Trang

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

THỊ TRẤN KIM SƠN VÀ THIẾU TÁ THẮNG.

Bây giờ.
It người biết đến thị trấn Kim Sơn Ninh Bình ( nơi có giáo xứ Phát Diệm nổi tiếng với rất nhiều giáo dân di cư vào nam năm 1954 và định cư ở khu vực Hố Nai) nhất những người theo đạo phật người ở các tỉnh thì càng không biết đến Kim Sơn- Ninh Bình.
Học cùng một lớp sĩ quan của trường Đại học Kỹ thuật Quân sự ở Vĩnh Yên với tôi ( Lúc đó hiệu trưởng là Trung tướng Hoàng Phương) có hai anh tên là Khánh và Các, sau khi ra trường anh Các lên Quân khu 2 nhận công tác, anh Khánh nhận công tác ở Quân khu 5 là người Kim Sơn, lúc còn ở trường anh em bảo ” Nhà anh Khánh cách nhà thờ Đá Phát Diệm có mấy bước chân”
Ra trường về đơn vị, tôi cũng không gặp các anh
Năm 1996 sau khi đã ra quân 7 năm, tôi có dịp đi làm dưới mạn Nghĩa Hưng – Nam Định, và Kim Sơn – Ninh Bình, từ đó tôi biết về Kim Sơn cứ xuôi quốc lộ 1 đến một ngã ba đường Trần Hưng Đạo, 30 tháng 6, Nguyễn Công Trứ , cứ rẽ tay trái theo đường Nguyễn Công Trứ là đi xuống tận Kim Sơn Phát Diệm, tôi cũng đã vào tham quan nhà thờ đá Phát Diệm, ăn gỏi nhệch ở quán cơm trên lối vào nhà thờ đá, những ngày còn đi làm ở Kim Sơn, tôi hay nghỉ ở một nhà nghỉ có tên là Hoa Hồng, còn anh em công nhân trọ ở nhà anh Phong gần nghĩa trang liệt sĩ xã Thượng Kiệm.
Một lần, ngồi ăn cơm ở một quán ăn ngoài thị trấn, vô tình tôi nhìn thấy anh Các bạn học với tôi hơn chục năm trước, anh mới chuyển từ tỉnh đội Lào Cai Quân khu 2 về huyện đội Kim Sơn được mấy năm, làm một chân theo dõi dự bị, động viên.Chúng tôi gặp nhau , tay bắt mặt mừng, uống rượu từ 12 h trưa đến 4 h chiều với nhau. Lần khác, lại gặp anh, trong bữa rượu, anh Các bảo:
– Này, có tay Thắng cùng đơn vị với chú, về hưu người Lưu Phương đấy.
Tôi lấy làm lạ:
– Thắng nào, sao anh biết?
Anh Các nói:
– Thắng sư đoàn 565 chứ, về hưu mà chưa đến 45 tuổi là phải đăng ký sĩ quan dự bị ở địa phương, là anh theo dõi.
Lúc ấy tôi mới à như khám phá được điều gì thật mới lạ?
Tôi ra quân, đăng ký đại úy sĩ quan dự bị hạng một ở Quận đội Đống Đa hàng mấy chục năm mà chả ai hỏi đến ( Đất nước yên bình không uýnh nhau cũng có cái lợi là như thế)
———-
Cạnh nhà anh Phong ở Thượng Kiệm là nhà ông Mão, mỗi lần từ Hà Nội xuống Kim Sơn nếu không ăn quán tôi thường vào nhà anh Phong ăn cơm với lũ công nhân, ở đó cũng có gỏi nhệch và nem thính Kim Sơn,. nhà anh Phong làm ruộng nhưng thêm nghề dệt chiếu, vợ chồng anh có được 4 đứa con gái, đứa nào cũng chăm chỉ hay làm, các cháu còn nhỏ nhưng đảm đang cứ tan học là ngồi làm cói dệt chiếu giúp mẹ nữa là các cháu nấu cơm và thức ăn rất ngon.
Trong một lần ăn cơm với anh Phong tôi hỏi:
– Anh ạ, anh Các bạn học với em ngoài huyện đội nói ở Lưu Phương có người cùng đơn vị với em tên là Thắng.
Một lần anh Phong bảo:
– Nhà ông Mão bên cạnh là họ hàng với cậu Thắng cùng đơn vị với cậu đấy, thi thoảng tay ấy vẫn sang đây
Thế rồi tôi sang nhà Ông Mão hỏi địa chỉ anh Thắng cùng đơn vị với tôi, thì sang chơi xem xem ngần ấy năm ( 07 năm từ 1989) chưa gặp có gì thay đổi không?
Phải đến hai lần đến nhà Thắng tôi mới gặp anh ( lần trước Thắng đi đám ma)
Nhà Thắng là một ngôi nhà ở Thượng Kiệm ( Không ở Lưu Phương như lúc mới về địa phương, lâu tôi không còn nhớ ngõ xóm) ngay cổng vào bên trái là một ao cá được xây gạch, trên bờ có trồng ổi và một số cây trái khác, đi tiếp đến một cái sân gạch bên trái sân gạch là bếp, khu vệ sinh, nhìn ra cái sân gạch là một ngôi nhà ngói một tầng hiên tây có 3 cửa ra vào, căn nhà này Thắng mua năm 1994 với giá là 35 triệu.
Tôi vào gặp Thắng ngồi uống nước rồi nói chuyện, qua câu chuyện tôi được biết:
– Sau khi tôi về địa phương, Thắng chuyển từ đại đội trưởng đại đội 6 về làm đại đội trưởng 211 ( là đơn vị tôi làm đại đội phó năm 1984) sau này dẫn quân vào Tây Nguyên khoan ở Công trình thủy điện Hdrây linh rồi về hưu
Vẫn nhớ Thắng nói với tôi với giọng tiếc rẻ:
– Anh em mình lúc đó đang sung sức mà phải về địa phương,mà về quê chả có việc gì làm, lương thiếu tá hưu, chơi chơi, thi thoảng lại đi ăn cỗ cưới cỗ đám ma.
Chuyện một lúc tôi chào Thắng rồi về, từ năm 1996 đến nay tôi cũng không gặp lại
Vẫn nhớ lúc tôi ra cửa, đập vào mắt tôi là hai cái giấy huân chương hạng 3 được cấp ở đơn vị hai thời kỳ khác nhau, không khung kính, dán ngay ở hai bên tường cạnh cánh cửa ra vào như hai cái giấy khen của trường cấp 1 phát cho học sinh đạt danh hiệu tiên tiến ngày xưa.
Tôi nghĩ bụng:
– Kể ra tay Thắng tiếc rẻ cũng phải, cái cơ ngơi của một thiếu tá về hưu như thế này ( thời điểm 1996) với hai cái huân chương dán tường kia, ở đơn vị, chả phải ai đến khi quay về địa phương cũng được như thế.
Lâu tôi cũng không về Kim Sơn, cũng không biết anh em trong Trung đoàn cũ từ năm ấy đến giờ có ai đã gặp lại Thiếu tá Thắng thêm một lần nào nữa không?

1 nhận xét:

  1. Mẹ em là dân đạo gốc, quê ở Kim Sơn - Phát Diệm. Nên nghe thấy địa danh thật thân thiết.

    Trả lờiXóa