Trang

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

CÂY RAU KHÚC.

Tầm này, vào những năm sơ tán chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở đình làng Rùa xã Thanh Thuỳ huyện Thanh Oai, vào sáng xuân ẩm ướt chúng mình ra thửa ruộng ngay đình hái cây lá khúc cho trại sơ tán, không nhớ sau đó ở trại người ta làm gì và có được ăn không? ( Lúc đó tổng thống Mỹ tên là Giôn Xơn và ông ấy đã chết từ đời tám hoánh nào rồi)
Những năm học ở đại học kỹ thuật Quân sự ở Vĩnh Yên ngoài phụ cấp binh nhì, binh nhất, thượng sĩ, thỉnh thoảng về nhà được bố mẹ cho ít tiền, thì đến lúc đó mình mới biết tiêu tiền và ăn quà.
Đường ra chợ Vĩnh Yên ngày ấy, từ khu 125 phải đi qua một con đường đất qua doanh trại của sư đoàn 411, qua ga Vĩnh Yên đi một tý thì bên trái là chợ , chợ thấp hơn đường. Mấy lần vào chợ thấy bọn học viên khoa vô tuyến người Hà Nội ăn bánh khúc, sau đó quay sang phở gánh của bà Ba Xu làm một bát, đầu tiên thấy chúng nó quân hàm quân hiệu học viên ngồi giữa chợ ăn thấy lạ, mấy lần sau cũng ngồi quán phở ở chợ, và xà vào hàng bánh khúc ăn thấy ngon, thế là thi thoảng cũng ngồi đó đánh chén cho ấm bụng ở thời kỳ ăn cơm độn ngô, bo bo và mỳ hạt
———–
Mình đi xa về Hà Nội đôi khi buổi tối đi ra đường thấy có người rao bánh Khúc, những lúc nhớ xưa, mua một cái ăn, thời buổi bây giờ chán cơm, thừa phở giờ, bánh khúc ăn không thấy ngon như xưa nữa mình đi đường thấy người ta bầy một hộp xốp có đề “ Bánh Khúc Cô Lan Nguyễn Công Trứ” có hôm tò mò mua một cái ăn, chỉ thấy đậu xanh, thịt mỡ và xôi, cái lá xanh xanh trong cái bánh Khúc chả có mùi vị gì, mình cũng nghe ai đó bảo:
– Bánh Khúc ở Hà Nội bây giờ không có lá Khúc chỉ là lá su hào, cải bắp.
Nghe cũng có lý vì cây lá Khúc chỉ mọc ở những thửa ruộng ngoài đồng vào mùa xuân, ở những đám ruộng chưa cầy bừa , cây lá Khúc tự nó mọc dại giống cây rau dền cơm chứ ít nơi trồng và hái cũng khó, đi cả buổi may ra được lưng rổ, chị Yên ( Một nhà thơ- có nhà ngay cổng 125 Đại học Kỹ thuật Quân sự) thấy mình khoe ảnh lá Khúc bảo mình hái về làm bánh đê, mình đùa với chị ấy :
– Em mà hái về làm bánh Khúc thì một cái bánh giá phải 200 ngàn đồng một chiếc.
———–
Nọ.
Một chú em bộ đội 1981 (cùng sư đoàn với mình) người Thái Bình có giới thiệu một bài báo mạng viết về bánh Khúc ở Song An – Vũ Thư – Thái Bình, mình đọc hết bài viết đấy, nhận ra đó là một bài viết của một người trẻ tuổi nào đấy, viết về sự ra đời của bánh Khúc liên quan đến tường Nguyễn Tất Ứng , một bài báo viết từ sự lượm lặt và xào xáo một bài viết đã được từng đăng ở đâu đó trên mạng.
Hôm nay.
Một ngày thứ bẩy hơi lạnh ở Yên Phong – Bắc Ninh, mình đi làm, trên miếng đất vườn người ta trồng nghệ hồi năm ngoái ( đã được đền bù để mượn đất thi công ) mình thấy dưới chân mình đứng là những đám cây lá Khúc, nhớ đến mùa xuân nào đó những năm 196x ở nơi sơ tán đi hái lá Khúc, những cái bánh Khúc đã ăn ở chợ Vĩnh Yên hồi học đại học, cái hộp xốp với có đề “ Bánh Khúc Cô Lan Nguyễn Công Trứ” trước mặt một người phụ nữ xồn xồn đứng bán, nhớ đến một bài viết về “cây lá Khúc” của cô giáo chùa Thầy mình mới đọc hôm nọ, thế là mình chụp ảnh đám ruộng có cây lá Khúc, và cây lá Khúc để xem cô giáo ấy nhận xét gì về những bức ảnh mới chụp lúc chiều nay của mình.
Giá mà:
– Mình cũng biết làm bánh Khúc như những người dân Song An- Vũ Thư – Thái Bình trong một bài báo mạng hôm nọ, với đám lá Khúc này mình sẽ thử làm cái bánh bằng lá Khúc thật để xem nó có vị khác những cái bánh Khúc nơi Phố Thị mà mình nghe nói vẫn làm bằng lá Su hào hay Cải Bắp đã từng ăn không?
Và có khi sẽ là thiết thực hơn:
-Giá mà mình quen một em gái Yên Phong nào đó, biết làm bánh Khúc để mình mua ăn, thay vì những cái bánh tẻ ( Bánh răng bừa) vẫn thấy bầy bán ở chợ Chờ và ngã tư Chờ mà mình nhấm nháp vào sớm hôm nay.
Giá mà:
– Mình vẫn trẻ và ngon trai như hơn ba mươi năm trước nhỉ?

1 nhận xét:

  1. Lâu lắm mới thấy anh viết bài. Làm em nhớ lại một kỷ niệm của năm em học cấp II. Copy lại chia sẻ với anh: "Năm mình học lớp 6 trường tổ chức đi tham quan Côn Sơn, địa điểm khi đó vô cùng phổ biến với các trường ở Hà Nội do khoảng cách không quá xa. Tụi mình tự mang đồ ăn trưa. Đứa thì xôi chả, đứa mang bánh mỳ, đứa khác lại mang bánh khúc với món lá khúc tự tay tụi mình hái từ những mảnh ruộng cạn nước dọc theo con đường vào trường chiều hôm trước. Bữa trưa tụi mình ngồi trên sân chùa, vừa ăn vừa trêu chọc nhau và ngắm dòng sông uốn lượn bên dưới."

    Trả lờiXóa