Trang

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Chả có tiền thì chắc là cũng chả có lễ hội, có rước kiệu và nhờn môi đâu nhỉ?

Tháng ba âm, đầu tháng mưa lất phất kèm với rét, từ bên kia cầu Vĩnh Tuy chỗ Cự Khối đi về đến tận Phương Trù Tứ Dân huyện Khoái những ngày này cứ một đoạn lại gặp ven đê những ngôi đình có cắm cờ ngũ sắc, nơi họ còn treo khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng  "Chào mừng quí khách về lễ hội truyền thống quê hương” dưới đình họ mang kiệu từ hậu cung ra sắp đâu vào đấy, quanh đấy họ kê rạp chuẩn bị nấu cỗ, liền ông người thì mặc quần áo quan đội mũ cánh chuồn đi hia,người thì mặc áo xanh đội mũ xanh đi guốc mộc, người thì khăn xếp áo the ,liền bà người thì mặc áo vàng đội kiềng vàng, người thì mặc áo xanh vấn khăn
Lế hội chắc ở đâu cũng giống nhau, đầu tiên là thắp hương, khấn vái đọc sớ ở đình,rồi rước kiệu sang chùa, đi trước kiệu là những người cầm cờ ngũ sắc, rồi đến thanh niên kéo cái xe cải tiến gõ trống, rồi đoàn người cầm binh khí bằng gỗ gươm đao giáo mác, rồi đến những người khiêng kiệu, có nơi họ chỉ rước từ Đình sang Chùa, cũng có nơi họ rước quanh thôn, rồi cũng rước cả rồng nữa
Tháng ba ở nhà quê cấy xong chả có việc gì,những ngày hội thế này đông và vui đáo để
Tôi sang Năm Mẫu Tứ Dân vào một ngày tháng ba như thế, hôm ấy là lễ hội ở Năm Mẫu và Phương Trù, tôi gặp dòng người rước kiệu từ đền Ngự Dội đi quanh thôn Năm Mẫu rồi lên đê qua Mạn Xuyên ,Tây Trù đến Phương Trù. Mưa đường nhầy nhụa đất mà cả ba ngày lễ hội ngày nào cũng đông người đi dự, người đi xem cũng đông, tôi cũng gặp trên đò sông Hồng các cháu học sinh lớp tám lớp chín bên xã Tự Nhiên Thường Tín cũng sang để xem.
Mấy tay ở xa đến xem rồi kể với tôi:
- Gớm Thánh Nhập vào đám khiêng kiệu bác ợ, họ chạy băng băng xuống bãi lao cả xuống sông Hồng, cả đám người chạy theo sau để giữ kiệu chạy theo mà chả được, lao hẳn xuống sông nước lút đầu kiệu quay quay mà người khiêng chả làm sao.
Tôi nghe đến đấy mới buột mồm:
- Thế á
Người kia tiếp:
- Vâng đám khiêng kiệu như là bị nhập đồng ấy.
Thì đấy,trên đường tôi đi từ chỗ UBND xã Tứ Dân đến đền Ngự Dội tôi vẫn nhìn thấy những người đàn bà áo vàng quần trắng đi ủng cao su, các cô gái má hồng mặc quần bò đi ủng khóac cái áo tứ thân khiêng kiệu, mấy đứa thanh niên quần bò áo trắng khoác cái áo lính lệ (  giống quân tốt đỏ trong bộ tam cúc) đi rước kiệu trên con đường nhầy nhụa đấy thôi.
Hôm qua tôi nói chuyện với mấy ông già trong vườn chuối ở thôn Năm Mẫu về lế hội ngày hôm kia, tôi nghe được rằng:
- Lễ hội năm nay, mỗi khẩu đóng hai trăm cò, nhà sáu người đóng một triệu hai
Tôi hỏi lại:
- Tính suất đinh thôi hay cả liền ông liền bà
Họ trả nhời:
- Tính cả.
Chiều nay trên đò sông Hồng từ thôn Năm Mẫu sang An Cảnh,trên đò có mấy người chở chuối xanh sang bên kia sông, tôi mới nói chuyện với họ, và biết được rằng:
- Qua tết giá một buồng chuối như trước tết khoảng hai tháng, năm mươi cò một buồng như tôi đã mua, nhìn những buồng chuối buộc sau xe máy,tôi mới nhẩm một khẩu đóng lễ hội qui ra chuối là bốn buồng
một nhà sáu người đóng tiền lễ hội là hai mươi bốn buồng chuối
Vẫn nhớ tôi cũng hỏi họ rằng:
- Vậy mỗi khẩu đóng hai trăm cò thì ai cũng được nhờn môi chứ?
Cái người đàn ông hôm kia giải thích rằng:
- Không, là chỉ những người khiêng kiệu với cầm cờ gõ trống được nhờn môi thôi..
Thì ra thế
Tôi ngắm nhìn những người đàn ông qua đò đi bán chuối sau mùa lễ hội, ngắm những buồng chuối xanh giá 50 cò một buồng.
Tự dưng tôi muốn thở ra rằng:
- Cơ mà chả có tiền thì chắc là cũng chả có lễ hội, có rước kiệu và nhờn môi đâu nhỉ?
Bố khỉ thế mà ,ngày xưa, lúc tôi mới nhớn cứ nói gì liên quan đến năm xu một hào, người ta cứ bĩu môi mà dè bỉu rằng:
- Ư toàn nói chuyện  vật chất tầm thường..


1 nhận xét:

  1. Mưa gió lầy lội, rét mướt thế này, chả biết cái vui của lễ hội có bù đắp được cho họ hay bản thân người trong cuộc cũng chả mấy vui vẻ??? Và sự bảo tồn nửa vời, đâu đâu cũng lễ hội, cũng bày vẽ nhưng không đến nơi đến chốn. :(

    Trả lờiXóa