Suối mơ.
Năm ấy, vùng Thạch Lâm - Thạch Thành chưa có con đường Hồ Chí Minh chạy qua như bây giờ, khi ấy nếu ai đó muốn vào đến Thạch Lâm phải đi xe từ Hà Đông đi Yên Thủy, đến Lâm Hóa là địa bàn của huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình , rẽ tay phải rồi đi qua một cầu treo bắc qua con sông Bưởi, lại cứ theo con đường đất có chỗ rải đá, có chỗ không ( người ta bảo đó là đường tắt của bộ đội ngày xưa huấn luyện mở mạn Tân Lạc Hòa Bình đi vào tây Thanh Hóa để đi B) là vào đến Thạch Lâm Thạch Thành Thanh Hóa đi một tí nữa đến sông Ngang, tuy là đất Thanh Hóa nhưng đây lại là bìa rừng Cúc Phương . Bên trái đường gần xóm Ngoeo của người mường Thạch Lâm có một cái nhà nhỏ của mấy người gác rừng.
Xóm Ngoeo ta vừa nhắc đến ấy khi đó có cỡ chừng độ hai chục nóc nhà của người mường, ở đấy có một lớp học dạy chữ lớp 1 lớp 2 cho mấy đứa trẻ con trong xóm , tuy những người mường ở xóm Ngoeo họ trồng lúa, trồng ngô bên này sông Bưởi, nhưng hàng ngày những người phụ nữ thưởng lội qua sông Bưởi vào rừng Cúc Phương để chặt chuối rừng mang về cho lợn ăn , khi lội quay về, họ tranh thủ tắm ngay giữa suối trước khi họ vác thân chuối về nhà.
-------------
Ở xóm Ngoeo thời ấy cũng có một đội công nhân đóng quân ở đấy, họ đổ bê tông để làm mấy mố cột điện được chôn ở bìa rừng,mỗi lần đúc móng cột điện cánh công nhân phải sang bên kia suối làm sớm.
Có một lần cánh công nhân ấy phải đi đổ bê tông từ sáng sớm, hôm ấy vào lại vào ngày hè, họ làm từ 5 h sáng đến 10 h sáng là đã mệt lắm rồi, ở vùng này 10 h trưa nắng cũng đã oi lắm.Đúng vào lúc nghỉ trưa, anh kỹ sư làm ở đấy cùng với một cậu công nhân ra bờ suối ngồi dưới lùm cây cho mát, cũng lúc ấy, ở bên bờ bên kia có hai cô gái trẻ là giáo viên của lớp học ở xóm Ngoeo ra bên bờ suối, hai cô định làm gì đó rồi cứ đứng nhìn sang bờ bên này,nơi có anh kỹ sư và cậu công nhân đang ngồi tránh nắng. Như hiểu ra anh kỹ sư bảo cậu kia:
- Ra chỗ khác đi cậu ạ, mấy cô kia cũng đang muốn tắm cho mát
Cậu công nhân kia ngoan cố:
- Kệ anh ạ, cứ để xem hai cô kia làm gì ?
Chờ một lúc lâu không được, hai cô đỏ mặt nhìn nhau, thế rồi họ quay lưng lại, cởi hết áo sống, rồi cứ thế lùi dần xuống suối cho nước ngập đến tận cổ.
Tối về, sau khi cơm nước xong anh kỹ sư với cậu công nhân tắt nến đi ngủ sớm, nửa đêm bỗng anh kỹ sư tỉnh giấc, cậu công nhân quàng tay qua người anh:
- Anh ơi, như là em sốt ấy.
Anh kỹ sư sờ tay lên trán cậu công nhân nhẹ nhàng:
- Sốt đâu mà sốt?
Lại nghe cậu công nhân thì thầm:
- Cơ mà em nhớ vợ em lắm.
Từ đấy cho đến sáng, anh kỹ sư cũng không ngủ được.
- Chả nhẽ cái thân hình trần như nhộng được nhìn thấy từ đằng sau của hai cô giáo người mường đi giật lùi xuống suối để tắm lúc ban trưa lại ám ảnh đến như thế hay sao?
Nhâm nhẩm tính, anh kỹ sư chợt buông tiếng thở dài:
- Chà hơn ba tháng rồi vẫn chưa về thăm vợ con được lấy một lần.
Rồi anh thiếp đi, để lại trong thực tại tiếng nước chảy róc rách của con sông Bưởi bên cạnh nhà, trong giấc ngủ chập chờn của anh vẫn văng vẳng đâu đó lời cô thanh nữ dường như vừa tắm dưới sông Bưỏi vừa hát bài hát " Suối mơ” đã được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ thật lâu lắm rồi.
"Suối mơ...
Bên rừng thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng.
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét