Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Hoa muộn.

Hoa muộn.

1.Có một thời các trung đoàn của sư đoàn mình đều có bệnh xá, trên sư đoàn có bệnh viện sư đoàn,khi mình về làm cán bộ đại đội thì cũng là lúc đơn vị mình giải tán các bệnh xá trung đoàn, bệnh viện sư đoàn hạ cấp xuống làm bệnh xá.
Trong những năm phục vụ tại sư đoàn,mình chưa bao giờ đi bệnh xá,nhưng thỉnh thoảng lên sư đoàn họp quân chính,mình biết Phương bác sĩ quân y của bệnh xá sư đoàn.
Phương, quê Thanh Hóa,nguyên chiến sĩ của đoàn 559 đi học Đại học quân y sau khi tốt nghiệp về sư đoàn mình công tác, thỉnh thoảng gặp mình thấy trên nét mặt của cô bác sĩ ấy có cái gì tai tái của sốt rét rừng,dáng gầy gầy.
Những lúc đi họp ấy,cánh sĩ quan chúng mình nghe ai đó nói về Phương là cô ấy ngoài sốt rét và cắt u nang buồng trứng. Ngay ấy ở đơn vị có nhiều trường hợp sĩ quan lấy vợ đã lâu nhưng không có con, họ giải quyết bằng cách về quê đón vợ lên đơn vị ở, có người đón ở cả năm nhưng không thấy gì? Tài vụ trung đoàn có một em thiếu úy chuyên nghiệp tên là Hạnh người Thái Bình, ở lâu lâu,gần ba mươi chả có anh nào ngó ngàng em ấy làm đơn xin phục viên để về Thái Bình
- Rồi em còn lấy chồng nữa chứ?
Trước khi khoác ba lô rời khỏi trung đoàn toàn là đàn ông em ấy đã để lại lời nói ấy ngay cổng ra vào đơn vị.
Chả ai nói,nhưng mỗi lần nhìn thấy Phương mọi người lại nhớ đến câu nói của em Hạnh trước khi ra quân
2. Hải là sĩ quan cấp thiếu úy,tốt nghiệp trường quân chính của Binh Đoàn được về Ban tham mưu nơi mình công tác làm nhân viên của mình.Trước khi đi học quân chính Hải là chiến sĩ và đã có 4-5 ở Liên Xô ( Kazacctan) học trung cấp về cơ khí ở bên đó gọi là Учи́лище thì phải? Hải cũng người Thanh Hóa. Thỉnh thoảng cơm xong ngồi têu tếu, nói chuyện gia đình vợ con, chúng mình nói với Hải là ở bệnh xá sư đoàn có cô bác sĩ cùng quê tên là Phương đấy. Vợ chồng cùng quê lấy nhau tiện,một lần về phép thăm được cả hai đằng, chứ một chốn bốn quê như những người khác vất lắm ( Vẫn nhớ thời ấy mới đổi tiền xong, tiền mất giá.lương thượng úy như mình sau khi trừ tiền cơm nhà bếp, không đủ mua vé xe từ chỗ đóng quân về Hà Nội).Rồi mình bảo với Hải:
- Bố tôi là Bác sĩ Ngoại Sản đấy,phụ nữ u nang buồng trứng cắt một bên vẫn sinh con bình thường...
3. Lâu dần, cho đến ngày Hải lấy vợ, chúng mình mới biết vợ Hải là Phương bác sĩ ở bệnh xá sư đòan,hồi ấy cánh sĩ quan mời nhau đám cưới không có đánh chén bia bọt như bây giờ, có làm cơm cũng chỉ là cho người nhà dưới quê lên dự ăn và mời lãnh đạo cao nhất đơn vị thôi, còn là mời uống nước chè,hút thuốc lá,bánh keo. Cánh sĩ quan chúng mình góp tiền mua xô, chậu ,màm tuynh tặng đôi vợ chồng mới cưới.
4. Mình ra quân, mải đi làm chả có tin gì về đơn vị cũ. Một lần đương gò người đạp chiếc xe đạp giữa trời nắng trên đường Tàu Bay bỗng nghe tiếng người ngược lại quen quen:
- Đốp rưi đen ka pi tan, Ố trin rat ...
mới dừng xe lại. Hải đang đạp xe ngược chiều
Dừng lại nói chuyện giữa trưa nắng
Lúc ấy mới biết
Trung đoàn giải tán, Sư đoàn thu hẹp lại rất nhiều,sĩ quan trước họp quân chính ngồi chật hội trường giờ chỉ còn chưa đến hai chục. Nhờ có vốn tiếng Nga đã học Hải có người quen dẫn vào làm ở dàn khoan dầu khí
Hải Phương đã có hai con, cả nhà vào trong ấy ở, nay ra Hà Nội về Binh đoàn làm nốt tý giấy tờ..
Thế rồi chia tay nhau.
Mải kiếm ăn, cái quá khứ một thời lẫn lộn với cơm áo gạo tiền chả lúc nào nhớ ra được.
Hôm nọ sang Kim Động ra đến cánh đồng làng Đồng An, nhìn thấy bông hoa nở muộn giữa đám bèo lúc cuối thu. Chợt thấy hiện lên gương mặt mai mái,xanh xao có tý đàn ông của cô bác sĩ bệnh xá sư đoàn với khuôn mặt ( tưởng tượng) của hai đứa con trai cô ấy với tay Hải sĩ quan cấp dưới của mình năm nào. Thấy cuộc đời cô ấy gần giống bông hoa nở muộn, thấy cô ấy giống lời nhận xét về bông hoa sen ở giữa đám bèo mà cô giáo dạy văn ở Sài Sơn đã viết:
"Cuối mùa vẫn cố dâng đời sắc hồng và hương thơm tinh khiết."
Thì rõ là thê
Là phụ nữ ai chả muốn sẽ có lúc được nở hoa và kết nhụy cho đời? Dù có muộn. Cũng chả cần phải nói thêm phải làm thế nào? Sống thế nào để cuộc sống sẽ có cái kết thúc có hậu cho mình nữa nhỉ?
Cho dù những người hiểu biết người ta hay nói đó là Nhân Quả...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét