Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

CÁI TUỔI 18 CỦA MÌNH, NÓ CÁCH XA ĐÂY LÂU LẮM RỒI.

Cuối năm âm lịch.
Tuấn ( Uy) cùng khu tập thể , học sau hai khóa ở HVKTQS  có tài trợ  để cho những người sinh ra và lớn lên ở  khu tập thể quân đội họp mặt ( Những người tham dự đa phần sinh từ năm 1956-1971, có đôi người sinh năm 1975) . Anh Bắc (Lùn) nguyên Công nhân Sông Đà nay đã về làm nghề rửa xe và bán nước chè bảo với tôi :
– Lần gặp cuối năm này là lần thứ 4 kể từ năm 2011.
Lần đầu đến dự, nhận ra nhiều người quen, có người từ khi đi bộ đội đến giờ mới gặp.
Ăn xong ra uống nước nói chuyện, ngồi gần một cô em trông quen quen xinh xinh, em bảo em Thượng tá quân đội về hưu và có một đứa con đã lập gia đình. Ngẩn người một lúc, nhớ ra học cùng chị gái em ấy, nhà bố mẹ đẻ ra em ấy ngay trước cửa nhà mình, họp xong về, hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ lúc tối, trong câu chuyện, em kể rằng :
– Em học cùng với em trai anh, ngày ấy em biết anh học ở HVKTQS
Rồi lúc ấy có cười nhẹ, sung sướng khi em ấy trêu:
– Anh khen em giờ còn xinh thế, mà sao hồi ấy anh chả đến tán em nhề ?
Chao ôi:
-Cái thời 18 tuổi có giá của mình ấy, nó đã cách xa đây lâu lắm rồi.
Tag: Họp mặt cuối năm, khu tập thể quân đội, thời xưa cũ

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

TẦM NÀY THÁNG SAU LÀ TẾT THẬT RỒI.

Ở miền núi về, vào nhà thấy vợ ngâm cà rốt, cùi dừa với đường, trong tủ lạnh có mấy túi táo tướng, mới hỏi bà ấy:
– Mẹ làm mứt biếu họ hàng à?
Bà ấy trả lời:
– Làm để bán.
Mùa đông năm ngoái, thấy vợ mua thịt đun rồi giã ruốc, đứa lớn đang thất nghiệp cũng ra giã ruốc cho mẹ, thấy vợ làm bọc tướng,nghĩ bụng chắc làm ruốc để ăn dần, mấy hôm sau không thấy đâu, mới hỏi vợ:
– Ruốc hôm nọ mẹ làm đâu rồi?
Bà ấy trả lời:
– Người ta đặt thì làm cho người ta rồi chứ không phải làm để nhà ăn.
Mấy hôm sau thấy vợ xúng xính áo váy đi đám cưới, thở nhẹ:
– Mấy tối nọ mẹ con thức đến 12 giờ đêm giã ruốc , đủ tiền đi ba đám cưới dịp cuối năm, kiếm tiền thì lâu chứ tiêu thì vèo một cái
Nay ngồi ngó  vợ lụi cụi ngồi gọt cà rốt để làm mứt, tò mò:
– Vậy mẹ nó làm xong thì bán như thế nào?
Bà xã ngẩng lên cười:
– Cho vào túi bóng, gặp người quen, hỏi có mua mứt không? Thế mà làm không kịp để bán đấy.
Gật đầu:
– Ừ đi ngoài đường cũng nghe người bán bánh mỳ, bán bánh rán rao như thế.
Trước nhà có sân thượng, thi thoảng vợ con trồng rau trong hộp xốp, vừa có cái ăn vừa vui, giờ bán nhà lên chung cư ở, vợ bảo làm mứt bán vừa vui lại vừa có tiền, khoái nhất là người già người trẻ họ bảo làm mứt ngon lắm.
Nãy nhìn thấy vợ cho mứt mới làm vào túi để xuống dưới nhà bán, động viên bà ấy:
– Mẹ làm mứt từ giờ đến tết, mà có nhiều nhiều mua hẳn cái dây chuyền vàng diện tết cho oách nhé.
Bà ấy nghe đến đấy cười thật tươi, sau khi bà ấy ra khỏi nhà rồi, đi đến bức tường có treo quyển lịch  nhìn vào đó:
– Hôm nay đã 28 tháng mười một âm lịch rồi, tầm này tháng sau là tết thật rồi chứ chả sắp gì nữa.

Tag: Tết âm lịch, mứt tết, chuyện nhà

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

BÀI HÁT KHÔNG TÊN SỐ 2 CỦA VŨ THÀNH AN.

Còn nhớ
Năm 1979-1980, bố tôi có vào dậy Đại học y khoa Tây Nguyên, năm đó tôi đóng quân trong sân bay Tân Sơn Nhất, bố tôi đi từ Buôn Ma Thuột theo đường số 14 xuống Nha Trang và vào thăm tôi, bố con gặp nhau mấy hôm ở thành phố Sài Gòn mới giải phóng được mấy năm.
Cuối năm 1980 tôi ra bắc, trong mấy hôm nghỉ ở nhà, tôi thấy trong giá sách treo ở trên tường một quyển vở ô ly, mà trong đó bố tôi có chép những khuông nhạc và những  bài hát trong thời gian bố tôi đi dậy học ở Tây Nguyên.Tôi gặp và đọc đi đọc lại một bài hát mà khi đóng quân ở phương trời xa lắc, chúng tôi đã  từng  nghe và từng nghêu ngao hát:
“Xin một lần xiết tay nhau Một lần cuối cho nhau. Xin một lần vẫy tay chào Thôi giòng đời đó, cuốn người theo.”
Sau đó, tôi với lấy cái đàn ghi ta treo trên tường bấm bấm gam Mi thứ , Si 7, La thứ đệm theo điệu Bostơn lẩm bẩm :
“Lòng người như lá úa trong cơn mê chiều”
Trong khi hát, tôi nhớ đến người bạn gái cùng đơn vị, vẫy tay chào, khi gặp đoàn xe GMC chở chúng tôi từ sân bay Tân Sơn Nhất ra ga Hố Nai để ra bắc.
———–
Mấy hôm nay.
Hà Nội thật lạnh, có mưa và rét, ngoài trời xuống 12 độ, hôm nay có một ngày trốn khỏi công việc ngập đầu và áp lực ở chỗ làm thuê, cơm xong tôi vào mạng Intơnét đọc tin xem ảnh chú em ruột tôi đánh xe lên Sa Pa nô giỡn với tuyết, rồi vẫn với cái smart phone ấy tôi vào trang mạng của một cô gái người Đan Phượng tôi quen ( Nàng là nhân vật chính trong nhiều câu chuyện tôi sáng tác) tôi thấy ở trong đó nàng đang nghe bài hát xưa ( Bài hát bố tôi chép vào quyển vở Ô ly trong thời gian dậy học ở Tây Nguyên,và tôi đã từng nghêu ngao với cái đàn ghi ta năm nào- năm đó nàng còn chưa ra đời) bài hát đó có nhan đề ” Bài hát không tên số 2 – Vũ Thành An” và trong khi nghe bài hát ấy, tôi vào Wikipedia tiếng Việt để đọc tiểu sử của Vũ Thành An ( Một nhạc sĩ người Nam Định di cư) tác giả bài hát nổi tiếng mà tôi hay hát ngày xưa những khi mơ ước về một tình yêu nam nữ, tôi đọc đi đọc lại những điều người ta viết về người nhạc sĩ này:
– Sau năm 1980 năm năm, đến khi tôi đã đeo quân hàm thượng úy, ông nhạc sĩ này mới ra khỏi trại học tập cải tạo ở miền bắc.
Tồi ngồi im trong cái lạnh đến ghê người mấy tiếng để nghe , tôi nghe lời hát, nghe tiếng hòa âm trong bản nhạc đó . Chợt tôi nhớ đến bố tôi, người bây giờ chỉ còn di ảnh trên bàn thờ nhà tôi, tôi băn khoăn rằng:
– Vào những ngày này ở thế giới bên kia bố tôi đang làm gì?
Tôi bật to bản nhạc mà tôi đang nghe lên một tý nữa, với một chút hy vọng rằng:
– Hôm nay, một ngày rét, bố tôi ở nơi xa có ghé qua nhà, có thể ông sẽ vui khi con giai ông đang mở bản nhạc của ông thích, một bản nhạc mà ông đã tranh thủ giữa những giờ lên lớp ở giảng đường chép vào quyển vở, để con ông có kỷ niệm về ông khi nghe bản nhạc ấy trong một ngày lạnh mùa đông.
Cũng có thể bố tôi đã có nghe và đi ra cửa, rồi quay lại hát nho nhỏ mà tôi ( người trần mắt thịt ) không thể nghe được:
- Thôi giòng đời đó, cuốn người theo.

Tag: Mùa đông, lạnh, bài hát không tên, Vũ Thành An, Hồi ức

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

SA PA.

Lâu rồi , là năm 1996 khi đó tôi làm Công trình dưới mạn Kim Sơn – Ninh Bình, ở đó tôi gặp Các ( cùng học năm năm ở Đại học Kỹ thuật Quân sự với tôi ở Vĩnh Yên) mới chuyển từ tỉnh đội Lao Cai về huyện đội Kim Sơn được mấy năm, hôm đầu gặp nhau, chúng tôi ngồi uống rượu từ 2 h chiều đến 5 h chiều, kết quả là tôi say ngay sau khi bước chân vào nhà Các ở nông trường Rạng Đông ( Tối ấy tôi ngủ lại ở huyện đội Kim Sơn)
Cũng cần kể thêm là, sau khi tốt nghiệp đại học và nhận quân hàm sĩ quan, tôi và Các nằm trong danh sách ban cán bộ nhà trường đề nghị trên điều về công tác Quân khu 2.Sau lần đầu gặp Các ở Kim Sơn về, đến một thời ở biên giới phía bắc, và một bài hát mà chúng tôi hay hát vào những năm cuối học viên có tên là ” Sa Pa thành phố trong sương” tôi có viết một bài viết ngắn về Sa Pa mà lấy tên đúng y như tên bài hát của nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Một nhà văn tôi quen, sau khi đọc bài viết của tôi rồi góp ý:
– Bài viết hay hơn khi có trích dẫn một đoạn văn trong ” Lặng lẽ Sa Pa” của Thành Long.
Tôi chỉ biết gật đầu ậm ừ ,quả tình tôi chưa được đọc câu chuyện đó, một câu chuyện được viết từ năm 1970.
————
Vợ của anh họ tôi, một gia đình sống lâu đời ở phố Quốc Tử Giám, cuối những năm 1990 nhà vợ anh ấy bán nhà cửa vào nam sinh sống ( Nghe đâu vào Sài Gòn) một lần trong bữa giỗ bà ngoại tôi, tôi mới hỏi vợ của anh họ tôi:
– Vậy em bác vào Sài Gòn có sống được không?
Chị ấy trả lời:
– Chú ấy vào trong đó sống không được, giờ lên Sa Pa mở hiệu Cà fê rồi
Tôi nghe và gật đầu:
– Ở những nơi nhiều khách du lịch, tôi cũng thấy người Hà Nội đến đó để kiếm kế sinh nhai ( Thì cứ nhìn biển hiệu ” Phở Hà Nội” hay ” Cà Fê Hà Nội” là đoán ra thôi mà)
Tôi có một người bạn trên mạng, bạn ấy là phụ nữ học ngoại ngữ ở Liên Xô cũ về công tác ở Bộ Giáo Dục, bạn ấy sinh ra và lớn lên ở Sa Pa rồi đi nước ngoài học, những lúc rỗi tôi vào trang mạng của bạn ấy đọc những bài viết của bạn ấy về Sa Pa, tôi muốn đọc tâm tư của những người sống ở vùng đất ấy, cũng thử xem họ có nghĩ khác với chúng tôi, những người lính nhập ngũ trước cuộc chiến biên giới phía bắc, đã có lần vì nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía bắc mà qua vùng đất ấy, hoặc là khác với những người khách du lịch đã đến Sa Pa và kể về nơi đó ( Nơi vào những mùa đông lạnh giá cũng có tuyết rơi như ở các nước châu Âu xa xôi)
————
Hôm qua một ngày sau tết dương lịch 2015 ( và là ngày thứ bảy ) Tôi đến dự đám giỗ mẹ bạn cùng học lớp 10 với tôi cách đây mấy chục năm, ở đó tôi gặp mấy người bạn của bạn tôi cũng ở miền nam ra và vừa đi Sa Pa về, tôi hỏi họ:
– Các anh lần đầu tiên đi lên đó  có vui không?
Thấy họ gật đầu,rồi được nghe họ trả lời rằng, mấy ngày nghỉ trên đấy đông và lạnh lắm, có những người không thuê được nhà nghỉ , tối phải quay ra Lào Cai nghỉ, họ còn nói rằng trên Sa Pa người ta sắp làm cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng rồi cơ đấy, và bây giờ có đường cao tốc mới nên đi tiện hơn nhiều
Tôi ngồi nghe họ nói và nhớ rằng:
– Những năm 1970 từ Hà Nội lên Lao Cai (như Thành Long viết) đi tàu mất một ngày và một đêm cơ đấy, sau 45 năm bây giờ đi ô tô từ Hà Nội lên mất có 3 tiếng
Ăn cỗ nhà bạn xong, tôi về, trong ý nghĩ vẫn là câu chuyện về Sa Pa mà tôi mới nghe mọi người kể trong lúc uống rượu, lâu rồi tôi không đi Sa Pa, chỉ là ngắm ảnh em trai em dâu tôi lên đó trong những ngày Sa Pa có tuyết.
Tôi dự định sẽ viết một chút về Sa Pa như cách đây mấy năm tôi đã viết về nơi đó, có lẽ trước khi viết tôi đọc lại câu chuyện ” Lặng lẽ Sa Pa” tưởng tượng lại cảnh gặp gỡ lần đầu giữa anh kỹ sư ở trạm Khí tượng với cô kỹ sư nông nghiệp mới ra trường đã, mà có nên mang cái đàn ghi ta cũ để hát bài hát của nhạc sĩ Vĩnh Cát như một lần làm như thế trước khi viết nữa không?
Hay là:
– Để dành, chờ có một hôm nào đó, lên lại một lần thăm thú nơi cũ rồi mới viết về Sa Pa nhỉ?



Tag : Sa Pa, Lặng lẽ Sa Pa, Sa Pa Thành Phố Trong sương, Quân Khu 2, Lào Cai.