Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

KHOA VĂN - GỐC NHÃN - SÂN THƯỢNG NHÀ A7

(KHOA VĂN - GỐC NHÃN - SÂN THƯỢNG NHÀ A7
( Bài copy trên mạng nhân ngày 20/11)

Dưới sân A7 có hai gốc nhãn. Người ta trồng ngay lối cửa cầu thang hẳn cũng có ý để cho những người chờ đợi nhau có tán cây che nắng. Gốc nhãn mòn vẹt, nhẵn bóng bởi nó trở thành chỗ dựng xe cho các chàng tới tìm hiểu con gái Khoa Văn. Hai gốc nhãn ấm tán lâu rồi, nhưng vẫn còi cọc (mà người hồi ấy cũng còi cọc nói gì cây). Với các cô sinh viên năm nhất, chưa có người yêu, ở tầng hai, nơi người ta gọi là "xóm trại", thì hai gốc nhãn còi đầy muỗi dĩn đứng bên những vũng nước bẩn trước mấy ô cửa sổ ấy không có gì là hay hớm. Đối với các cô gốc nhãn chỉ là nơi có bà bán xôi sắn, hay cô bán khoai lang sắn luộc buổi sáng, nếu đói thì chạy xuống cầu thang là mua được ngay. Chỉ những đêm trăng sáng, A7 mất điện (hồi ấy mất điện kinh niên) ở tầng hai nhìn xuống sân các cô mới thấy có cảm tình với cây nhãn ấy tí chút bởi nó là điểm hẹn hò hay chia tay nhau chả biết nữa của những đôi tình nhân trẻ. Họ dùng dằng chưa nỡ rời nhau bởi giận hờn hay quyến luyến bên gốc nhãn nào thì chỉ có gốc nhãn ấy biết mà thôi.
Hồi ấy thi thoảng sinh viên được xem phim, kịch. Sang thì có phim ở rạp: phim "Những người khốn khổ", "Sông Đông êm đềm" ở rạp Tháng Tám, kịch "Âm mưu và tình yêu" (Sinle), "Đôi mắt" (Vũ Dũng Minh) ở nhà hát lớn. Lần đầu được đến những nơi phim kịch rất tuyệt như thế (ở nhà thì chỉ có phim chiếu ở bãi hoặc sân đình, sân kho hợp tác). Nhà trường phát vé, sinh viên tự đi. Cả bọn háo hức đi từ sớm, leng keng tàu điện từ Cầu Giấy - cổng trường Giao thông rồi cứ mặc kệ cái toa tàu chở mình qua Hàng Bông, Tràng Thi ra Bờ Hồ, rồi xe căng hải đưa đi tìm nhà hát. Bọn khôn hơn thì sắm xe quay, tức là tìm người chở đi ấy. Tiêu chuẩn là phải có xe đạp, và cũng phải galăng tí chút, nếu có tí cảm tình nữa thì càng hay. Và muốn có xe quay thì phải có vé cho xe nữa, điều này thì quá dễ bởi có nàng lười đi nên gán vé cho bạn, hoặc đổi nhau lần này ấy cầm hai vé, lần sau đến lượt tớ. Thế là thêm hình ảnh chàng gò lưng đạp xe, nàng ngồi sau thỏ thẻ lãng mạn phết. Phim chiếu tại trường thì hầu như thường xuyên theo tuần, toàn chiếu phim Liên xô: "Thép đã tôi thế đấy", "Khi đàn sếu bay qua ". . . Đi xem là ra sân vận động, đứng ngồi lố nhố, và tất nhiên khối người đến bãi đâu phải chỉ xem phim. Phim có cảnh đôi tình nhân hôn nhau, người xem ì xèo, người ra vẻ hiểu biết giải thích rằng thì là ở Tây đấy là chuyện thường ngày ở huyện. Có nàng ngây thơ hỏi sao họ lại thế nhỉ, chàng chép miệng ra vẻ sành điệu: "Chuyện, Liên xô mà lị". Đến khi tan phim, tiễn nàng về đến gốc nhãn sân A7, nàng thỏ thẻ với chàng: "Anh Liên xô em đi . . ."
Sau này sinh viên bớt ngây thơ hơn, tối nào cũng có dăm đôi đi hôn nhau chán chê rồi về qua gốc nhãn là y như rằng nổi cơn nghiện hôn nhau lần nữa. Đất dưới gốc cây vì phải chịu cú đúp trọng lực trở nên cứng chả khác bê-tông, nhãn cằn không lớn được. Nó độc thân đứng đấy, không chết vì bức xúc, tăng-xông là may cho nó lắm...
Cứ như thế nhiều năm... Gốc nhãn thành chứng nhân cho cả một thời tuổi trẻ.

