Lâu rồi tôi có viết một bài viết về SaPa trong đấy có một đoạn tôi kể sơ sơ chợ tình SaPa, đọc xong có một nhà báo nói với tôi :
-Bây giờ chợ tình SaPa thương mại hóa rồi, du lịch phát triển đồng nghĩa với sự thay đổi,vui buồn lẫn lộn.
Một nhà báo ở Tuyên Quang lại bảo:
- Nếu là chợ tình,nguyên sơ và bản sắc chỉ còn ở Khau Vai Mèo Vạc Hà Giang.Phiên chợ ấy một năm ngày 27/3âm lịch hàng năm.
Tôi có dự định thế nào cũng sang Khau Vai một lần…
Tôi đã kể với ai đó:
- Tôi thường đi bên này của bờ sông Nho Quế (Trên đất Bảo Lâm-Cao Bằng) bên kia sông là Mèo Vạc - Hà Giang là xã Khau Vai, những lần tôi đi vào đến Lũng Mần,mấy đứa công nhân có vẻ hiểu biết chỉ cho tôi thấy,trên một quả đồi cao có mấy nóc nhà rồi nó bảo xa xa kia là Khau Vai đấy,tôi nhìn con đường mờ mờ ven những dãy núi đá,tôi hỏi:
- Con đường ấy dẫn đi đâu nhỉ?
Đứa khác trả lời:
- Đó là con đường dẫn vào thủy điện.( Sau này tôi mới biết, đó là con đường đá chạy ra thị trấn Mèo Vạc Hà Giang)
Những gì tôi biết về Khau Vai cũng là đứng từ xa ngó lại như thế.
Hôm vừa rồi, vào một ngày mùa thu trời nắng ,tự dưng tôi chợt có ý định sang bên Hà Giang xem xã Khau Vai mà tôi từng được nghe trong các câu chuyện kể như thế nào?
Tôi mượn xe máy của cậu chủ quán cơm tên là Lưu ở thị trấn Bảo Lạc, tôi đi 40 km đường liên xã qua Thượng Hà,Cốc Pàng,Đức Hạnh đến điểm trưởng tiểu học Chè Lỳ tôi men xuống sông Nho Quế qua mảng và đi lên xã Khau Vai.
Từ dưới bờ sông đi lên,trung tâm xã Khau Vai chỉ có mấy dãy nhà cấp 4 của dân ven đường,có một ngôi trường hai tầng dành cho học sinh nội trú của xã Khau Vai.
Tôi vào chợ Khau Vai, hôm ấy không phải phiên chợ,chỉ có một hàng thịt lợn với mấy người dân đứng xung quanh,tôi hỏi một người:
- Hôm 27/3 âm lịch người ta họp chợ tình ở đâu hở bác?
Người ta trả lời:
- Ở đây và ở trên kia trên ấy cũng có chợ và một ngôi nhà gỗ hai tầng nữa.
Tôi đi xe máy lên trên đó, ở đấy người ta đương xây kè để giữ địa điểm là nơi có chợ tình họp cho khỏi sụt lở đất vì mưa gió.
Tôi ngắm những ngôi nhà,nhìn thấy ven đường trước sân người ta phơi những củ cây rừng giống như những củ,những rễ cây mà tôi nhìn thấy hôm ở cột mốc 535 mẹ con người San Chỉ mang bán cho người Trung Quốc ở bên kia biên giới.
Tôi lạ lẫm nhìn những cháu bé ngồi chơi,những người dân đương đi địu thân cây ngô đã khô về để làm chất đốt.
Lần đầu tiên tôi tận mắt thấy Khau Vai,thấy những con người ở đấy,nơi một năm ở đấy có một phiên chợ tình,mà rất nhiều nơi cho dù cuộc sống sung túc hơn,điều kiện sống tốt hơn mà không thể có được.
Tôi cầm máy ảnh,ghi lại những khoảnh khắc tôi ở Khau Vai trong một ngày không có phiên chợ,một Khau Vai nổi tiếng trong văn trong thơ, rất nghèo nàn và thiếu thốn
Vừa chụp ảnh tôi vừa tự hỏi mình:
-Chả biết đến bao giờ..miền núi mới đuổi kịp miền xuôi đây?
Nguyễn Minh Quang
Khau Vai 28/10/2011
Hic, bao giờ em mới thu xếp được thời gian để đến Khau Vai :(. Làm em nhớ bài thơ của Trần Hòa Bình:
Trả lờiXóa"Ai trong đời chẳng có một Khau Vai
Nhọn sắc đá tai mèo
Cứa vào thương nhớ
Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió
Em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình"