi Cá sang.Mấy hôm sau mưa gió, lại lên mạn ngược nên chưa có điều kiện chụp mấy cái ảnh giới thiệu đền Ngự Dội như hôm nọ đã hứa với bác ấy.Sáng nay đi đò, gặp đứa lái đò mới hỏi:
– Thế sang tháng 2 đã rước kiệu chưa?
Nó trả nhời:
– Hôm nọ chả dặn ông rồi a? Mồng 10/2 âm, năm nay giời đẹp vui ra phết.
Góp chuyện với nó:
– Ừ năm ngoái mưa bẩn, mọi người còn phải đi ủng nữa kia Đứa lái đò nghe đến đấy cười, chả nói gì nữaNẫy đi trên đê, đi một tẹo lại chụp ảnh, dưới kia là Vực Mạn Xuyên, có ngôi chùa với mấy lá cờ ngũ sắc họ còn chưa cất đi sau ngày hội, rẽ xuống đền Ngự Dội, ngôi đền nằm bên phải đường ra bến đò Năm Mẫu đằng sau đền là hai cây gạo đỏ ối, xa xa là ống khói của nhà máy gạch mới dựng lên mấy năm nay ( Bên Hưng Yên từ bến đò Phương Trù đến Vườn Chuối ven sông có rất nhiều nhà máy gạch) đi tý nữa đứng lại lấy cái máy ảnh chụp vào trong ngôi đền:
– Buổi trưa người ta đóng cửa, sau cánh cửa ấy là ban thờ Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung ( Ở đây họ thờ ba người Chử Đồng Từ và hai bà vợ là Công chúa Tiên Dung và Công chúa Tây Sa) phía xa sau cái cột cờ là một cái giếng ( Giờ như cái ao đã cạn nước) xung quanh là cây si mọc um tùm, dân ở đây họ bảo chỗ đấy là cái giếng để bọn hầu gái múc nước tắm cho Tiên Dung.
Đứng ngó một lúc rồi đi.Ra đến bến đò, bờ sông thấy mấy người phụ nữ mang chiếu, quần áo mặc hôm lễ đền rước kiệu ra giặt, thấy họ cười cười nói nói mới hỏi:
– Qua lễ vui không hở các chị?Nghe họ trả lời vui lắm. Ngắm họ giặt giũ, cười cười nói nói, nhớ đến cái tích câu chuyện Chử Đồng Tử, Tiên Dung tự dưng có ý nghĩ giống như một bộ phim quay trước mắt :
– Quen một tay trung tá Tổng cục hậu cần (người Hoa Thành, Yên Thành) thi thoảng thấy nó khoe ảnh cởi trần bơi trên sông Hồng,bây giờ nhỉ, nếu bỗng dưng mấy mẹ giặt chăn chiếu kia mà giẫm phải nó chả mặc gì nằm vùi dưới cát nhỉ?, cứ theo truyện xưa thì sẽ là vợ nó hết, rồi bật cười vì sự liên tưởng giữa chuyện xưa với hiện tại của mình.Đò cập bến, lên bờ, vừa đi vừa bảo:
– Về đến nhà phải ghi ra ngay, không thì quên cụ nó mất.