Sân thượng nhà A7 cũng là nơi có nhiều kỷ niệm với sinh viên Khoa Văn thời ấy. Đó không chỉ là nơi trực chiến của những "con mắt phía tây thành phố" trong những tháng năm bão lửa. Đó còn là nơi hẹn hò, tình tự, nơi sinh viên Khoa văn tìm đến lắng mình trong những lúc vui, buồn. Lúc vui thì chạy lên đó hét toáng lên, lúc buồn thì leo lên mà khóc vùi cho nhẹ lòng.
Dạo ấy, với sinh viên Khoa Văn, sân thượng A7 là cao nhất. Đứng trên ấy ngắm toàn cảnh nhà trường thật khoái. Những đêm rằm sao có cảm giác trăng gần mình thế... Buổi tối thứ bảy và chủ nhật từ sân thượng A7 nhìn xuống trước nhà: chui cha, lắm xe quá trời! Hình như bọn con trai các trường đều đổ xô đến A7 mình hay sao ấy. Ngày ấy sao mà vui thế!
Buổi tối cuối tuần các cô sinh viên Khoa Văn thường rủ cả bạn trai lên sân thượng ngắm sao trời. Có cô sinh viên lên đó đầu tiên là với người yêu, sau là những khi buồn. Những lúc buồn ấy thường có một người bạn trai đứng cùng. Cô có thể khóc, có thể im lặng. Người bạn trai cũng chỉ im lặng, hoặc cùng lắm khi cô khóc thì rụt rè nắm tay cô mà không nói gì. Sự sẻ chia đó thật ấm áp....
Còn những chàng trai Khoa Văn sau khi đi "thả giọng trầm" (tán tỉnh các cô) thành công hay không thì cũng lên đứng trên sân thượng suy tư rồi ngượng nghịu làm thơ... Nhiều nhà thơ xuất thân từ Khoa Văn bắt đầu sự nghiệp thơ ca của mình như thế...

A7 nay không còn là ký túc xá. Gốc nhãn xưa cũng không còn. Còn lại những hồi ức. Sinh viên Khoa Văn ngày ấy bây giờ nhớ về A7 như nhớ về tuổi hai mươi ra đi không bao giờ trở lại của mình. Ta cùng chia sẻ với họ khi đọc những dòng thơ làm sống lại cái thời vô tư ấy!

EM CÓ VỀ A7 CHÚNG MÌNH XƯA

THAI SẮC (Cai Văn Thái)

Em có về gõ nhịp guốc cầu thang
Sau buổi học tan ồn ào trưa nắng
Ôi cái ồn ào khiến lòng yên ắng
Đời học trò da diết nhớ em ơi

Em có về góp chung tiếng cười
Với bè bạn chật căng ô cửa sổ
Những chiều hồn nhiên như là trẻ nhỏ
Có bao giờ gặp lại nữa đâu em

Em có về mài miệt với từng đêm
Trang giáo trình tóc nghiêng về chợt ngủ
Ôi những đêm đông nối mùa thi cử
Một chút lạnh lùng tìm lại chẳng gặp đâu

Em có về gốc nhãn đợi chờ nhau
Thứ bảy hoàng hôn mắt nhìn thắc thỏm
Người bạn trai nào có còn đến đón
Công viên chờ xao xác lá nào bay

Em có về với mỗi sớm mai
Góp tà áo khoe sắc màu sân nhỏ
Chung dòng nước chảy vào lòng bể đó
Âm thanh nào cũng gợi nhớ lòng ta

Em có về A7 chúng mình xưa
Nơi gắn bó suốt một thời kỉ niệm
Tìm lại chút ấm nồng còn lưu luyến
Bốn năm trời ta gửi lại nơi đây .

5.1982

A7 CHÚNG MÌNH XƯA

THAI SẮC

A7 chúng mình xưa có còn để tìm về
Ta lạc lối giữa sân trường kỷ niệm
Tháng ngày xa bảng lảng chiều sương tím
Tóc dài nay phác một nét thơ buồn.

A7 chúng mình xưa ai về để nhớ thêm
Gốc nhãn còi chân cầu thang chật bước
Nhịp guốc gõ một thời thân thuộc
Tiếng nước khuya dưới lòng bể mỏi mòn

A7 chúng mình xưa ai về để còn thương
Gió kỷ niệm cứ nghiêng chiều sân thượng
Tiếng ghita bập bùng xanh gác xép
Gợi một thời yêu sống với Khoa Văn

A7 chúng mình xưa ai về để tìm nhau
Những ô cửa mãi chật căng khát vọng
Bốn năm xưa như vẫn bền nhịp sống
Như vẫn còn neo lại giữa thinh không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét